|
Nông dân Cát Hải chăm sóc hành. |
Anh Đỗ Hoàng Phong, phó chủ tịch UBND xã cho biết: Thực hiện mục tiêu giảm nghèo hàng năm, xã Cát Hải đã tuyên truyền, vận đông nhân dân, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các giống cây con có giá trị kinh tế cao vào nuôi trồng, giúp người dân nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích. Đồng thời, ưu tiên tạo nguồn vốn vay để người dân đầu tư phát triển kinh tế, và phối hợp với các ngành, đoàn thể mở các lớp tập huấn nhằm nâng cao kiến thức trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho nhân dân, hướng dẫn người dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhằm tạo ra thu nhập cao trên đơn vị diện tích, và tăng nguồn thu nhập cho gia đình, từng bước giúp người dân xóa đói giảm nghèo.
Trong trồng trọt, với 2 loại cây trồng cạn chính là đậu phụng và hành, xã đã vận động nông dân giảm diện tích sản xuất lúa năm 2016 xuống còn 230 ha/năm, nhưng sản lượng lương thực hàng năm lại cao hơn trước nhờ sử dụng các loại giống mới năng suất, diện tích còn lại chuyển sang sản xuất cây trồng cạn có giá trị thu nhập cao. Trên cơ sở khoanh vùng, bố trí sản xuất luân canh, xen canh cây trồng từ 3 đến 4 vụ trong năm. Trong đó cây hành 250 ha; cây đậu phụng 338 ha; cây mè 126 ha. Nhờ chỉ đạo thực hiện tốt công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng và áp dụng nhiều công thức luân canh cây trồng phù hợp, nên bình quân 1 ha canh tác cho giá trị thu nhập gần 210 triệu đồng. Trong đó có gần 130 ha cho giá trị thu nhập trên 500 triệu đồng/ha/năm. Giá trị thu nhập bình quân 1 ha canh tác là 205,7 triệu đồng.
Nhiều hộ dân đã có cuộc sống khấm khá, nhờ trồng hành, trồng đậu phụng; dưới hình thức luân canh- xen canh: Hành đông xuân, đậu vụ hè, Hành thu đông….
Thực hiện chuyển đổi sang sản xuất cây trồng cạn, nhiều trường hợp hộ nghèo cuộc sống khó khăn, đã được sự hướng dẫn về kỹ thuật canh tác, hỗ trợ vay vốn … nên mạnh dạn thuê thêm đất, mở rộng diện tích sản xuất cây trồng cạn mỗi năm 3 – 4 vụ. Nhờ đó không chỉ thoát nghèo mà còn có của ăn của để, lo cho con cái học hành chu đáo. Anh Võ Văn Thành, nông dân ở thôn Tân Thanh , là một trong những trường hợp như vậy đã cho biết: Trước đây làm lúa cuộc sống khó khăn lắm, vì thu nhập thấp, bỡi ruộng ở đây chân đất cát sạn, làm không đạt, 1 sào thu được khoảng một tạ mấy lúa, nhưng lừng lép. Từ ngày mình chuyển sang sản xuất cây trồng cạn, cây hành với cây đậu phụng làm xen canh mỗi năm 4 vụ. Mình thoát được nghèo cũng nhờ chuyển đổi cây trồng sang cây hành cây đậu phụng. Từ chỗ làm có thu nhập khá nên hiện nay cuộc sống gia đình tôi cũng đỡ. Qua thời gia đó tôi cũng có thu nhập cao, có để cho con ăn học đến nới đến chốn.
Để giúp người dân thoát nghèo bằng phát huy nội lực, thực hiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có hiệu quả, xã đã đặc biệt quan tâm điều kiện phục vụ sản xuất, như việc sớm đầu tư xây dựng mạng lưới điện ra khắp các cánh đồng, xây dựng hệ thống hồ, đập, kênh mương, giếng khoan... chủ động trong việc tưới tiêu; Triển khai thực hiện cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng liên kết sản xuất theo chuỗi gắn với bao tiêu sản phẩm cây đậu phụng...
Trong chăn nuôi địa phương chú trọng nâng số lượng và chất lượng đàn gia súc gia cầm, thông qua việc lập các dự án vay vốn đầu tư phát triển nuôi bò lai, làm trang trại. Nhờ đó hiện gia đàn bò của xã đã có 2.895 con, có 77,1% bò lai, đàn heo trên 1826 con, đàn dê 870 con, đàn gia cầm gần 15.000 con.
Trong khai thác nuôi trồng thủy sản, tuy là xã bãi ngang, nhưng ngư dân đã đầu tư vốn từng bước nâng cao năng lực khai thác đánh bắt, toàn xã hiện có 70 tàu thuyền, công suất 5.825CV, có 14 tàu công suất trên 90 CV,trong đó có 1 tàu vỏ thép 811CV đóng mới theo nghị định 67CP. Giá trị thu nhập ngành Thủy sản năm 2016 đạt 18 tỷ 629 đồng; Đưa vào thả nuôi tôm trên cát, diện tích 39,6 ha , nuôi tôm công nghệ cao 4 ha; nuôi cá nước ngọt 6 ha theo hình thức lồng bè và tự nhiên đã góp phần tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho người dân.
Điều ghi nhận trong thực hiện mục tiêu giảm hộ nghèo ở Cát Hải là: Địa phương vận động người dân phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo bằng chính nghị lực của mình, thường xuyên tuyên truyền, nhân rộng các mô hình trong phát triển kinh tế để nhân dân học tập. Đồng thời, hàng năm chính quyền xã điều tra, rà soát lại tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới, thường xuyên tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghèo đói ở từng thôn, hộ gia đình, từ đó chọn ra phương án giúp người dân thoát nghèo.
Bên cạnh đó các hội, đoàn thể thực hiện việc tín chấp với các ngân hàng như: Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn; ngân hàng chính sách xã hội Huyện tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với nguồn vốn vay để đầu tư vào sản xuất. Đồng thời, thực hiện giám sát việc phát huy hiệu quả nguồn vốn vay tại địa phương. Hiện nay tổng dư nợ nguồn vốn vay của người dân trên địa bàn xã ở các ngân hàng lên gần 15,5 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách xã hội gần 13,3 tỷ đồng, chủ yếu thông qua các hội đoàn thể như: Phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh, thanh niên... vay để đầu tư vào phát triển sản xuất, chăn nuôi, làm kinh tế gia đình.
Nhờ thực hiện lồng ghép hiệu quả các chương trình dự án hỗ trợ của Nhà nước với việc tuyên truyền khuyến khích người dân tự giác nâng cao ý thức trong công tác giảm nghèo bộ mặt nông thôn của xã đã có nhiều biến chuyển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, hàng năm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm hơn 2%, tỉ lệ hộ nghèo hiện nay còn 11,13% . Trong năm 2016 thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 30,6 triệu đồng/người/năm.