|
Nhiều diện tích ở Phù Cát đầu tư trồng ớt mạng lại hiệu quả cao. |
Ông Nguyễn Văn Cảnh – chủ tịch UBND xã Cát Lâm cho biết: “Là địa phương có xuất phát điểm để xây dựng nông thôn mới còn thấp nên xã xác định phải huy động nhiều nguồn lực cùng tham gia, trong đó tập trung phát huy vai trò chủ thể của người dân; lấy phát triển kinh tế làm trọng tâm, tạo tiền đề để xây dựng các tiêu chí nông thôn mới. Đồng thời, xã cũng xây dựng lộ trình cụ thể để xây dựng hoàn thành từng tiêu chí phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.”
Trong nông nghiệp, xã tập trung vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ và đưa vào sử dụng các giống mới có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện đất đai ở địa phương để nâng cao năng suất cây trồng, với tổng diện tích chuyển đổi hàng năm khoảng 100ha; từ đó nâng cao giá trị canh tác đạt từ 80 triệu đồng/ha/năm trở lên. Đặc biệt, phát huy lợi thế về đất đai, trong những năm gần đây, xã Cát Lâm đã vận động nhân dân tập trung phát triển diện tích cây trồng cạn có hiệu quả kinh tế cao như đậu phụng, dưa hấu, ớt, bắp lai và các loại cây trồng khác...với diện tích sản xuất đậu phụng hàng năm khoảng 250ha, ớt 155ha, dưa hấu 150ha, bắp lai 80 ha. Đi đôi với chuyển đổi cây trồng, mùa vụ; xã cũng tạo điều kiện để người dân tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất thông qua các mô hình cánh đồng mẫu lớn. Bên cạnh đó, xã còn chú trọng đến việc phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi tập trung. Toàn xã hiện có đàn bò gần 3.300 con với gần 80% là bò lai, đàn heo có 1.864 con với 100% là heo lai kinh tế và đàn gia cầm có 38.700 con; công chăm sóc, bảo vệ đàn gia súc - gia cầm được chú trọng, góp phần phát triển chăn nuôi trên địa bàn xã. Các mô hình chăn nuôi bò vỗ béo, bò sinh sản tiếp tục được nhân rộng; các mô hình trồng đậu phụng xen mỳ, trồng dừa xiêm đều mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ dân. Trên lĩnh vực lâm nghiệp, tập trung phát triển diện tích rừng trồng; đến nay toàn xã có gần 2.538 ha rừng trồng với hai loại cây trồng chính là keo lai và bạch đàn; theo đó, với chu kỳ từ 5 - 8 năm khai thác một lần, mỗi ha rừng trồng cho thu nhập từ 80 – 120 triệu đồng/ha, tạo nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ dân và đã xuất hiện nhiều hộ khá, hộ giàu nhờ trồng rừng, với mức thu nhập từ 300 – 2 tỷ đồng/năm; đồng thời giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương từ việc khai thác rừng. Bên cạnh đó, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp như sản xuất đồ gỗ dân dụng, hàn tiện cơ khí, xay xát và các dịch vụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, xây dựng cũng được khuyến khích đầu tư phát triển, tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho nhân dân, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của xã đạt 11,5%, thu nhập bình quân đầu người đạt 32,5triệu đồng/người/năm.
Kinh tế phát triển, người dân có điều kiện xây dựng nhà cữa khang trang và nhiều công trình kiến trúc khác, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới. Đồng thời, thông qua tuyên truyền, vận động người dân thấy rõ được lợi ích thiết thực của việc xây dựng nông thôn mới nên đã tích cực đóng góp tiền, hiến đất, chặt bỏ cây cối, hoa màu, xê dịch tường rào, cổng ngõ để phục vụ cho việc xây dựng đường giao thông nông thôn và các công trình thủy lợi, giao thông nội đồng. Theo đó, người dân trong xã đã hiến hơn 20m2 đất vườn nhà, gần 8000m2 đất sản xuất lúa, hoa màu và đóng góp hơn 810 triệu đồng để cùng với chính quyền địa phương xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, xây dựng nông thôn mới, tạo thuận lợi cho việc giao thương đi lại và sản xuất nông nghiệp của người dân.
Ông Nguyễn Thế Chi - ở thôn Long Định cho biết: “gia đình tôi có 3 sào ruộng lúa. Khi quy hoạch xây dựng đường giao thông nông thôn làm ảnh hưởng một phần đất lúa của gia đình. Khi thôn, xóm vận động gia đình tôi sẵn sàng hiến hơn 200m2 đất đang sản xuất để làm đường với mong muốn con đường nhanh chống được hoàn thành để bà con đi lại, chuyên chở được dễ dàng”.
Bằng nguồn vốn hỗ trợ của cấp trên, kinh phí địa phương, nguồn vốn do nhân dân đóng góp cùng nhiều nguồn huy động khác, xã Cát Lâm đã đầu tư hơn 40,5 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp nhiều tuyến đường giao thông nông thôn và một số công trình văn hóa, xã hội khác tạo thuận lợi cho việc đi lại, sản xuất và các hoạt động văn hóa - xã hội cho người dân địa phương. Đến nay, 100% đường trục xã, liên xã đã được nhựa và bê tông hóa; nhiều tuyến đường trục thôn, xóm đã được cứng hóa bằng bê tông, cấp phối và gần 71,7% kênh mương do xã quản lý được kiên cố hóa. Có 5/5 thôn đạt thôn văn hóa và mạng internet được phủ sóng đến tất cả các thôn, 100% trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường và xã đã hoàn thành phổ cập giáo dục THCS theo chuẩn 1 và 2. Toàn xã có 100% hộ sử dụng điện, 85% hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 85% và tỷ lệ lao động có việc làm thương xuyên đạt 93%; tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm 3%.
Ông Nguyễn Văn Cảnh – chủ tịch UBND xã Cát Lâm cho biết: “Hiện nay, xã Cát Lâm còn 5 tiêu chí chưa đạt đó là: giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, hộ nghèo và hệ thống chính trị. Để thực hiện đạt các tiêu chí còn lại, đảm bảo theo đúng lộ trình, xã Cát Lâm đang tập trung tối đa các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, từng bước và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong cán bộ và nhân dân; phấn đấu hoàn thành xã nông thôn mới trong năm 2017 theo đúng lộ trình đã đề ra”.