ĐBQH Đặng Hoài Tân góp ý báo cáo về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp
|
Đại biểu Quốc hội Đặng Hoài Tân phát biểu tại Hội trường
|
Tôi đồng tình với những kết quả và tồn tại, hạn chế, nguyên nhân trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2015 gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong thời gian qua và những đề xuất, kiến nghị được nêu trong báo cáo giám sát của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoại 2010-2015 gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, đã được nhân dân rất đồng tình và hưởng ứng.
Qua 5 năm thực hiện đã đạt được những kết quả rất thiết thực, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi tích cực, hệ thống hạ tầng nông thôn phát triển mạnh mẽ; thu nhập và điều kiện sống cả về vật chất và tinh thần khu vực dân cư nông thôn từng bước được nâng lên rõ rệt; cơ cấu các ngành sản xuất được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương và cả nước gắn với nhu cầu thị trường; việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh; liên kết theo chuỗi giá trị được hình thành và phát triển ngày càng rõ nét, công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm được chú trọng. Xây dựng nông thôn mới đã gắn kết với tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở mỗi địa phương.
Tôi nghĩ rằng, xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp là một quá trình và những kết quả đạt được trong thời gian qua mới là bước đầu nhưng rất quan trọng.
Tuy nhiên, qua 5 năm thực hiện vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc như báo cáo giám sát và ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội đã đề cập trong thảo luận “kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về phát triển KT-XH năm 2016, kế hoạch phát triển KT-XH năm 2017 và kế hoạch tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2020 trong 2 ngày vừa qua là đáng quan tâm, cần phải sớm có giải pháp khắc phục.
Theo báo cáo giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội, hiện tại toàn quốc đã có 2061 xã (chiếm 23%) đạt tiêu chí nông thôn mới, các địa phương nợ đọng xây dựng cơ bản 15.277 tỷ, cá biệt có nhiều địa phương mất khả năng thanh toán. Vì vậy, để đến năm 2020 số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới 50% như tiêu chí Chính phủ đặt ra theo tôi là rất khó, vì các xã chưa đạt hầu hết là những xã có nhiều khó khăn, đồng thời vốn ngân sách nhà nước cũng đang gặp khó khăn, sức đóng góp người dân có hạn. Tuy nhiên, với quyết tâm chính trị cao nhất, để Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp đạt mục tiêu đề ra, nhất là tổ chức lại sản xuất, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân, ngoài những đề xuất, kiến nghị như báo cáo giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nêu, Tôi xin có một số đề xuất, kiến nghị với Chính phủ và các bộ ngành như sau:
1. Đẩy mạnh nghiên cứu, phân tích các cam kết thương mại hàng nông, lâm, thủy sản song phương và đa phương mà Việt Nam đã tham gia, đánh giá những cơ hội và thách thức từ đó có phương án hành động, ứng phó cụ thể nhằm tuyên truyền phổ biến đến các địa phương, doanh nghiệp và người dân biết để xây dựng phương án kinh doanh phù hợp, khai thác tối đa lợi thế, giảm thiểu thách thức và nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng thời phát triển thị trường và bảo vệ hợp lý sản xuất trong nước, quan tâm phát triển thương hiệu sản phẩm; xúc tiến thương mại, tháo gỡ các rào cản nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nông, lâm, thủy sản.
2. Chính phủ sớm hoàn thiện quy hoạch vùng; tạo cơ chế và chính sách về đất đai, tín dụng, thuế, thương mại để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; để các hợp tác xã nhất là hợp tác xã nông nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động. Bố trí gói tín dụng có lãi xuất vay ưu đãi để các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân vay phát triển sản xuất nông nghiệp.
3. Trong cơ chế cạnh tranh về thị phần tiêu thụ hàng hóa khốc liệt như hiện nay, ngoài chất lượng, mẫu mã sản phẩm thì thương hiệu sản phẩm rất quan trọng nhưng hiện tại thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhãn hiệu sản phẩm còn chậm đã làm ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của sản phẩm, nhất là sản phẩm nông nghiệp. Đề nghị Bộ Khoa học – Công nghệ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nghiên cứu nhằm đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận.
4. Trong liên kết 4 nhà thời gian qua đạt được nhiều kết quả, tuy nhiên để tạo điều kiện cho nông nghiệp phát triển tốt hơn, tôi xin đề nghị Chính phủ có cơ chế, chính sách để nhà tài chính (ngân hàng) trở thành nhà thứ 5 trong mối liên kết “Nhà nước, nhà khoa học, nhà tài chính, nhà doanh nghiệp, nhà nông”.