|
Cổng chính vào chùa ông Núi. |
Nhìn bao quát, Chùa ông Núi không rộng lớn lắm, nhưng phong cảnh quanh chùa phải nói rằng cực kỳ tuyệt mỹ. Chùa nằm trong rừng cây cổ thụ tĩnh mịch âm u. Nhiều cây sống lâu đời, hình thù phong phú đa dạng, cũng có cây vút bóng mây, lại nhiều cay nằm ngửa nghiêng trong sắc cỏ quanh chùa, hay đứng sừng sững giữa trời. Đá chồng chất thành những hòn giả sơn, có nơi lại dựng đứng như vách tường, hoặc có nơi lại nằm rải rác như một bầy voi nằm giấu vòi, trông thật đẹp mắt.
Chùa được xây dựng trên núi, nhưng sau lưng vẫn có núi cao, nước khe chảy xuống đến chùa thì chia ra làm 2 nhánh lớn chảy bọc quanh thềm. Hai nhánh lớn lại chia ra thành nhiều nhánh nhỏ, chảy vào sân sau, chảy vào khu vực gần bếp ăn, quanh co róc rách rồi cuối cùng nhập lại nơi sân trước, để chảy xuống Hồ Sen suốt ngày đêm, từ mùa này sang mùa khác, quanh năm cứ chảy theo hệ tuần hoàn ấy, không bao giờ ngớt.
Còn sườn núi phía bắc, có một hang đá rộng lớn ăn sâu vào lòng núi. Các cụ cao niên ở đây cho biết: “ Tương truyền rằng, đó là nơi Ông Núi trù trì ngày trước. Trong hang có bàn đá ghế đá và nhiều dụng cụ bằng đá khác, lại có hai con cọp mun ( đen) hiền lành của nhà sư để lại. Thỉnh thoảng ra khỏi hang đi tìm trái cây ăn đỡ lòng”. Hang bỏ vắng đã lâu đời, đường vào hang đầy gai góc, cửa hang mây phong. Du khách dến đây dù có ý tò mò cũng không dám và không thể vào xem được.
Đứng trên chùa ông Núi, nhìn xuống hướng tây nam là đồng lúa bát ngát xa tít tận chân trời. Nhìn về hướng đông thì biển xanh mênh mông. Phía đông nam thì Đầm Thị Nại gợi sóng long lanh, rừng dương liễu chạy từ Cách Thử đến Gò Bồi quãng thưa- quãng dày, chập chờn trên bãi cát nửa vàng- nửa trắng. Xa xa là Thành phố biển Quy Nhơn thấp thoáng trong sương sóng nửa tỏ- nửa mờ, khi ẩn- khi hiện và gió biển thổi từ rừng dương liễu dưới bãi, thổi vào rừng cổ thụ trên non. Tiếng Tàu đánh cá ào ào hoà lẫn tiếng sóng vỗ gành xa bãi vắng, tạo ra phong cảnh thật hữu tình.
Vào những ngày Lễ hội diễn ra trong 2 ngày 24 và 25 tháng Giêng (âm lịch) hàng năm; du khách bốn phương tấp nập về thăm chùa Ông Núi- một danh lam thắng cảnh thiên nhiên tuyệt mỹ. Bởi ở đây, có một làn gió biển từ Cách Thử thổi lên hòa quyện cùng dòng nước mát quanh chùa, tạo nên niềm phấn chấn cho du khách. Làm du khách quên đi cái mệt nhọc phải leo hơn 250 bậc thang từ dưới đất lên tới cổng chùa ( nếu đi bộ theo đường cũ); còn đường mới thì ô tô lên đến cổng Chùa.
Thật vậy, Chùa Ông Núi là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng vào bậc nhất nhì của Tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Một ngôi chùa tuyệt đẹp, nằm giữa thiên nhiên non nước hùng vĩ và hữu tình. Chùa Ông Núi tọa lạc ngay lưng chừng đỉnh Chóp Vung, đỉnh cao nhất của dãy núi Bà; có lịch sử hơn 320 năm, trải qua 12 đời thừa kế với nhiều giai thoại, cảnh quan thiên nhiên đẹp, đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia. Chùa Ông Núi đã được UBND Tỉnh Bình đình và Giáo Hội Phật giáo Tỉnh, đã quyết định tái khởi động triển khai xây dựng dự án Quần thể du lịch lịch sử, sinh thái và tâm linh Linh Phong (Chùa Ông Núi), vào ngày 01/8/2013.
Đây là một dự án xã hội hoá 100% và hoàn toàn phi lợi nhuận do Ngân hàng BIDV đứng ra kêu gọi một số doanh nghiệp tư nhân, doanh nhân tiêu biểu trong và ngoài nước, có tiềm lực tài chính tốt, có tâm nguyện, cùng chí hướng, có qúa trình làm công tác xã hội lâu dài tham gia đóng góp công của cho dự án trùng tu sửa chữa trong vòng 5 năm. Với tổng giá trị đầu tư 500 tỉ đồng, qui mô của dự án bao gồm đầu tư xây dựng các khu chức năng chính như: khu tượng Phật; khu công viên trên núi; khu công viên Thạch Lâm; khu nghỉ dưỡng kết nối, phát huy giá trị khu di tích chùa Linh Phong hiện hữu. Theo kế hoạch xây dựng hoàn chỉnh xong khu vực nào sẽ đưa vào sử dụng khu vực đó.
Với tầm vóc và quy mô như thế, cộng với lối kiến trúc, tạo hình Phật giáo trang nghiêm, hiền hoà, tĩnh tại mang đậm tinh thần và hồn dân tộc Việt, Quần thể du lịch lịch sử, sinh thái và tâm linh Chùa Ông Núi sẽ thể hiện được tâm nguyện, sức mạnh và trí tuệ của thế kỷ 21, đồng thời sẽ bồi đắp thêm bản sắc và bản lĩnh văn hoá của dân tộc Việt Nam trong thời đại mới.
Tin rằng Quần thể du lịch lịch sử, sinh thái và tâm linh Chùa Ông Núi sau khi hoàn thành sẽ là một “điểm nhấn” hấp dẫn hơn, lộng lẫy hơn về du lịch biển, văn hóa, lịch sử và tâm linh, thu hút nhiều du khách gần xa đến tham quan, học tập nghiên cứu, góp phần phát triển kinh tế du lịch của huyện Phù Cát nói riêng và của tỉnh Bình Định nói chung.
Quý khách có thể đi bằng xe Buýt từ Thành Phố biển Quy Nhơn và đi Tắc xi từ Sân bay Phù Cát đến chiêm ngưỡng cảnh đẹp tuyệt vời này. Chùa Ông Núi sẽ là một khu du lịch lịch sử, sinh thái và tâm linh và khu du lịch dã ngoại Trung Lương gắn với khu du lịch Phương Mai- Núi Bà- FLC Quy Nhơn, đầy thú vị của du khách.