Khát vọng
Theo ông Trần Ngọc Lê, Trưởng thôn Chương Hòa cho biết: “Cánh đồng Quán có diện tích gần 4ha, trước đây chính quyền địa phương khoán cho bà con trong thôn sản xuất, nhưng vùng này là nơi hứng chịu đầu tiên nguồn nước mặn xâm nhập từ cửa biển Tam Quan vào mùa khô nên nhiễm mặn và phèn rất nặng, dù đã tìm nhiều phương cách để cải tạo nhưng vẫn không sao rửa hết được phèn, mặc dù bà con đã có nhiều cố gắng duy trì sản xuất nhưng liên tục bị mất mùa, cuối cùng phải đành bỏ hoang”.
|
Ông Phó bên ruộng cói của mình.
|
Cũng theo ông Lê, không đành để đất hoang, một thời gian sau, xã tiếp tục có chủ trương cho thuê dài hạn cánh đồng kèm theo một số chính sách ưu đãi để động viên khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư cải tạo sản xuất cây con phù hợp. Theo đó lần lượt có 2 tổ chức đến đăng ký thuê hết diện tích để trồng cói kết hợp với các loại cây trồng khác đó là Hợp tác xã sản xuất chiếu cói Châu Giang và cơ sở dệt chiếu bằng máy Minh Châu, nhưng rồi tất cả đều không thể thực hiện được bởi có trên ¾ diện tích trũng thấp, nước phèn sình lầy ứ đọng quanh năm vì không có lối thoát.
Là vùng đất rất “khắc nghiệt” hoang hóa lâu năm chỉ có rau muống biển, cây lùng, cây lách trâu mới sống nổi nhưng với ý chí của một người thương binh giàu nghị lực “Khó không phải là không làm được”, ông Phó giải bày: “Sống ở làng nghề truyền thống dệt chiếu cói có niên đại gần 200 năm, nhất là những năm gần đây, nghề dệt chiếu ở Hoài Châu Bắc không ngừng phát triển nhưng vùng nguyên liệu thì có hạn mà còn bị thu hẹp dần bởi những công trình dân sinh. Ở làng nghề này có những thời điểm bị mất mùa cói hoặc “đắt hàng” bà con phải chạy đôn chạy đáo các nơi tìm mua nguyên liệu về dệt để giữ mối hàng nên lời lãi chẳng là bao. Trong khi đó địa phương vẫn còn một số diện tích có thể cải tạo đầu tư thâm canh trồng cói thì lại bỏ hoang. Thấy quá uổng phí tôi nung nấu ý định từ lâu nhưng khi đưa ra bàn bạc với vợ thì bà ấy thẳng thắn từ chối. Rồi năm lần bảy lượt tôi kiên trì thuyết phục, cuối cùng bà ấy cũng chiều theo ý tôi nhưng vẫn thấp thởm lo âu”. Đến tháng 4/2013, được vợ đồng thuận lo việc “hậu cần” ông Phó quyết định thuê lại cánh đồng để thực hiện dự định của mình sau nhiều năm trăn trở.
Sau khi hoàn tất việc hợp đồng, ông Phó thuê máy múc tiến hành cải tạo nhưng liền bị một số bà con đang canh tác trên các thửa ruộng liền kề phản ứng và ngăn cản không cho xe vận hành thi công. Không những thế họ còn kiến nghị lên UBND xã yêu cầu giải quyết. Trong đơn họ cho rằng việc ông Phó sử dụng máy múc đào mương sâu bao quanh vùng ruộng trũng sẽ rút hết nước ở các thửa ruộng chân cao, ảnh hưởng đến việc canh tác và năng suất lúa. Để giải quyết những nghi ngờ và bức xúc của bà con, chính quyền địa phương đã tổ chức một cuộc đối thoại công khai giữa hai bên để tìm ra giải pháp tối ưu nhất tránh tình trạng gây mất đoàn kết trong nội bộ quần chúng nhân dân.
Tại cuộc đối thoại, ông phân tích cho bà con thấy được những lợi thế của các thửa ruộng trên cao khi có một hệ thống mương bao quanh sẽ giải quyết được tình trạng ngập úng vào mùa mưa, có sẵn nguồn nước ngầm từ mương phục vụ sản xuất, có hệ thống mương thoát phèn và phai ngăn mặn xâm nhập vào mùa khô góp phần thau chua, rửa mặn hồi phục những chân đất liền kề đã bị nhiễm phèn nặng hàng chục năm qua…. Khi ông trình bày xong, 9 hộ dân cùng có chung kiến nghị không ai có ý kiến “chất vấn” trái chiều nào, lần lượt nắm chặt tay ông như thể hiện sự hiểu nhầm đáng tiếc trước khi ra về.
Thành công nhờ dám nghĩ dám làm
Việc thuê máy múc đào trên 200 m mương xung quanh diện tích 3ha đất thuê là vô cùng khó khăn, cả người và phương tiện cật lực suốt cả tháng trời nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Do trên khu vực toàn là sình lầy không có điểm trụ cho xe nên tiến độ thi công rất chậm, đó là chưa kể đến những sự cố xe bị sụt lún và hỏng máy. Gian nan hơn là dùng chính đất đó phủ lên bề mặt phèn nguyên trạng cũng không phải việc dễ dàng. Bởi chất đất đã bị phèn hóa lâu năm nên rất cứng, có những tảng nặng từ chục đến hàng chục ký trở lên. Sức người không thể phá vỡ làm tơi ra được nên ông Phó thuê hẳn một chiếc máy cày lắp lồng sắt phăm nát nhiều lần cho đất tơi ra rồi mua 150 khối đất nông hóa và cát trộn lẫn với 10 tấn vôi bột, huy động gần 500 ngày công dùng xe rùa vận chuyển thủ công san lấp nâng lại mặt bằng trên 10.000m2, kiên cố một kênh mương dài 50m bằng bê tông xi măng để dẫn toàn bộ nước phèn lưu cữu trước đây ra đập ngăn mặn ông Khéo thoát ra biển. Sau khi hoàn thiện việc nâng cấp cải tạo, kiểm định lại độ phèn mặn trong nước khi đã yên tâm ông đầu tư 80 triệu đồng mua hoàn toàn giống cao sản để trồng hoàn chỉnh 20 sào cói bông đỏ. Đến nay, sau 3 năm cải tạo trồng và chăm sóc, cánh đồng hoang dại trước đây nay đã thành đồng cói mướt xanh. “Giờ nghĩ lại mà thấy sợ, nhiều lúc tưởng mình không thể nào vượt qua nổi- ông Phó tâm sự.
Nói về sự “liều lĩnh” của ông Phó, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hoài Châu Bắc, lắc đầu thán phục: “Khi nghe anh bốn Phó thuê lại đồng Quán để trồng cói, ban đầu tôi không tin nhưng đó là sự thật. Nhiều người cho rằng ông ấy điên rồi sao mà cả gan ném hàng trăm triệu đồng vào vùng đất chết ấy không khéo sẽ chuốc nợ vào thân. Bản thân tôi cũng có phần lo lắng bởi chỗ nào thì không nói nhưng nơi ấy nếu một người lạc quan nhất cũng khó có thể tin vào một ngày khởi sắc của nó, nhưng là đồng đội tôi hiểu bốn Phó là người giàu ý chí và luôn bộc lộ một nghị lực phi thường khi quyết một vấn đề nào đó thì làm cho bằng được, nên tôi tin anh ấy thành công và rõ ràng là như vậy”.
Trái ngọt
“Để có đồng cói màu mỡ như ngày hôm nay, ban đầu không mấy người tin, thế nhưng đến nay cả một vùng đất hoang hóa đã được đánh thức. 3 năm vừa rồi, dù mới trồng thử nghiệm, gốc cói chưa bung, sản lượng chưa cao nhưng mỗi năm tôi đã thu gần 60 triệu đồng, nếu trời tiết thuận lợi, nắng hạn không kéo dài thì chắc chắn nguồn thu sẽ gấp đôi. Nhà nông thấy bỏ ra vài trăm triệu thì lớn nhưng nếu tất cả chừng ấy sào cói phát triển dày, đều, ổn định thì thu lại cũng chẳng bao lâu”, ông Phó lý giải.
Ông Huỳnh Văn Mua (1951) người dân thôn Chương Hòa, một trong số 9 hộ dân trước đây kịch liệt phản ứng việc đào mương sâu cải tạo đồng Quán của ông Phó nay thì rất tâm đắc: “Thiệt tình năm, sáu vụ sản xuất lúa vừa qua cũng nhờ nguồn nước mạch ở mương ruộng cói của ông Phó đã tạo điều kiện thuận lợi cho bà con chúng tôi bơm tưới thoải mái không những cho đồng ruộng mà còn cho cả rau màu góp phần nâng cao năng suất lúa từ 150 kg lên 280 ký/khô/sào. Đặc biệt vào mùa khô, do chủ động được nguồn nước, các vùng đất liền kề trên cao bà con vẫn trồng được đậu, bắp cho hiệu quả kinh tế khá cao, còn trước đó thì hoàn toàn bỏ không, nếu sản xuất được chỉ chờ vào nước trời”.
Theo ông Phó, trồng cói đầu tư kinh phí và công thấp hơn 50% so với trồng lúa. Đặc biệt, trồng 1 sào cói mình cứ thong dong thu hoạch liên tục từ 3 đến 4 năm, nếu sử dụng phân bón đầy đủ phù hợp với chân đất phòng trừ sâu bệnh tốt thì 1 sào cói có thể cho thu nhập từ 2,5 - 3 triệu đồng, gấp 4 - 5 lần so với 1 sào lúa. Không chỉ chú trọng riêng cây cói, ông Phó đầu tư hơn 50 triệu đồng nạo vét 10.000 m2 mặt nước xung quanh diện tích cói để thả cá, mỗi năm thu nhập cả chục triệu đồng. Ngoài ra, ông tận dụng chân đất hai bên bờ mương trồng thêm mì, chuối vừa tăng thu nhập vừa hạn chế nạn chuột cắn phá cói non đầu vụ.
Ông Nguyễn Đức Đạm - Phó chủ tịch UBND xã Hoài Châu Bắc, chia sẻ: “Chỉ nghị lực thôi chưa đủ mà phải có máu làm ăn, quyết đoán ông Phó mới dám bỏ cả nửa tỉ đồng để biến cánh đồng tưởng như vĩnh viễn bỏ hoang thành cánh đồng cói trị giá bạc tỷ. Thành công ban đầu của ông Phó không chỉ mang lại giá trị kinh tế cho gia đình mà còn giúp cho bà con trong làng nghề dệt chiếu truyền thống địa phương chủ động được một phần lớn nguồn nguyên liệu tại chỗ, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh”.
Đi qua hết những khó khăn trong thời gian đầu, giờ thì vợ chồng ông Phó bà Lãnh đã có thể yên tâm với thành quả từ ý chí, nghị lực và đôi bàn tay của mình tạo nên. “Vạn sự khởi đầu nan” muốn thành công thì phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt, đó cũng chính là chìa khóa thành công mà ông muốn nhắn gửi đến mọi người.