|
Anh Thanh (giữa) giới thiệu mô hình trồng bầu với khách tham quan. |
Với 4 sào đất vừa ruộng vừa gò của gia đình không đủ canh tác, anh Phong mạnh dạn thuê thêm 2 ha đất của các hộ dân xung quanh và đấu giá đất dự phòng của xã Mỹ Lợi đầu tư trồng nhiều loại cây trồng cạn khác nhau.
Anh Thanh cho biết, trên 1 ha đất gò, mùa nào thức nấy, anh đầu tư luân canh, xen canh nhiều loại cây trồng cạn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Như vụ Đông xuân vừa rồi, sau khi thu hoạch 5 sào kiệu tết, với giá bán bình quân 60.000 đồng/1kg, trừ hết chi phí thu lãi hơn 50 triệu đồng. Trên diện tích này anh Thanh thả bầu, dưa leo, bí và trồng ớt. Với 2 sào dưa leo vừa bán thời điểm được giá anh thu lãi 30 triệu đồng. Khi dưa leo vừa thu hoạch xong cũng là lúc dây bầu “ngã” giàn, bắt đầu thu hoạch phần chân. Với 2 tấn bầu, thời điểm giá cao chạm ngưỡng 10.000 đồng/ 1 kg, anh có trong tay 20 triệu đồng. Hiện nay mỗi ngày anh thu 1,5 tạ bầu, với giá 4.000 đồng/ 1kg, thu trong khoản 2 tháng, anh kiếm thêm ít nhất cũng được 36 triệu đồng. Anh Thanh cho biết thêm: song song với thu hoạch bầu, anh tiếp tục vào phân, làm đất thả dây bí xanh. Vừa tận dụng giàn bầu che chắn, vừa tiết kiệm lượng phân bón và nước tưới, đến khi thu hoạch bầu xong thì đây bí cũng chạm giàn. Từ đó tiết kiệm được thời gian, công sức chăm sóc, rút ngắn thời gian thu hoạch.
Thời điểm chúng tôi đến thăm gia đình anh, cũng là lúc anh Thanh vừa thu hoạch xong 3 sào đậu phụng vụ Đông xuân. Do gặp lũ đầu vụ nên năng suất chỉ đạt chừng 200 kg/sào, với giá bán hiện nay 24 - 25.000/1kg hạt đậu khô, anh thu khoảng 15 triệu đồng. Cùng với thu hoạch đậu phụng anh trỉa bắp cao sản, tận dụng lấy lá để tủ kiệu cho vụ tết 2018. 3 sào khổ qua đã và đang thu hoạch; 12 sào ớt cũng đang sinh trưởng và phát triển tốt, đẻ nhánh đều, chỉ chờ khoảng 1 tháng nữa là bắt đầu thu hoạch.
Với cách làm đó, mùa nào thức nấy, từ bầu, bí, mướp, khổ qua, dưa leo, ớt, đậu phụng, bắp, kiệu, mỗi năm trừ chi phí hết anh Thanh thu lãi trên dưới 300 triệu đồng.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Thanh cho biết, để trồng cây màu ngắn ngày đạt hiệu quả kinh tế cao yếu tố quan trọng đầu tiên phải đảm bảo đầy đủ nước và phân bón. Đối với phân bón, ưu tiên sử dụng phân chuồng oai mục, DAP…Sau khi thuê đất, vụ đầu tiên phải chấp nhận đầu tư nhiều phân để cải tạo đất, các vụ tiếp theo cứ bón đầy đủ, cân đối, đảm bảo đất luôn đủ dưỡng chất thì trồng cây gì cũng sẽ cho năng suất cao. Riêng đối với từng loại cây, để đạt hiệu quả thì phải nắm rõ quy trình sinh trưởng, các loại bệnh thường gặp, thời điểm dễ mắc bệnh để có biện pháp phòng trừ hiệu quả. Anh Thanh cho biết thêm, một kinh nghiệm để đạt hiệu quả trong trồng cây trồng cạn đó là ta phải bỏ thời gian, công sức theo dõi, chăm sóc để kịp thời phát hiện bệnh và điều trị kịp thời, “bỏ dãi là không ăn được”.
Riêng đối với khâu làm đất phải đầu tư làm kỹ càng, khi đó sẽ hạn chế được dịch bệnh và ít tốn tiền phân bón, thuốc sau này. Đối với khâu làm đất, để tiết kiệm thời gian, chi phí anh Thanh rất sáng tạo. Sau khi dùng máy lớn cày đất, trộn phân, xới bằng anh dùng xe máy độ nhông lại, gắn lưỡi cày phía sau để cày lên rãnh, vừa đều, vừa tiết kiệm thời gian và chi phí.
Cùng với cây trồng cạn, trên 1 mẫu đất anh Thanh đầu từ trồng hồ tiêu. Ở diện tích trước nhà, 110 trụ hồ tiêu đã thu hoạch 2 lứa, thu trên 75 triệu đồng. Nhưng đợt lũ cuối năm 2016 vừa rồi đã làm ngập và chết rụi hết. Tuy nhiên xác định cây hồ tiêu khá hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở đây, lại cho thu nhập khá nên cùng với 100 trụ hồ tiêu còn lại được trồng trên đất đồi, anh Thanh đang làm đất chuẩn bị trồng thêm 1.000 trụ tiêu mới. Riêng diện tích trước nhà, anh xây tường ngăn nước và tiếp tục thả dây tiêu.
Trên một mẫu đất còn lại anh trồng lúa, từ chân 2 - 3 vụ/năm, có năm anh thu trên 4 tấn lúa. Vừa tận dụng phụ phẩm chăn nuôi, trồng trọt. Ngoài ra, anh nuôi 5 con bò, trong đó có 3 bò cái nền. Anh Thanh phấn khởi cho biết “gia đình tui mới bán con bò đực kiếm 60 triệu đồng. Còn với 3 bò cái, mỗi năm cho 1 bê con, kiếm trên 45 triệu đồng”. Cùng với đó, trong chuồng luôn có từ 5 - 6 heo nái sinh sản. Từ đó anh có nguồn phân chuồng phục vụ cho nông nghiệp.
Ngoài ra, trên 2 ha đất ở tỉnh Đắc Lắc trồng cà phê xen hồ tiêu, mỗi năm trừ chi phí đầu tư, thuê mướn, anh Thanh thu lãi từ 150 – 200 triệu đồng.
Tâm đắc với cách làm ăn kinh tế hiệu quả của anh Thanh, ông Đặng Tuấn Sinh – Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Lộc hồ hởi nhận xét “anh Thanh là nông dân thời đổi mới điển hình. Không chỉ chịu khó tìm tòi và chăm chỉ lao động, mà anh rất năng động trong suy nghĩ và hành động, mạnh dạn, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đem lại giá trị kinh tế cao. Đặc biệt với cách làm của anh Thanh đã ảnh hưởng không nhỏ đến phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi của địa phương”.