Tập trung nâng cao chất lượng đàn vật nuôi
Chất lượng đàn bò của tỉnh ngày càng được nâng cao, tỷ lệ bò lai trên tổng đàn từ 47% năm 2006, năm 2014 đạt 76%, năm 2015 đạt 77,6%, năm 2016 tăng 0,8% đạt 78,4%. Nói chung các đơn vị huyện, thị xã, thành phố có tỷ lệ đàn bò lai đều tăng so với cùng kỳ từ 35% trở lên, tăng khá như: Vĩnh Thạnh 88,5%, Tây Sơn 87,3%, Phù Mỹ 84,7%, An Nhơn 83,5%, Phù Cát 82%, Hoài Nhơn 76,3%, Hoài Ân 75,6%; Tuy Phước 74,1 và An Lão 51,5%. Hiện tổng đàn trâu của tỉnh là 21.139 con; đàn bò thịt 301.713 con; bò sữa 2.285 con; đàn lợn 851.069 con; đàn gia cầm 6.974,2 nghìn con. Ngoài ra toàn tỉnh còn có 32 con ngựa, 23 con cừu, 39 con hươu, 65 con nai, 218 nghìn con chó, 1.941 con thỏ, 119 con trăn, 17.105 tổ ong…
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 13 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi với tổng công suất thiết kế gần 2,5 triệu tấn sản phẩm/năm, đã đáp ứng được nguồn thức ăn chăn nuôi công nghiệp cho hộ chăn nuôi, đặc biệt cho các trang trại, gia trại chăn nuôi tập trung.
Những năm gần đây chăn nuôi trang trại trong tỉnh có bước phát triển mạnh, nổi bật nhất là các huyện, thị xã: Hoài Ân, Tây Sơn và An Nhơn. Toàn tỉnh hiện có 114 trang trại, tăng 25,4% (+23 trang trại) so với cùng kỳ; trong đó, 99 trang trại lợn và 15 trang trại gia cầm với lượng chăn nuôi 46.611 con lợn và 303,4 nghìn con gia cầm. Bình quân 1 trang trại có 471 con lợn, 20,2 nghìn con gia cầm. Năm 2016, các trang trại trong tỉnh đã xuất chuồng 101.021 con lợn, với sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 8.739,3 tấn; 311,22 nghìn con gia cầm xuất chuồng với sản lượng 330,39 tấn và 32.639,51 nghìn quả trứng gia cầm.
Bên cạnh đó, chăn nuôi theo hình thức gia trại (kinh tế hộ) ngày càng phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Toàn tỉnh hiện có 6.505 gia trại (5.283 gia trại lợn và 1.222 gia trại gia cầm) với đầu con 288.893 con lợn, 2.426,8 nghìn con gia cầm (bình quân 1 gia trại 55 con lợn, 2 nghìn con gia cầm), chủ yếu tập trung ở các huyện: Hoài Ân (3.573 gia trại), An Nhơn (675 gia trại), Tuy Phước (576 gia trại), Phù Cát (511 gia trại), Hoài Nhơn (473 gia trại), Tây Sơn (303 gia trại), Phù Mỹ (179 gia trại), Quy Nhơn (107 gia trại). Trong năm số con xuất chuồng 491.107 con lợn, 3.621,7 nghìn con gia cầm với sản lượng tương ứng là 34.062,5 tấn lợn và 5.697,2 tấn gia cầm.
Phương thức chăn nuôi bò tại nông hộ cũng đang chuyển dần từ chăn nuôi quảng canh sang chăn nuôi bán thâm canh và thâm canh, chăn nuôi quy mô trang trại góp phần làm tổng đàn bò phát triển. Đây là kết quả nhiều năm thực hiện chương trình dự án như Dự án Cạnh tranh nông nghiệp, Sinh kế nông thôn bền vững, “Sind hóa” và “Zebu hóa” đàn bò lai, “nạc hóa” đàn lợn… tại địa phương đã phát huy tác dụng và hiệu quả, trong đó có chương trình nuôi bò vỗ béo trên địa bàn tỉnh đã mang lại những hiệu quả nhất định, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người dân, nên bà con nông dân phấn khởi hưởng ứng tham gia.
Chú trọng công tác bảo bảo vệ môi trường
Bên cạnh việc phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, bền vững thì công tác bảo vệ môi trường được chú trọng quan tâm. Việc quản lý và xử lý chất thải chăn nuôi tốt sẽ hạn chế được ô nhiêm môi trường và phòng trừ dịch bệnh cho vật nuôi. Sở Nông nghiệp và PTNT và các ngành liên quan đã hướng dẫn và khuyến khích các hộ chăn nuôi áp dụng các biện pháp xử lý chất thải như: Làm đệm lót sinh học, xây dựng hầm biogas, sử dụng chế phẩm sinh học... góp phần cải thiện môi trường. Công tác vệ sinh, phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm được thường xuyên giám sát chặt chẽ, nhờ vậy, nhiều năm qua trên địa bàn không để xảy ra dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nào, đảm bảo an toàn cho vật nuôi phát triển.
Ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện một số mô hình hỗ trợ con giống và kỹ thuật giúp người chăn nuôi một số địa phương tiến hành chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học (ATSH) để chuyển giao cho người dân. Theo đó, nhiều hộ chăn nuôi đã áp dụng công nghệ chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học; xử lý rác thải chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học AT-YTB; xây dựng hầm xử lý chất thải chăn nuôi Biogas… sẽ làm cho chất thải phân huỷ nhanh, khử mùi tốt và giảm quần thể côn trùng, giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh, các hình thức chăn nuôi này được gọi là “chăn nuôi xanh” hay chăn nuôi thân thiện với môi trường. Trong gần 2 năm (2014 – 2015), Bình Định đã xây dựng, lắp đặt được 4.455 công trình khí sinh học, vượt 855 công trình khí sinh học so với kế hoạch tổng thể; đảm bảo 100% số hộ chăn nuôi được tham gia tập huấn quản lý chất thải chăn nuôi và vận hành công trình khí sinh học; năm 2016, sẽ tổ chức 72 lớp tập huấn về vận hành Chương trình khí sinh học (CTKSH) và giải ngân cho 2.100 hộ chăn nuôi đã xây dựng hoàn chỉnh CTKSH và hỗ trợ kinh phí cho người chăn nuôi xây dựng mới 2.528 CTKSH, bình quân mỗi hộ được hỗ trợ 3 triệu đồng; dự kiến đến khi kết thúc dự án (năm 2018) sẽ xây dựng được 9.000 CTKSH.
Vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức
Mặc dù, năm 2016 phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại ở Bình Định đã có bước phát triển khá so với những năm trước đây, nhưng qua thực tế nhiều trang trại chăn nuôi tại địa phương cho thấy, hầu hết các chủ trang trại, gia trại còn có trình độ quản lý, kiến thức chăn nuôi hạn chế, chưa chủ động áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng, hạ giá thành, trong khi vật tư đầu vào như thức ăn, thuốc thú y, con giống giá còn cao và yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm khắt khe nên chi phí đầu tư cho sản xuất lớn . Bên cạnh đó, sự liên kết giữa các trang trại trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn yếu, tư tưởng “mạnh ai nấy làm” còn phổ biến dẫn tới sản phẩm làm ra nhỏ lẻ và bị tư thương ép giá.
Ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết thêm: Để khuyến khích người dân tham gia chăn nuôi theo hướng hàng hóa; phấn đấu đạt mục tiêu đặt ra theo đề án Tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh, thời gian gần đây tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ để khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng tăng dần quy mô, từng bước chuyển sang phương thức nuôi trang trại quy mô lớn, công nghiệp, bán công nghiệp. Thu hút đầu tư và hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng cơ sở chăn nuôi, giết mổ, chế biến thức ăn và sản phẩm chăn nuôi. Khuyến khích các trang trại chăn nuôi đầu tư máy móc, thiết bị để tự chế biến thức ăn hỗn hợp cho gia súc, gia cầm nhằm sử dụng các sản phẩm trồng trọt tại địa phương… góp phần hạ giá thành sản phẩm. Hướng dẫn các trang trại ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến về giống, chuồng trại, quy trình chăn nuôi VietGap. Xây dựng và chuyển giao các mô hình chăn nuôi phù hợp với từng vùng và đối tượng vật nuôi. Theo đó, nhiều giống vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao như các giống bò ngoại, lợn ngoại, gia cầm hướng trứng, hướng thịt được bình tuyển đưa vào chăn nuôi.
Với quan điểm tận dụng tối đa các tiềm năng, phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, huy động tối đa các nguồn lực, hy vọng trong thời gian tới ngành chăn nuôi của tỉnh tiếp tục phát triển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, từng bước đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về số lượng và chất lượng cho tiêu dùng trong nước và hướng đến xuất khẩu, tạo thế ổn định bền vững cho chăn nuôi tỉnh nhà, có tác động trực tiếp đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong Nông nghiệp, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống và vươn lên làm giàu của người chăn nuôi./.