|
Đã gần trưa nhưng bánh tráng phơi kín mít sân vườn. |
Nhờ chỉ dẫn nên tìm đến nhà anh Đinh không khó, ngôi nhà ở đầu con đường cái lớn vào xóm khang trang, phía trước và sau là cánh đồng lúa mênh mông, thời điểm gần trưa nhưng bánh tráng phơi trong khu vườn nhà kín mít, bên trong nơi đặt máy làm ra bánh tráng mô tơ điện phát ra tiếng kêu rè rè đều đều. Anh Đinh tay cầm con dao cứ cắt khi bánh từ máy chảy ra theo dây chuyền trải dài đầy vỉ rồi sắp sẵn cạnh bên và bỏ vỉ khác vào hứng bánh cứ vậy đôi tay thoăn thoắt liên tục.
Thấy khách đến anh kêu vợ vào thay, với giọng cười xòa dễ mến vừa chào khách, và biết ý định của chúng tôi anh liền nói: Bánh tráng máy làm thay sức mình hết, năng suất cao, chứ tráng bánh tay truyền thống năng suất thấp lại khổ phải lo chất đốt lại ngồi suốt ngày, còn giờ đóng cầu dao điện nước sôi điều chỉnh nhiệt độ tự động nên tráng mấy cũng được. Trước đây mới lắp máy chưa nắm vững kỹ thuật mình lúng ta, lúng túng giờ thành thạo cả rồi. Tui còn nghiên cứu lắp thêm bộ điều khiển chạy nhanh, chậm nên sản xuất theo ý muốn. Không như trước cứ một mức mà chạy mệt muốn đứt hơi, nhất là lúc không đủ người, còn thừa người mình muốn cho nó chạy nhanh cũng không được.
Đưa chúng tôi vào nhà mới xây cạnh bên, chế bình trà ngon mời khách, anh Đinh, thỏ thẻ: Gia cảnh trước đây lao đao, cha tham gia cách mạng hy sinh tui mới vừa sinh ra, học hành chưa tới nơi tới chốn mới lớp 7 đã nghỉ học đi làm công nhân thợ xây, rồi cũng nhận thầu lại công trình của người ta đấu trúng, làm cũng được vài năm tiền kết toán công trình cũng có lãi, nhưng nhà thầu chậm trả, công nhân làm cho mình họ theo đòi miết phải vay nóng để trả công, tính lại khi nhà thầu thanh toán mình trả hết nợ lãi không còn lời có khi lỗ nặng, vậy là thôi không nhận thầu nữa. Khoảng năm 2010 trở về trước tui thấy quê mình có nguyên liệu cói nên nghĩ phát triển nghề dệt chiếu chắc thu nhập khá nên vay mượn 200 triệu đồng đầu tư nhà xưởng, mua 2 máy dệt chiếu hết 120 triệu về làm đâu được 1 năm. Chiếu làm ra họ mua nợ chậm trả, mình thiếu vốn mua nguyên liệu, tiền trả công nên thua lỗ nặng phải bán máy lại lỗ đứt 80 triệu đồng.
“Nhờ bôn ba khắp nơi, tui thấy nghề bánh tráng máy dễ làm, thị trường tiêu thụ rộng lớn nên quyết đặt máy làm bánh tráng, thiếu vốn đến Quỹ tín dụng Phước Sơn vay 80 triệu đồng, rồi hỏi thăm những người lắp mắt bánh tráng họ giấu nghề không chỉ, tui bồi dưỡng 1 chỉ vàng họ mới cho số điện thoạt liên lạc ra tận Nam Định mua máy kêu thợ vào lắp. Quá trình theo dõi thợ thi công tui sáng dạ học hỏi. Sau này tui mua đồ nghề về tự sản xuất máy bánh tráng, làm xong chạy thử thấy thành công không thua gì máy Nam Định, bà con trong và ngoài huyện đến học hỏi đặt mua, từ đó đến nay tui tự sản xuất lắp đạt đến 19 máy rồi, giá thành chỉ 38 triệu đồng/ máy, trong khi mua máy Nam Định hết 43 triệu đồng/ máy” . Anh Đinh cho biết.
Nhờ làm nghề bánh tráng máy và sản xuất lắp đặt máy chuyên làm ra bánh tráng mà thu nhập của gia đình ngày một tăng, mỗi ngày anh cho ra sản phẩm 300 kg bánh tráng, sau khi trừ chi phí có thu nhập 700 ngàn đồng/ ngày (21 triệu đồng/ tháng). Bất kể ngày mưa hay nắng cơ sở đều hoạt động, lúc mưa thì bánh tráng ra sấy bằng điện, còn nắng thì phơi bánh ngoài trời. Cơ sở thu hút 6 lao động làm việc thường xuyên với mức trả công 3,6 triệu đồng/ người/ tháng, chưa kể 2 lao động làm ca đêm từ 19 – 21 giờ chuyên cắt, đóng gói bánh tráng vào bao. Nhờ theo nghề tráng bánh tráng máy mà anh trả hết nợ, còn tích lũy vốn cất được nhà cấp 4 khang trang, lo hai con ăn học đầy đủ.
Về mở rộng cơ sở sản xuất trong thời gian đến, anh Đinh, chia sẻ: Sắp tới tui xin thuê đất để mở rộng sân phơi tăng sản lượng, thu hút thêm lao động nông nhàn, chứ bánh tráng làm ra hiện nay “cung không đủ cầu” không đủ đáp ứng thị trường. Nguyện vọng của tui còn đặt máy sản xuất vỉ phơi bánh tráng, vì hiện tại vỉ phơi rất khang hiếm, mua vỉ thủ công giá cao tới 50 ngàn đồng/ vỉ,vỉ sản xuất bằng máy giá thành giảm còn 1/3. Hơn nữa số cơ sở sản xuất bánh tráng tính chỉ trong huyện đã lên 50 máy chưa kể ngoài huyện nên làm vỉ để bán rất là tìm năng.
Rời cơ sở sản xuất bánh tráng máy của anh Đinh khi trời đã về chiều, cũng là lúc anh chuẩn bị sắp xếp bánh tráng bỏ lên xe kéo để giao hàng. Hoàn cảnh của anh Đinh trước đây cũng khá khó khăn, anh là con liệt sĩ, cha hy sinh khi anh vừa sinh ra, là cháu nội của Bà mẹ Việt Nam Anh Hùng, anh đã biết phát huy truyền thống gia đình tự thân vươn lên lập thân, lập nghiệp thật đáng trân trọng và là hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện của Hội Nông dân xã Phước Sơn.