Ngư dân xã Nhơn Lý (Tp. Quy Nhơn): Chuẩn bị vào vụ đánh bắt tôm hùm giống
Rộn ràng chuẩn bị mùa vụ mới
Chúng tôi về xã bán đảo Nhơn Lý trong những ngày đầu tháng 10 âm lịch, những cơn mưa nặng hạt của những ngày chớm Đông do ảnh hường của gió mùa Đông Bắc báo hiệu cho một mùa vụ ra khơi đánh bắt THG của bà con ngư dân địa phương. Đi dọc bãi biển của xã, những chiếc thuyền thúng được ngư dân đưa lên bờ sửa chữa để chuẩn bị ra khơi đánh bắt.
|
Ngư dân Đinh Xuân Hiến, xã Nhơn Lý đang sửa sang may mới thêm mành để chuẩn bị đánh bắt THG mùa vụ năm nay.
|
Theo ông Nguyễn Xuân Thọ, chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Lý, hằng năm thời điểm từ tháng 8 đến tháng 9 âm lịch là ngư dân địa phương lại chuẩn bị sửa chữa ghe thuyền, tu bổ lưới, chuẩn bị trang thiết bị vật dụng để khi biển động xuất hiện THG là ngư dân ra khơi đánh bắt THG.
Mấy hôm nay, do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc, bãi biển xã Nhơn Lý là bãi ngang nên sóng lớn các phương tiện ghe thuyền lớn của xã đã tìm nơi trú ẩn an toàn để neo đậu, khi THG xuất hiện ngư dân sẽ ra khơi để đánh bắt. Chúng tôi đến nhà ngư dân Đinh Xuân Hiến, ở thôn Lý Hưng, xã Nhơn Lý, giữa lúc ông đang sửa sang may mới thêm một dàn lưới trủ để hành nghề mành trải THG, ông Hiến là một trong những ngư dân đầu tiên của xã Nhơn Lý đã sáng tạo ra phương pháp đánh bắt THG bằng thuyền thúng, một phương pháp đánh bắt đem lại hiệu quả kinh tế cao, ít tốn chi phí, lao động ít mà thu nhập lại rất cao. Hiện tại mô hình mành trải THG đánh bắt bằng thuyền thúng đã được nhân rộng trong toàn xã.
Ông Hiến, cho biết: “Nếu đầu tư thuyền thúng bằng chất liệu Composite có gắn máy nổ, cùng ngư lưới cụ thì chi phí mất khoảng 25 – 30 triệu, nhưng thúng lại bền hơn, còn đầu tư thúng chai truyền thống bằng nan tre, cộng với dây, neo, mành thì chỉ mất 15 triệu. Nghề mành trải THG bằng thuyền thúng ít tốn nhiên liệu, chỉ cần 1 – 2 lao động có thể làm được, việc đánh bắt nhẹ nhàng hơn, hiệu quả đem lại rất cao”.
Cũng theo ngư dân Hiến, việc đánh bắt bằng thuyền thúng do ít tốn nhiên liệu, nhân công nên nếu giá tôm tăng cao thì một mùa đánh bắt đạt hiệu quả sẽ thu nhập từ 50 – 70 triệu đồng/ mùa vụ, đó là tôm ít, còn nếu tôm nhiều thì đánh bắt thu nhập trên 100 triệu đồng/ vụ là “bình thường”. Trong khi đó, việc đánh bắt bằng thuyền máy phải cần nhiều lao động, chi phí cao hơn, mành trải thì cần phải có 3- 4 lao động, mành bủa thì cần 9 – 10 lao động trên thuyền, nên thu nhập cũng vì thế mà ít hơn, chính vì vậy ngư dân ở đây bây giờ ít muốn “đi bạn” (đi làm biển trên thuyền cho chủ thuyền) mà họ đầu tư sắm thuyền thúng, may mành để “tự làm, tự ăn” sướng hơn nhiều. “Đánh bắt bằng thuyền thúng thì buổi chiều ra thả lưới xong về nhà có thể ăn uống, nghỉ nghơi cho tới sáng hôm sau đi bộ tập thể dục rồi ra kéo lưới cảo tôm, xem kết quả” ông Hiến cười nói.
Biển động, sóng lớn mới có tôm
Ông Nguyễn Xuân Thọ, chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Lý, cho biết: “Mùa vụ đánh bắt tôm hùm giống thường từ tháng 10 âm lịch năm trước đến tháng 3 âm lịch năm sau, có năm tôm xuất hiện sớm từ tháng 9 âm lịch đến tháng 2 âm lịch năm sau. THG chỉ xuất hiện rộ khi thời tiết có gió mùa Đông Bắc kéo dài, biển động mạnh. Đợt này, có gió mùa Đông Bắc, ngư dân cũng rất trông mong biển động có tôm để chuẩn bị ra khơi. Hội ngư dân xã cũng đã tạo điều kiện tín chấp các ngân hàng để cho ngư dân vay vốn đầu tư ngư lưới cụ để đánh bắt THG”.
Theo lời ngư dân địa phương cho biết, nghề đánh bắt THG cũng lắm gian nan, vì phụ thuộc thời tiết. Năm nào biển động dai dẳng thì ngư dân lại mừng vì THG xuất hiện nhiều, đánh bắt có thu nhập cao, còn năm nào thời tiết thuận lợi, biển êm trời lặng không có động gió thì mất mùa 3 “Không” (không có tôm thì không ra khơi và dĩ nhiên là không có thu nhập). Đặc tính của con THG sống dưới đáy biển, nếu thời tiết biển động liên tục, sóng lớn thì THG sẽ trồi lên mặt nước theo dòng hải lưu bơi vào vùng biển gần bờ. Chính vì thế, biển động mới có tôm, biển động nhiều thì tôm nhiều, biển động ít tôm ít và biển êm thì không có tôm.
Ông Đinh Văn Quang, chi hội trưởng nông dân thôn Lý Hòa, cho biết: “Tính cả xã thì thôn Lý Hòa là nơi tập trung phương tiện hành nghề đánh bắt THG, kể cả các loại hải sản khác là nhiều nhất. Mùa vụ khai thác THG năm 2015 – 2016, do thời tiết êm, biển ít động, thời gian khai thác ngắn hạn nên việc khai thác THG sản lượng đạt thấp, bù lại giá THG rất cao, dao động từ 300 – 350 ngàn đồng/ con. Thu nhập mỗi hộ đánh bắt THG từ 50 – 70 triệu đồng/ vụ, cá biệt có trường hợp thu nhập trên 100 triệu đồng/ vụ”.
Nghề đánh bắt tôm hùm giống gian nan vất vả là vậy, nhưng khi “trúng biển” thì thu nhập mang lại rất cao, nghề này chỉ tập trung vào mùa biển động, thời gian khai thác chỉ khoảng từ 3 - 4 tháng. Năm nào tôm “dày” (nhiều) thì giá tôm hạ thấp, chỉ khoảng từ 200 – 250 ngàn đồng/ con, có khi giá “tụt” xuống còn khoảng 170 ngàn đồng/ con; những năm tôm xuất hiện ít, thì giá tôm tăng cao, thường đầu mùa THG có giá khoảng 280 – 320 ngàn đồng/ con, có lúc tăng lên 350 – 370 ngàn đồng/ con.
Ngư dân Đinh Xuân Hiến, cho biết thêm: “ Những năm trước thời tiết biển động nhiều, tôm hùm xuất hiện dày đặc, ngư dân làm mành trải bằng thuyền thúng thu nhập trên 100 triệu đồng/ vụ là bình thường. Tuy nhiên, 2 năm nay ( mùa vụ 2014 – 2015 và mùa vụ 2015 – 2016) thời tiết biển ít động, THG xuất hiện ít nên thu nhập ít hơn. Mùa vụ năm 2015 – 2016, thời tiết thuận hơn, THG ít xuất hiện hơn, nhưng gia đình tui khai thác THG thu nhập 100 triệu đồng.”
Ngoài những nghề khai thác theo truyền thống như mành rút trủ bủa tôm giống, mành trải tôm, ngư dân xã Nhơn Lý đã phát triển thêm nhiều nghề mới như: Thả chà đánh bắt THG, trong đó đặc biệt phát triển mạnh nghề thuyền thúng trải tôm đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Nguyễn Thành Danh, phó chủ tịch UBND xã Nhơn Lý, cho biết: “Toàn xã Nhơn Lý hiện có 237 phương tiện tàu thuyền cơ giới, tổng công suất 4.344 CV, chủ yếu hoạt động đánh bắt gần bờ và 247 thuyền thúng khai thác THG. Trong 9 tháng đầu năm nay, ngư dân địa phương khai thác hải sản ước đạt 1.489 tấn hải sản, riêng THG ngư dân đánh bắt được 12.923 con THG”.