Những năm trước đây, khi nói về huyện miền núi An Lão nhiều người lo ngại không chỉ vì đường xá xa xôi, hiểm trở mà còn ngăn cách bởi lắm suối, nhiều sông.
Ngày nay, đến với An Lão bạn có thể ung dung ngồi trên xe máy, xe ô tô nhấn ga thong dong ngắm cảnh trời mây, non nước giữa đại ngàn xanh thẳm trên con đường bê tông uốn lượn, bên những cây cầu mới nối những bờ vui đến tận các bản làng xa xôi hẻo lánh của người Hre, Ba Na…
|
Cầu Sông Xanh đang được xây dựng giúp người dân đi lại thuận tiện. |
Những ngày cuối tháng 10 này, chúng tôi có dịp đến thăm vùng đất mới “Khu kinh tế Trung-Hưng” nằm bên kia con sông An Lão, nỗi lo sợ vắng đò sang sông đã tan biến, vì trước mắt chúng tôi hiện hữu cây cầu bê tông cốt thép mới xây còn nguyên màu sơn trắng tinh. Ông Nguyễn Văn Tre, một nông dân ở thông Hưng Nhơn, thị trấn An Lão vừa đi thăm vườn tiêu bên kia sông về, gặp chúng tôi đang ghi hình cây cầu mới, ông Tre vui vẻ cho hay: “ cây cầu qua Khu kinh tế Trung-Hưng này vừa mới thông tuyến cách đây mấy hôm, nhân dân phấn khởi vô cùng, nhất la người dân xã An Hưng và người dân thị trấn An Lão, vì lâu nay muốn qua bên kia sông để vào khu sản xuất Trung-Hưng hoặc qua bên này sông để đi chợ thì người dân chỉ có con đường duy nhất là bơi lội hoặc ngồi chờ xuồng ghe của ai đó đưa giúp sang sông. Đã có không ít trường hợp vì nôn nóng qua sông có người đã liều mình lội sông bị nước lũ cuốn trôi. Đáng lo ngại nhất là những đứa trẻ ở thôn Hưng Nhơn và thôn Hưng Nhơn Bắc (thị trấn An Lão) vào mùa mưa lũ vẫn phải đưa trâu, bò qua bên kia sống để chăn thả, thật nguy hiểm vô cùng”.
Được biết Cầu qua Khu kinh tế Trung-Hưng được khởi công xây dựng vào đầu năm 2016, cầu có chiều dài 180m, gồm 12 nhịp, có tải trọng hơn 10 tấn, tổng kinh phí xây dựng hơn 10 tỷ đồng, sử dụng từ nguồn vốn 30a do, UBND huyện An Lão làm chủ đầu tư. Cầu qua Khu kinh tế Trung –Hưng hoàn thành đưa vào sử dụng sớm hơn so với dự toán kế hoạch, đáp ứng mong ước của người dân địa phương từ bao đời nay.
Cùng cảnh ngộ với một số bản làng khác của người dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn huyện miền núi An Lão, thôn 2, xã An Hưng và làng Tamangghen, xã An Trung lâu nay cũng bị chia cắt bởi con sông Rê. Vào mùa nước cạn thì người dân hai bên còn qua lại với nhau bằng cách lội bộ, nhưng vào mùa mưa nước lớn thì bị chia cắt hoàn toàn. Muốn sang được bờ bên kia phải đi đường vòng mất gần 5km. Niềm vui nối tiếp niềm vui, cũng trong năm 2016 Tổng cục Đường bộ Việt Nam, thuộc Bộ Giao thông vận tải đã quyết định khởi công xây dựng cầu Nước Giáp-Thôn 2, xã An Hưng từ nguồn vốn chương trình “Nhịp cầu yêu thương”, với tổng kinh phí xây dựng hơn 8 tỷ đồng. Cầu Thôn 2, xã An Hưng được thiết kế xây dựng bán vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép, dài hơn 115m, mặt cầu rộng 3,5m, có lan can, tay vịn bằng thép mạ kẻm chống gỉ. Đến nay cầu đã xây dựng cơ bản hoàn thành chuẩn bị nghiệm thu đưa vào sử dụng, đáp ứng niềm mong đợi của người dân.
Đứng trên cây cầu mới, già làng Đinh Văn Ram (dân tộc Hre, ở xã An Hưng) nở nụ cười sảng khoái trải lòng: “dân làng mình vui lắm, từ nay đã có cây cầu vững chãi để đi lại, gắn kết tình cảm giữa các người dân trong vùng. Con cháu đến trường cũng đỡ khó khăn khăn hơn. Người dân trong làng đau ốm đến bệnh viện huyện cũng gần và thuận lợi hơn. Tình trạng người dân chết đuối trên con sông này chắc chắn không còn tái diễn. Cảm ơn Đảng và Nhà nước đã quan tâm đến đời sống của dân làng mình”.
Không dừng lại ở đó, cũng trong năm nay huyện An Lão còn đầu tư hơn 6,8 tỷ đồng khởi công xây dựng cầu Sông Xang bằng bê tông cốt thép nối liền tuyến giao thông giữa thôn Xuân Phong Tây, xã An Hòa, huyện An Lão với xã An Hảo Tây, huyện Hoài Ân. Đây là con đường chiến lượt cũng là mục tiêu để phát triển kinh tế- xã hội phía tây huyện An Lão. Dự kiến sẽ phấn đấu hoàn thành xây dựng cầu trước Tết Nguyên đán năm nay”.
Đến nay, toàn huyện hơn 81km đường liên xã, gần 50km đường xã, 76km đường ngõ, xóm, 9km đường nội đồng và hơn 5km đường nội thị đã được bê tông hóa. 100% số xã, thị trấn và 56/57 thôn đã có đường bê tông đến tận trung tâm. Đặc biệt, huyện đã đầu tư xây dựng 18 cây cầu lớn nhỏ bắc qua sông, suối, nối liền các khu dân cư vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với trung tâm huyện lỵ và các địa phương khác trong tỉnh. Riêng trong năm 2016, huyện An Lão đã chính thức khởi công xây dựng mới 03 cây cầu bắc qua sông, hoàn thành đưa vào sử dụng trước khi xuân về, Tết đến. Dự kiến trong những năm tới, huyện An Lão sẽ còn xây dựng 05 chiếc cầu dân sinh nữa tại các xã An Nghĩa, An Vinh và An Trung”.