|
Một hộ nông dân sử dụng thuốc khai hoang bơm diệt cỏ trên đồng ruộng. |
Tuy nhiên, nhận thức của người dân về tác hại của loại thuốc diệt cỏ chưa cao nên dẫn đến sử dụng thuốc tràn lan không chọn lọc và chưa đúng cách. Thuốc trừ cỏ nhóm khai hoang là những loại thuốc có tính độc cao nếu sử dụng không đúng cách dễ gây ngộ độc cho sức khỏe con người, chăn nuôi và gây ô nhiễm đất môi trường sinh thái.
Ông Võ Xuân Thiết, Trưởng trạm Trồng trọt và BVTV huyện Tuy Phước, cho biết: Do khoảng cách cách ly giữa 2 vụ sản xuất kéo dài nên cỏ dại, lúa chét phát sinh trên đồng ruộng mạnh, gây khó khăn cho việc làm đất gieo sạ. Thay vì cày ải, cày ngâm diệt cỏ dại theo truyền thống một số bà con nông dân lạm dụng nhóm thuốc trừ cỏ có hoạt chất Glyphosate và nhóm thuốc cỏ cháy (tên hoạt chất Paraquat), nông dân quen gọi thuốc trừ cỏ khai hoang có những ưu điểm là hiệu quả diệt trừ cỏ dại rất cao và đây là 2 nhóm thuốc đăng ký sử dụng chủ yếu để trừ cỏ trên đất trồng cây lâu năm, đất không trồng trọt, đất chưa trồng trọt. Việc lạm dụng loại thuốc này không những dễ gây ngộ độc cho người đi phun, mà còn ảnh hưởng đến gia súc, gia cầm, các vùng nuôi trồng thủy sản... khi chăn thả ở những vùng đã phun thuốc khi chưa đủ thời gian cách ly. Trước khi vào vụ Trạm đã khuyến cáo nông dân không sử dụng thuốc trừ cỏ có chứa chất Paraquat và Glyphosate để diệt cỏ trên ruộng lúa, bờ ruộng, hoặc bờ mương, nhất là các mương có chăn nuôi gia cầm và thủy sản.
Còn ông Phạm Văn Khiêm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước, cho rằng: Mặc dù ngành chức năng đã khuyến cáo nhưng thực tế bà con nông dân vẫn sử dụng thuốc cỏ khai hoang để bơm diệt cỏ tràn lan trên các cánh đồng trong huyện đã phát tán gây ô nhiễm môi trường không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, tác động xấu đến nguồn tài nguyên đất và nước. Đặc biệt, bà con đã tăng liều lượng lên gấp đôi, gấp 3 để phun diệt cho cỏ nhanh chết, không tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng, đúng cách). Mới đây, ngày 20.10 huyện tổ chức Hội nghị Tổng kết sản xuất nông nghiệp năm 2016 và triển khai sản xuất Đông Xuân 206-2017 nhiều đại biểu đã phản ánh vấn đề trên và đề nghị tỉnh nên xem xét nghiêm cấm thuốc trừ cỏ khai hoang sử dụng trên đồng ruộng.
Trên thực tế hiện nay, do thiếu hiểu biết nên nhiều nơi nông dân sử dụng thuốc BVTV còn tùy tiện, nhận thức của người dân về tác hại của loại thuốc này chưa cao nên sử dụng thuốc tràn lan đã làm cho những tác động xấu của thuốc gây ảnh hưởng trên phạm vi rộng và mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng hơn. Đó là một trong những nguyên nhân chính gây hại của thuốc trừ cỏ tới sức khỏe và môi trường sống. Ngoài ra, khi sử dụng nông dân chủ quan không mang bảo hộ, phun quá liều chỉ dẫn gây ảnh hưởng tới sức khỏe cho người đi phun. Ông Nguyễn Hoài Phong, ở xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước đang bơm thuốc cỏ khai hoang, thổ lộ: Tiền mua thuốc cỏ khai hoang 1 sào chi phí hết 25 ngàn đồng, công bơm mình phun trực tiếp diệt hết cỏ dại là mừng rồi, chứ chưa biết nó có độc hại cho người hay không, có ảnh hưởng đất, nguồn nước thì chưa biết và chỉ biết phun xong mình cắm cây báo không được chăn thả gia súc, gia cầm vào ruộng, không bắt cua trong ruộng để ăn vậy thôi.
Được biết, một số nhóm thuốc trừ cỏ đang sử dụng hiện nay trên địa bàn tỉnh là hai nhóm thuốc có hoạt chất Glyphosate (ít độc nhóm III) và có hoạt chất Paraquat (độc cao nhóm II). Vì thế, ngoài việc diệt cỏ cho các vườn, đồi cây lâu năm như cà phê, cao su hoặc phun diệt cỏ trước khi gieo trồng cây ngắn ngày, thuốc còn có khả năng phát hoang cho những diện tích đất khai hoang, đất không canh tác, bờ mương bờ ruộng… Thuốc có tác động lưu dẫn nên sau khi phun, thuốc sẽ xâm nhập vào bên trong thân qua bộ lá và các phần xanh của cây cỏ rồi di chuyển đến tất cả các bộ phận của cây (kể cả bộ rễ nằm sâu dưới đất và thân ngầm), làm cho thối cành và thân ngầm nên diệt cỏ rất triệt để và hữu hiệu trong việc ngăn cản cỏ mọc trở lại. Mặc dù tác động diệt cỏ của thuốc có hơi chậm, sau khi phun thuốc 4- 5 ngày (cỏ hàng năm) và 7-10 ngày (cỏ nhiều năm) mới thấy cỏ chết, nhưng hiệu lực của thuốc lại kéo dài tới 2- 3 tháng (cỏ chỉ mọc lại từ hạt mầm).
Để phát huy tốt mặt tích cực của các loại thuốc trừ cỏ, đồng thời hạn chế tối đa những ảnh hưởng xấu của chúng, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cần tăng cường chỉ đạo các Trạm TT- BVTV tích cực hướng dẫn cho người dân thực hiện tốt nguyên tắc 4 đúng trong khi sử dụng thuốc. Mặt khác, Chi cục Bảo vệ thực vật tăng cường công tác quản lý các loại thuốc BVTV trên địa bàn để người dân không phải mua nhầm các loại thuốc nằm ngoài danh mục quy định được sử dụng.
Trước những tác hại của thuốc BVTV nói chung và thuốc trừ cỏ nói riêng và tình trạng dùng thuốc tràn lan của nông dân, ngành Nông nghiệp và PTNT cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý việc kinh doanh các loại thuốc diệt cỏ trên thị trường; ban hành quy định cụ thể về phạm vi sử dụng. Quản lý chặt chẽ việc buôn bán chất trừ cỏ độc cao Paraquat (không khuyến khích sử dụng trên địa bàn khi chưa được tập huấn hướng dẫn kỹ lưỡng) để tránh những thiệt hại cho sản xuất, môi trường và sức khỏe cộng đồng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện và xử lý nghiêm các quầy kinh doanh thuốc BVTV không có giấy phép, không có trình độ chuyên môn để hướng dẫn cho người dân khi mua, sử dụng trên đồng ruộng.