|
Nhiều gia đình khắc phục đìa tôm cho vụ thả nuôi mới. |
Nuôi trồng thủy hải sản là kinh tế chủ lực của Mỹ Chánh. Năm 2016, toàn xã có 320 ha ao, đìa nuôi trồng thủy hải sản, nằm chủ yếu dọc theo sông La Tinh và sông Cạn, tập trung hầu hết ở 6 thôn: Công Trung, Trung Xuân, An Hoan, An Xuyên 1, 2,3. Đợt lũ lớn lịch sử vừa qua đã làm 310/320 ha ao, đìa nuôi tôm, cá của người dân địa phương sạt lở, hư hỏng nghiêm trọng; hơn 73 ngàn tấn tôm, cá; hàng trăm vạn con giống bị trôi mất; tổng thiệt hại ước tính hơn 12 tỷ đồng.
Ngay sau khi lũ rút, đối diện với rất nhiều khó khăn, nhưng ngư dân xã Mỹ Chánh vẫn đang gượng dậy, tập trung khắc phục, sửa chửa, gia cố ao, đìa để chuẩn bị bắt đầu cho một vụ mùa mới.
Đến thôn An Xuyên 3 - nơi hầu hết nhân dân sống bằng nghề nuôi, trồng thủy sản của Mỹ Chánh – cũng là nơi chịu thiệt hại nặng nhất của đợt lũ vừa qua. 100% ao, đìa nuôi tôm cá của người dân bị lũ gây sạt lỡ, san bằng, cuốn trôi. Dưới cái nắng oi bức, ông Hồ Đức Thanh cùng 7 nhân công vẫn đang hì hục xúc, kéo, đẩy các cộ đất bị sa bồi trong lòng ao đến đắp ở bờ ao. Quẹt giọt mồ hôi rơi vội, ông Thanh cho biết: Nhà có 5 ao, đìa nuôi tôm, cá với diện tích hơn 4.800m2 đều bị lũ quét gây sạt lỡ nghiêm trọng, tổng thiệt hại gần nửa tỷ đồng. Ông Thanh cho hay “Mất cũng đã mất rồi, giờ khoanh tay ngồi nhìn đâu có được. Nên tui huy động, vay mượn của anh em, bà con, người một ít đầu tư mấy trăm triệu đồng để sửa chữa, gia cố lại ao nuôi. Sửa xong cái nào thả nuôi lại cái đó liền”.
Cách đó chừng 500 m, gia đình ông Trần Kỳ cùng 2 nhân công cũng đang tất bậc dồn đất vào bao, gia cố lại bờ ao bị sạt lở. Vợ ông Kỳ cho hay, “nắng ráo, tranh thủ thuê thêm người gia cố lại các bờ bị lở, thả nuôi mùa mới, chứ để đây, mưa gió sạt lở nữa, khôi phục khó hơn. Mà bỏ ao thì biết làm nghề gì để sống”. Bà cho biết thêm, đợt lũ qua, 2 ao nuôi tôm cá nhà bà đều bị mất trắng và hư hại nghiêm trọng. Đưa tay chỉ vào vị trí đang đứng bà nói: “ao này dù bị hư nhưng còn gia cố được, chứ ao kia (ao còn lại cách đó chừng 300 m) gần như bị sang bằng thì sức người sợ không làm nổi. Đợi ít bữa đường sá sửa chữa xong có máy móc xuống được thì mới bắt tay sửa chữa lại”.
Còn gia đình ông Phan Văn Tiên (thôn An Xuyên 3), ngôi nhà bị sập, còn ngổn ngang sau lũ dữ. Phải ở nhờ nhà bà con ở xóm trên, hàng ngày, hai ông bà vẫn tranh thủ về sửa chữa lại ao nuôi bị sạt lở, rách bạt. Ông Tiên cho hay “nhà rồi cũng sẽ làm, nhưng giờ lo sửa lại hồ để chuẩn bị nuôi vụ mới, chứ không sửa, không làm lại, sắp tới sống bằng gì. Cả nhà mấy miệng ăn chỉ sống bằng mỗi đồng lời từ cái ao này…”
Ông Lê Minh Sơn – trưởng thôn An Xuyên 3 chia sẻ “Gần 100% ao, đìa nuôi tôm của người dân trong thôn đều bị lũ lụt làm tổn thất lớn. Hiện khoảng 50% ao hồ đã và đang được bà con khẩn trương khôi phục, gia cố lại, chuẩn bị cho vụ mùa mới. Diện tích còn lại, do sa bồi, thủy phá nặng, công tác khắc phục khá khó khăn. Nhân dân địa phương tha thiết đề nghị, trong thời gian sớm nhất, huyện, xã quan tâm gia cố sửa chữa lại các đoạn đường, đê bao bị sạt lở để trước là nhân dân đi lại an toàn, sau là xe cơ giới, máy móc xuống để cùng với nhân dân cải tạo, nạo vét, đấp lại ao đìa, chuẩn bị triển khai cho mùa vụ mới”.
Cùng chung mong muốn, ông Lê Văn Toản – Phó chủ tịch UBND xã Mỹ Chánh đề nghị: Khó khăn lớn nhất bây giờ là vốn, đề nghị huyện và các ngành chức năng hỗ trợ, giúp người dân được vay vốn ưu đãi để đầu tư nuôi trồng. Riêng đối với những hộ còn nợ đọng do thiệt hại do lũ vừa qua, mong được khoanh nợ và tạo điều kiện cho họ được vay vốn nhằm có điều kiện để tiếp tục đầu tư cải tạo ao đìa, gượng dậy sau lũ, phát triển nuôi trồng.