Kỷ niệm 228 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2017): Quang Trung đại phá quân Thanh
|
Lễ hội Đống Đa được tổ chức vào ngày mùng 5 tháng Giêng hàng năm tại huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định để tưởng nhớ Hoàng đế Quang Trung. |
Cuối năm Mậu Thân (1788), nhân dân Thăng Long và nhiều vùng ở Bắc Hà trải qua những ngày tháng cực kỳ đau thương, tủi nhục, căm hờn và phẫn nộ.
Năm 1788, với tư tưởng ghen ghét hiền tài, mưu cầu lợi ích cá nhân, vua bù nhìn Lê Chiêu Thống đã nhu nhược cho người sang cầu cứu nhà Thanh (Trung Quốc) với mưu đồ tiêu diệt quân Tây Sơn. Lợi dụng cơ hội này, Tôn Sỹ Nghị dẫn 29 vạn quân Thanh ồ ạt tràn qua biên giới nước ta, tiến công vào thành Thăng Long. Được tin quân Thanh sang xâm lược, ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân (22/12/1788), tại Phú Xuân (Huế), Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế lấy niên hiệu là Quang Trung, rồi lập tức xuất quân ra Bắc đuổi giặc. Quân Tây Sơn thần tốc hành quân, đến ngày 20 tháng Chạp (15/1/1789), đại quân ta tập kết tại phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn. Tại đây, Quang Trung quyết định mở cuộc phản công chiến lược và đề ra kế hoạch tác chiến cụ thể nhằm nhanh chóng tiêu diệt quân xâm lược, giải phóng kinh thành Thăng Long. Thực hiện mục tiêu này, Quang Trung chia toàn quân ra làm năm đạo quân, tạo thành một thế trận hoàn chỉnh, gồm nhiều tầng, nhiều lớp, có trọng điểm, kết hợp chặt chẽ giữa tiến công, thọc sâu, bao vây vu hồi, có hướng chủ yếu, hướng thứ yếu, có lực lượng dự bị mạnh.
Ngày 30 tháng Chạp (25/1/1789) - ngày cuối cùng của năm Mậu Thân, Quang Trung mở tiệc khao quân coi như ăn Tết Nguyên đán trước một ngày. Trong buổi lễ bừng bừng khí thế chống xâm lăng, Quang Trung kêu gọi quân sĩ: “Nhà Thanh từ vua Càn Long lên ngôi đến nay luôn luôn mưu toan khuếch trương bờ cõi, đã chiếm phía Tây, lại toan lấn phía Nam. Sự mất còn của nước ta là quyết định ở trận này”. Vị thống soái 36 tuổi lừng danh tuyên bố trước ba quân ý chí sắt đá, quyết tâm gang thép của cả dân tộc ta là phải đạp bằng mọi khó khăn, gian khổ, không tiếc hy sinh, quét sạch giặc ngoại xâm. Sau khi trao nhiệm vụ cho các đạo quân, Quang Trung tuyên bố với các tướng soái: “Nay hãy làm lễ ăn Tết Nguyên đán trước, đợi đến sang xuân ngày mồng 7 vào thành Thăng Long sẽ mở tiệc lớn. Các ngươi hãy ghi nhớ lấy lời ta nói xem có đúng thế không?”. Sau đó, vua Quang Trung hạ lệnh tiến quân với nhiều hướng, nhiều mũi bao vây, chia cắt, chặn đường rút lui của giặc.
Đêm 30 Tết Nguyên đán Kỷ Dậu - đạo quân chủ lực của Quang Trung vượt sông Gián, mở màn chiến dịch đại phá quân Thanh. Quân Tây Sơn bất ngờ tiến công tiêu diệt đồn tiền tiêu của địch ở Gián Khẩu. Quân địch hoảng sợ, tan vỡ và bỏ chạy ngay từ đầu. Quân Tây Sơn thừa thắng tiến lên, nhanh chóng tiêu diệt luôn các đồn địch ở bờ bắc sông Nguyệt Quyết và Nhật Tảo. Quang Trung ra lệnh truy kích ráo riết, quân Tây Sơn đuổi đến Phú Xuyên thì bắt gọn được toàn bộ tàn quân và bọn lính do thám của địch. Đêm mồng 3 Tết Kỷ Dậu (28/1/1789), quân Tây Sơn bí mật bao vây đồn Hà Hồi. Đây là một đồn quan trọng của quân Thanh cách Thăng Long khoảng 20km. Chỉ trong chốc lát, quân Tây Sơn đã diệt gọn đồn quan trọng của địch, thu được rất nhiều vũ khí, lương thực.
Sáng mồng 5 Tết Kỷ Dậu (30/1/1789), quân Tây Sơn tiến công mãnh liệt vào mặt nam đồn Ngọc Hồi. Mở đầu cuộc tiến công, Quang Trung tung tượng binh gồm hơn 100 voi chiến ra trận. Đây là một binh chủng xung phong, đột phá rất lợi hại. Ngoài cung, nỏ, giáo, lao, quân Tây Sơn còn được trang bị thêm nhiều thứ hỏa khí như súng tay, hỏa hổ và đặc biệt đặt cả đại bác trên mình voi. Theo lệnh của Quang Trung, đội voi chiến chia ra làm hai cánh đánh vòng về hai phía tả và hữu để mở đường cho đội xung kích lao lên. Quân chủ lực Tây Sơn dưới sự đốc chiến trực tiếp của Quang Trung lập tức xung phong vào đồn lũy của địch. Bộ binh, kỵ binh và tượng binh ào ạt xông vào các cửa lũy đã mở. Thế xung trận của quân Tây Sơn mạnh như triều dâng bão cuốn. Trước sức tấn công vũ bão của quân Tây Sơn, các chiến lũy và toàn bộ trận địa phòng thủ mặt nam đồn Ngọc Hồi bị phá hủy tan tành. Quân ta tràn vào bên trong đồn lũy như những dòng thác đổ, nhiều doanh trại của địch bị đốt cháy, đồn Ngọc Hồi chìm ngập trong khói lửa. Quân địch không chống cự nổi, bỏ chạy tán loạn. Chỉ trong sáng mồng 5 tháng Giêng, quân Tây Sơn đã phá tan đồn lũy Ngọc Hồi, tiêu diệt toàn bộ quân địch khoảng 3 vạn tên ở Ngọc Hồi - một cứ điểm then chốt nhất của địch, đập nát hệ thống phòng thủ của chúng ở phía nam Thăng Long, mở toang cửa ngõ tiến vào giải phóng kinh thành Thăng Long.
Cũng trong sáng mồng 5 Tết Kỷ Dậu, một đạo quân Tây Sơn vượt qua sông Tô Lịch, tiến đánh đồn Khương Thượng. Đạo quân gồm kỵ binh và tượng binh, tuy không nhiều nhưng có sức cơ động nhanh và đột phá mạnh. Bằng khí thế áp đảo quân thù, quân ta xông thẳng vào đồn trại của địch. Sầm Nghi Đống cố đốc thúc quân lính chống cự nhưng không thể chống đỡ nổi sức tiến công mãnh liệt của quân Tây Sơn. Chỉ trong chốc lát, số quân Thanh bị chết và bị thương đã lên đến 5.000 người. Sầm Nghi Đống phải bỏ các doanh trại bên ngoài, rút về bảo vệ sở chỉ huy trên Loa Sơn để chờ quân cứu viện. Cũng lúc đó, xung quanh đồn trại của địch xuất hiện một hàng rào lửa dày đặc của nhân dân địa phương góp sức cùng với đội quân Tây Sơn diệt giặc. Quân địch đang choáng váng vì đòn tiến công bất ngờ của quân Tây Sơn, lại khiếp đảm trước lưới lửa bao vây trùng điệp của nhân dân. Đồn trại của địch tan vỡ nhanh chóng. Sầm Nghi Đống lâm vào cảnh thế cùng lực kiệt nên thắt cổ chết ngay tại sở chỉ huy. Quân Tây Sơn thừa thắng nhanh chóng tràn vào cửa ô tây nam thành Thăng Long, lao thẳng về đại bản doanh của Tôn Sỹ Nghị ở cung Tây Long.
Với khí thế tấn công thần tốc, táo bạo và bất ngờ như vũ bão của quân Tây Sơn, Tôn Sỹ Nghị phải vứt bỏ tất cả mọi thứ, kể cả sắc thư, kỳ bài, quân ấn chủ soái do vua Thanh ban để chạy thoát thân về nước. Cuộc kháng chiến chống quân Thanh xâm lược kết thúc với chiến thắng có ý nghĩa quyết định của trận Ngọc Hồi - Đống Đa (Khương Thượng).
Trưa mồng 5 Tết Nguyên đán Kỷ Dậu (1789), trong tiếng khải hoàn, vua Quang Trung mang đại quân vào thành Thăng Long với chiếc áo chiến bào đen sạm khói súng của những ngày đêm chiến đấu ác liệt. Nhân dân kinh thành tràn ngập trong niềm vui chiến thắng, đổ ra chật phố phường đón chào người anh hùng vừa lập nên chiến công thần kỳ. Quân Tây Sơn hân hoan ăn Tết khai hạ tại thành Thăng Long, đúng như lời Quang Trung đã hứa với quân sỹ trước đó tại Tam Điệp.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống quân Thanh xâm lược thật oai hùng. Toàn bộ quân xâm lược Mãn Thanh cùng với vài vạn quân của bù nhìn Lê Chiêu Thống đã bị đánh tan tành, bị tiêu diệt đại bộ phận và bị quét sạch ra khỏi bờ cõi. Hàng loạt tướng soái cao cấp của địch bỏ mạng. Chỉ trong 5 ngày đêm đầu Xuân Kỷ Dậu - 1789, kể từ đêm giao thừa đến ngày mồng 5 Tết Nguyên đán, quân Tây Sơn đã tốc chiến tốc thắng, giành thắng lợi rất nhanh, gọn, triệt để. Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã tiến hành nhiều cuộc kháng chiến, đã từng đánh bại nhiều kẻ thù xâm lược, nhưng cho đến cuối thế kỷ thứ XVIII, chưa có lần nào phải đương đầu với hàng chục vạn quân xâm lược mà đánh thắng oanh liệt trong thời gian ngắn như thế. Điều đó càng có ý nghĩa lớn lao khi cuộc kháng chiến chống quân Thanh xâm lược diễn ra trong hoàn cảnh lịch sử chế độ phong kiến suy tàn, kẻ thù có lực lượng nội ứng bên trong và quân xâm lược đã chiếm được kinh thành cùng nhiều vùng rộng lớn của đồng bằng Bắc Bộ. Mùa Xuân chiến công năm Kỷ Dậu - 1789 đã đi vào lịch sử dân tộc và lòng người Việt Nam như một trong những mùa Xuân kỳ diệu nhất, tiêu biểu sức sống phi thường, ý chí kiên cường và nghị lực của dân tộc Việt Nam.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống quân Thanh xâm lược mà tiêu biểu và quyết định là chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa là một trong những chiến công hiển hách nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Tự hào về bản lĩnh và tinh thần tiến công của dân tộc ta trong giờ phút hiểm nghèo của lịch sử. Tự hào về nghệ thuật quân sự Việt Nam giàu tính độc đáo, sáng tạo. Tự hào về người anh hùng áo vải cờ đào bách chiến bách thắng, nhà quân sự thiên tài Quang Trung - Nguyễn Huệ.