Những kết quả đạt được
XDNTM trong 6 năm qua (2010-2016) trên địa bàn huyện Tuy Phước đã đạt được những kết quả khá toàn diện. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản đáp ứng, kinh tế nông nghiệp, nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, ngành nghề. Xuất hiện nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng lên. Củng cố và tăng cường hệ thống chính trị ở nông thôn, phát huy dân chủ cơ sở, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Bộ mặt nông thôn chuyển biến theo chiều hướng tích cực có nhiều đổi mới, thu nhập người dân tăng nhanh.
|
Xã Phước Thắng đúc bê tông đường nông thôn.
|
Tính đến nay, toàn huyện đã có 6/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới (2 xã Phước An và Phước Thành đạt chuẩn NTM năm 2014, 2 xã Phước Nghĩa và Phước Hưng đạt chuẩn NTM năm 2015 và 2 xã Phước Lộc và Phước Sơn đạt chuẩn NTM năm 2016), tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn hiện lên trên 235 tỉ đồng, trong đó vốn của Trung ương và tỉnh trên 108 tỉ đồng, huyện hơn 26,6 tỉ đồng, vốn ngân sách xã và vốn đóng góp từ các công ty, doanh nghiệp, HTX và nhân dân gần 110 tỉ đồng (riêng năm 2016 tổng nguồn vốn đầu tư trên 46,8 tỉ đồng). Nhờ đầu tư đồng bộ hệ thống giao thông, thủy lợi trên địa bàn huyện đã cơ bản đáp ứng nhu cầu, toàn huyện có hơn 427 km/638 km được bê tông nhựa và bê tông xi măng, chiếm 66,9% tổng số tuyến đường giao thông trong huyện. Nhân dân 11 xã nằm trong Chương trình XDNTM của huyện đã tự nguyện hiến gần 50.000 m2 đất vườn, đất ruộng để làm đường GTNT. Về thủy lợi, đã đầu tư kiên cố hóa trên hơn 92 km kênh mương nội đồng, cơ sở vật chất văn hóa, trường học được tăng cường, các chợ nông thôn xây dựng ngày càng bài bản.
Trong phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập đã hình thành được vùng sản xuất lúa và nuôi tôm tập trung, đồng thời xây dựng hàng loạt mô hình sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả kinh tế cao, như tổ chức sản xuất lúa 2.439 ha/ năm mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML) theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, năng suất tăng hơn ruộng ngoài mô hình 4 – 5 tạ/ha, trong đó diện tích liên kết sản xuất giống 1.027 ha, lợi nhuận thu nhập trên 9 tỉ đồng/ năm. Đối với thủy sản nhờ áp dụng quy trình kỹ thuật nuôi an toàn sinh học nên diện tích đưa vào thả nuôi hàng năm hơn 971 ha đã hạn chế dịch bệnh, năng suất, sản lượng tăng khá mang lại thu nhập ổn định cho người dân giải quyết hữu hiệu việc làm cho lao động nông thôn…
Còn đó những khó khăn tồn tại
Những kết quả đạt được trong quá trình XDNTM là rất đáng trân trọng nhưng đằng sau đó vẫn còn không ít lo lắng, trăn trở. Hệ thống giao thông tại các xã đã cơ bản hoàn thành nhưng có một thực tế là nằm ở vùng thường xuyên bị lũ lụt và sự gia tăng lưu lượng phương tiện cơ giới đòi hỏi cần có sự quản lý bảo dưỡng thường xuyên nếu không các công trình sẽ xuống cấp, thậm chí hỏng thì vốn đầu tư làm lại là rất tốn kém. Hay như các công trình văn hóa, thể thao cũng vậy, rất khó khăn trong quản lý, bảo vệ.
Bên cạnh đó, theo Quyết định số 59/QĐ-TTg, ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020 nêu rõ: tiêu chí về thu nhập chuẩn nghèo khu vực nông thôn là 700.000 đồng/người/tháng. Như vậy, mức chuẩn nghèo này tăng gấp 1,75 lần so với giai đoạn 2011 - 2015 (400.000 đồng/người/tháng). Do đó, vấn đề đặt ra cho các địa phương là phải tìm ra những hướng đi tích cực để nâng cao thu nhập cho người dân một cách bền vững, lâu dài.
Qua thực tế, tại các xã đạt chuẩn nông thôn mới sản xuất nông lâm nghiệp, chăn nuôi đã và đang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa nhưng diễn ra còn chậm, sản phẩm chưa đa dạng, sản xuất còn manh mún chưa theo chuỗi giá trị. Một vấn đề nữa sự liên kết giữa nhà nông và doanh nghiệp, hợp tác xã chưa mạnh, HTX xếp loại tốt chưa nhiều, đa phần chủ yếu cung ứng dịch vụ là chính. Những vấn đề nêu trên là nguyên nhân chính dẫn đến hiệu quả sản xuất, thu nhập người dân trong giai đoạn 2016-2020 cần phải tính toán.
Nỗ lực về đích huyện nông thôn mới
Để đạt tiêu chí huyện NTM giai đoạn 2016-2020, Huyện ủy – UBND huyện Tuy Phước đã ban hành và triển khai Chương trình hành động, kế hoạch, mục tiêu phấn đấu cán đích huyện NTM vào năm 2019, cho nên đòi hỏi cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở đã và đang trong quá trình XDNTM cần có một kế hoạch, cụ thể hóa hành động của Huyện ủy nâng cao chất lượng các tiêu chí để bảo đảm sự tăng trưởng và phát triển bền vững.
Theo ông Nguyễn Đình Thuận, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ đạo XDNTM huyện Tuy Phước, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu từ nay đến năm 2020, trước mắt năm 2017 phấn đấu thêm 2 xã Phước Hòa và Phước Hiệp đạt chuẩn NTM; năm 2018 thêm xã Phước Quang và Phước Thuận đạt chuẩn NTM và đến năm 2019 xã Phước Thắng, xã cuối cùng đạt chuẩn NTM tiến đến Tuy Phước được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện NTM.
Để về đích dung lộ trình huyện tập trung huy động mọi nguồn vốn phân kỳ đầu tư trong giai đoạn 2016-2019 là gần 275 tỉ đồng, để hoàn thiện hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường. Trong đó, ngân sách Trung ương và tỉnh hỗ trợ 50% tổng kinh phí, ngân sách huyện hỗ trợ 10% tổng kinh phí, còn lại 40% là ngân sách xã và nguồn vốn huy động hợp pháp khác…