|
Sau mỗi chuyến biển tàu thuyền về cập cảng Đề Gi (Phù Cát), để tiếp thêm nhiên liệu cho chuyến biển mới.
|
Tính đến thời điểm này, huyện Phù Cát có 56 TĐKTB sản xuất trên biển với 400 tàu thuyền và 3.300 lao động, khai thác, đánh bắt thuỷ sản trên biển ở cùng địa phương nên sự đoàn kết nội bộ rất tốt. Vì vậy khi đi đánh bắt trên biển hay lúc vào đất liền, mỗi khi thành viên trong tổ gặp khó khăn, hoạn nạn họ đều tương trợ, giúp đỡ nhau.
Nhiều ngư dân cho biết, tham gia vào các TĐKTB, ngư dân thêm tự tin khi ra khơi, bám biển. Từ đó họ mạnh dạn đầu tư vốn để đóng mới, cải hoán tàu thuyền, mua sắm ngư lưới cụ nâng cao hiệu quả đánh bắt hải sản. Ngoài ra, nhiều TĐKTB khai thác hải sản đã tăng cường công tác phối hợp trong đánh bắt và dịch vụ hậu cần. Các tàu thường đi theo nhóm nên khi gặp ngư trường có sản lượng thấp, các chủ tàu có thể dồn sản phẩm cho một tàu vận chuyển về tiêu thụ. Do đó, chất lượng sản phẩm đảm bảo tươi, ngon và bán được giá, hiệu quả từng chuyến đi biển tăng lên. Ngoài số lượng tàu tham gia vào TĐKTB, huyện Phù cát còn có trên 1200 tàu chuyên đánh bắt xa bờ. Trong đó có trên 50% số tàu có công suất lớn tham gia đánh bắt ở các ngư trường như: Quảng Bình, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Khánh Hoà, Vũng tàu, Trường Sa, Hoàng sa….. Từng đoàn tàu thuyền chia thành tổ đồng loạt ra khơi, tạo nên một khối đoàn kết trên biển, hổ trợ nhau trong đánh bắt, tìm nguồn cá, khi có sự cố, các tổ liên lạc với nhau kịp thời khắc phục, tránh được những tai nạn đáng tiếc xảy ra. Đặc biệt, khi phát hiện có tàu nước ngoài xâm phạm lãnh hải Việt Nam, các tàu tập trung đấu tranh, xua đuổi, thông báo cho BĐBP lực lượng Cảnh sát Biển, Hải quân phối hợp xử lý, góp phần bảo vệ an ninh trên biển.
Ông Nguyễn Hữu Hùng, chủ tàu BĐ- 93031-TS, ở thôn An Quang Đông, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát có suy nghĩ như thế này: “Tổ 2 chúng tôi có 5 tàu chuyên đánh bắt hải sản ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Chúng tôi vừa sản xuất vừa nâng cao ý thức tổ chức bảo vệ biển; thường xuyên báo cáo những hành vi tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển đảo của nước ta cho các cơ quan chức năng để giải quyết và tạo điều kiện cho chúng tôi bám biển dài ngày trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa của chúng ta”.
Đồn Biên phòng Đề Gi đã chủ động lồng ghép việc tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển, đảo vào các hội nghị, các buổi sinh hoạt của các tổ chức quần chúng. Thông qua đó, người dân các địa phương có biển, các cán bộ cơ sở và một số chức việc tôn giáo đã được phổ biến, tuyên truyền các nội dung như vị trí, vai trò, tiềm năng thế mạnh của biển, đảo Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; những kiến thức cơ bản, quan điểm của Đảng, Nhà nước, các văn bản pháp luật về biển, đảo, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982... Nhằm tăng cường thế trận toàn dân bảo vệ biên giới và chủ động trong công tác nắm tình hình trên biển và đã tập trung xây dựng các tổ “Bến bãi, tàu thuyền an toàn”, “Tổ đoàn kết trên biển”……
Theo ngư dân Bùi Mẹo, ở An Quang Tây, xã Cát Khánh- chủ tàu BĐ 93053-TS, người đã có trên 30 năm đi biển ở Cát Khánh, khi Nhà nước chưa có chủ trương thành lập “Tổ ngư dân đoàn kết”, ngư dân ở đây cũng thường xuyên kêu gọi từng nhóm tàu gắn kết với nhau để ra khơi đánh bắt. Tuy nhiên, việc tổ chức chưa chặt chẽ, nên lợi ích mang lại chưa cao. Từ khi các TĐKTB thành lập, ngư dân đã hỗ trợ nhau nhiều hơn. Lợi ích cá nhân của mỗi tàu đã gắn liền với lợi ích chung của cả tổ. Không chỉ giúp đỡ nhau trên biển mà khi về đất liền, TĐKTB còn giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Mỗi tổ đều xây dựng quỹ để khi gặp sự cố hay có người ốm đau xuất quỹ đến thăm hỏi, động viên kịp thời. Còn khi những người đàn ông lênh đênh trên biển, thì những người phụ nữ, vợ con của họ ở nhà cũng luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau.
Chính nhờ phát huy vai trò TĐKTB mà hoạt động sản xuất trên biển thời gian qua an toàn, đời sống của ngư dân tương đối ổn định. Rõ ràng từ chỗ chỉ hoạt động riêng lẻ, đơn độc trên biển; từ khi có TĐKTB ra đời đã phát huy tinh thần đoàn kết, hỗ trợ nhau mọi mặt, nó trở thành sức mạnh của ngư dân trên Biển Đông; ngư dân Phù Cát đã mạnh dạn đầu tư đóng tàu lớn, nhằm hỗ trợ đánh bắt, khai thác trên biển. Đồng thời, tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo, mỗi con tàu vươn ra khơi xa như là một cột mốc biên giới, để góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Bởi vì, biển không chỉ là “nhà”, là “cơm áo gạo tiền” mà là cuộc sống của ngư dân.
Không chỉ các ngư dân, mà ý thức của nhân dân ở các xã ven biển nói chung trong bảo vệ chủ quyền biển đảo và ANTT ở địa phương; cũng đã có chuyển biến rõ nét. Nhân dân cũng đã cung cấp hàng trăm nguồn tin có giá trị cho các cơ quan chức năng để xử lý kịp thời, bảo vệ và giữ vững bình yên khu vực biên giới biển, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, cải thiện đời sống nhân dân.
Ông Vũ Quốc Bảo, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phù Cát, cho biết: “Phòng NN&PTNT Phù Cát phối hợp với các ngành chức năng của huyện như: Ban CHQS huyện, Đồn Biên phòng Cát Khánh và chính quyền 5 xã ven biển tăng cường công tác tuyên truyền về biển đảo, phổ biến giáo dục pháp luật về biển cho ngư dân, đồng thời vận động thành lập và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ, đội đoàn kết; giúp ngư dân an tâm ra khơi và tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”.