Hàng năm, sau khi xuống giống các vụ gieo trồng, nguồn lao động trong sản xuất nông nghiệp dôi dư bởi không có công ăn việc làm, phải phân tán đi các nơi làm kiếm thêm thu nhập. Nghề bó chổi đến với người dân xã Hoài Phú là cả một quá trình tìm tòi học hỏi kinh nghiệm từ các làng nghề đã có từ lâu ở nhiều địa phương khác. Ban đầu từ một vài hộ bó chổi nay đã tăng lên gần 400 hộ, từ 1 cơ sở nhỏ nay đã phát triển hàng chục cơ sở lớn nhỏ ở khắp cả 9 thôn trên địa bàn, góp phần lớn trong giải quyết công ăn, việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động nông nhàn tại địa phương.
|
Chị Nguyễn Thị Tuyết (áo vàng) người có kinh nghiệm gần 10 năm trong nghề đang làm tại cơ sở sản xuất chổi cọng dừa Vinh – Ty thôn Lương Thọ 2 xã Hoài Phú. |
Chị Phạm Thị Ty 33 tuổi, ở thôn Lương Thọ 2, chủ cơ sở sản và tiêu thụ chổi cộng dừa Vinh-Ty chia sẻ: “Thông thường những tháng đầu năm là thời gian có rất nhiều thuận lợi để cơ sở chúng tôi tập trung sản xuất vừa cung ứng cho thị trường vừa dự trữ cho những tháng tiếp theo, bởi lực lượng lao động nông nhàn tại chỗ đầu năm khá dôi dư, nguồn nguyên liệu thu vào phục vụ cho sản xuất cũng dồi dào và tốt hơn so với những tháng mưa gió nên không phải lo ngại chất lượng của sản phẩm khi xuất ra và dự trữ”.
Được biết, cơ sở sản xuất chổi cọng dừa Vinh-Ty được hình thành đi vào hoạt động đến nay đã trên 10 năm. Trước đây, do không chủ động được nguồn nguyên liệu và bạn hàng cộng với thợ chưa bén với nghề nên sản phẩm làm ra hàng tháng cũng chỉ được vài trăm cây chổi bỏ mối các chợ quê nên thu nhập của cơ sở và công lao độngcòn thấp. Nhưng nay, mọi khó khăn ban đầu đã được cải thiện, nhất là cơ sở đã “gầy dựng” trên 20 thợ giỏi, theo đó năng lực sản xuất cơ sở nay đã tăng lên gấp 5 – 6 lần so với trước, sản phẩm làm ra đã tạo được uy tín với nhiều khách hàng sử dụng trong và ngoài tỉnh. Trung bình hàng tháng cơ sở sản xuất và cung ứng cho thị trường các tỉnh miền Trung Tây nguyên trên 10.000 cây chổi với 3 chủng loại: chổi theo đơn đặt hàng, chổi thường và chổi nhỏ, tạo công ăn việc làm cho 30 lao động với mức thu nhập bình quân từ 2.000.000 đến 3.000.000 đồng/người/tháng.
Bà Nguyễn Thị Thạnh, năm nay 65 tuổi, là một trong hàng chục thợ “bó chổi” có tiếng khéo tay và nhanh ở thôn Lương Thọ 2, nếu đầy đủ nguyên liệu, không vướng bận chuyện heo gà bếp núc, mỗi ngày bà có thể hoàn thiện cả trăm cây chổi là chuyện bình thường. Khi hỏi về nghề, bà xởi lởi cho hay: “Thiệt tình, trước đây gia đình cô quanh năm “đầu tắt mặt tối” với mấy sào ruộng nhưng cuộc sống vẫn mãi thiếu trước hụt sau. Nhưng rồi cũng may là thời điểm đó, một vài hộ dân trong thôn mở “đại lý” thu mua cọng dừa khô để bó chổi, thấy ham tôi cũng gom cọng dừa trong vườn nhà mang bán cho họ, nhiều lần qua lại, thấy công việc làm ăn của họ ngày càng khấm khá, tôi lần mò học lõm được nghề và kể từ đó đến nay nghề này đã trở thành nguồn sinh kế chính cho cả gia đình”.
Còn chị Nguyễn Thị Tuyết, người có kinh nghiệm gần 10 năm theo nghề, đang làm tại cơ sở Vinh - Ty chia sẻ: “Làm nghề này thì thời gian rất thoải mái, những lúc mình có công việc nhà hoặc đồng áng thì xin nghỉ vài hôm. Còn tiền công bó một cây chổi cọng dừa loại nhỏ là 750 đồng và 1.000 đồng/cây chổi lớn. Vào vụ chính, mỗi ngày tôi cũng có thu nhập trên 100 ngàn đồng. Đây là khoản thu nhập khá “mơ ước” của nhiều người dân ở các vùng nông thôn khác. Nghề này cũng rất dễ bắt chước nên từ nhỏ đến lớn ai cũng có thể làm được cả, nếu chăm chỉ và chịu khó. Đặc biệt, trong những ngày hè, nghề bó chổi cọng dừa cũng thu hút khá đông các em học sinh từ THCS đến THPT ở địa phương đến làm thêm kiếm tiền mua sách vở, quần áo.
Hỏi về những công đoạn để làm ra một cây chổi, bà Thạnh cho biết thêm: “Ngoài nguyên liệu chính là cọng dừa,còn phải có thêm một chiếc cân để định lượng cho từng loại chổi cần bó, một chiếc bàn gỗ đặc thù của nghề, một trục dây gân (loại dây nylon hoặc cước dùng câu cá) để buộc, 2 thanh tre mỏng dày độ 2 mm để bó cặp theo thân chổi cho cứng cáp hơn. Một cây chổi đạt yêu cầu vừa bền, vừa đẹp, khi bó đòi hỏi người thợ phải cẩn thận loại bỏ những cọng dừa oải mục hoặc chưa đủ nắng, khi bện rẻ quạ và buộc thân phải phải rút cho thật chặt tay, như thế chổi mới dùng được lâu hơn. Một thợ trung bình một ngày cho ra từ 60 đến 70 cây chổi, còn thợ thâm niên thì sẽ vượt trên 100 cây. Hiện giá bán sỉ mỗi cây từ 4.500 đồng đến 8.000 đồng tùy loại và theo đơn hàng.
Nghề bó chổi cọng dừa ở xã Hoài Phú nói chung, thôn Lương Thọ 2 nói riêng tất bật nhất là những tháng đầu năm và cuối năm. Đây là thời điểm các chủ buôn chổi cần nhiều sản phẩm hơn nên bà con làm quần quật suốt cả ngày lẫn đêm để kịp giao hàng. Những người về đây thu mua chổi một số là người Đà Nẵng, Huế, Gia Lai còn chủ yếu vẫn là người địa phương. Hơn 5 năm chuyển sang nghề làm chủ vựa chuyên thu gom chổi cọng dừa ở đây lên Tây Nguyên bỏ mối, bà Lê Thị Riêng, cho biết: “Trước đây tôi cũng là một thợ bó chổi nhưng từ khi thị trường chổi cọng dừa ở Hoài Phú có uy tín trên thị trường, nắm bắt thời cơ này tôi chuyển sang thu gom. Nhờ mua “tận gốc bán tận ngọn” mỗi chuyến trung bình khoảng 30 ngàn cây, nhờ hàng đảm bảo chất lượng nên việc buôn bán khá trôi chảy, lợi nhuận hàng năm trên dưới 100 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Tiến, Phó chủ tịch UBND xã Hoài Phú cho biết “Để nghề làm chổi cộng dừa địa phương tiếp tục phát triển theo hướng bền vững, trong thời gian đến địa phương sẽ hướng dẫn người dân thực hiện liên kết , hỗ trợ bà con tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư máy móc, thu mua nguyên liệu, mở rộng quy mô sản xuất đồng thời kêu gọi các tổ chức doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư để vừa nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, vừa hạ giá thành sản phẩm, tiến tới xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chổi cộng dừa địa phương giúp cho người nghèo thoát nghèo, có công ăn việc làm ổn định và đây cũng là hướng làm giàu chính đáng của người dân nơi đây”.