Thông qua 50 tổ tiết kiệm,Hội đã đứng ra tín chấp với ngân hàng chính sách để giúp gần 2000 hội viên vay trên 56 tỷ đồng và giải ngân hơn 900 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân cho 54 hộ hội viên vay phát triển sản xuất. Hội phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên mở các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cây trồng, vật nuôi mới; xây dựng các mô hình trình diễn thông qua các hoạt động khuyến nông, khuyến ngư, nhằm nâng cao khả năng, trình độ sản xuất cho hội viên và đông đảo nông dân. Chỉ tính trong10 tháng qua, Hội Nông dân huyện đã tổ chức 9 đợt tư vấn hỗ trợ cho nông dân chuyển đổi giổng cây trồng, vật nuôi phù hợp thời tiết thổ nhưỡng ở địa phương giúp nông dân sản xuất có hiệu quả trong điều kiện khí hậu có nhiều diến biến phức tạp. Hội Nông dân huyện còn phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức chuyển giao KHKT cho trên 6000 lượt hội viên, nông dân; xây dựng 2 mô hình kinh tế tập thể trồng keo lai 23,6ha gồm 50 hộ tham gia tại làng Kate Canh Thuận; mô hình chuyển đổi cây trồng cạn 5ha có 39 hộ tham gia ở thông Bình Long, Canh Vinh; 01 mô hình trồng cỏ chăn nuôi ở An Long 2; 2 mô hình Ngô và 1 mô hình Mè trên chân đất lúa chuyển đổi thuộc Trạm bơm Gò Bồi, Thôn Bình Long xã Canh Vinh. Những việc làm trên đã cung cấp cho nông dân nhiều hiểu biết về chính sách chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi trên diện tích đất lúa chuyển đổi; Kỹ thuật trồng Ngô, Mè, Cỏ, hỗ trợ cho nông dân chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi phù hợp thời tiết, thổ nhưỡng ở địa phương, sản xuất có hiệu quả.
Với sự hỗ trợ, giúp đỡ tích cực của Hội, nhiều hội viên, nông dân đã ra sức tìm tòi, học hỏi, từng bước áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần đem lại hiệu quả kinh tế cao; nhiều mô hình phát triển kinh tế, với những giống cây trồng,vật nuôi mới đang được các hộ nông dân ứng dụng, thực hiện ngày càng nhiều. Ngoài ra, Hội Nông dân các cấp ở huyện Vân Canh còn tích cực vận động hội viên cùng nhau trao đổi kinh nghiệm sản xuất, thay đổi tập quán canh tác trên đất vườn như: Trồng rau, hoa màu, một số giống cây ăn quả; chăn nuôi heo, gà,vịt, bồ câu …là những cây trồng, vật nuôi có kỹ thuật chăm sóc không quá phức tạp, chu kỳ quay vòng ngắn, dễ tiêu thụ, giá cả ổn định. Song song đó, Hội vận động bà con đầu tư vốn phát triển vật nuôi có giá trị kinh tế cho thu nhập cao như bò, dê, hươu sao, nai …; nâng cao hiệu quả kinh tế gia trại, kinh tế VAC; Phát triển diện tích trồng cây keo lai; xây dựng mô hình vườn nhà, vườn đồi, vườn rừng… Hiện toàn huyện có 3106 vườn nhà, vườn đồi, vườn rừng và 1237 vườn có ô dinh dưỡng. Cũng theo đó mà phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững thu hút được 600 hộ nông dân đăng ký nông dân SXKDG; tiêu biểu có hộ ông Nguyễn Bá Đào ở thôn Bình Long, xã Canh Vinh được tỉnh trao giải khuyến khích “sáng tạo nhà nông” với mô hình nuôi Nai. Hội nông dân huyện cũng đã và đang lấy mô hình kinh tế tổng hợp của hộ ông Đào để tuyên truyền vận động hội viên nông dân học tập làm theo.
Cùng với việc thi đua phát triển kinh tế nhiều gia đình hội viên đã tích cực đi đầu trong việc xây dựng gia đình văn hóa, thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang và lễ hội, đời sống vật chất, tinh thần của hội viên không ngừng được cải thiện.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt đươc thì công tác xóa đói giảm nghèo của Huyện Vân Canh vẫn đang gặp không ít khó khăn; để giúp người nông dân giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, Hội Nông dân Huyện Vân Canh đang tích cực triển khai thực hiện kế hoạch Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội Nông dân giai đoạn 2016 – 2020, kế hoạch Nâng cao hiệu quả phong trào nông dân thi sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững huyện Vân Canh giai đoạn 2013 – 2020; tiếp tục là người bạn đồng hành của nhà nông, tiếp sức cho các hội viên có điều kiện vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.