Người phụ nữ dám nghĩ dám làm
Hầu như người dân nào sống ở thôn Xuân Vinh xã Hoài Mỹ (Hoài Nhơn) không ai không biết trang trại tổng hợp “tiền tỷ” của gia đình bà Nguyễn Thị Thắm, một “cơ ngơi” khiến cho hàng trăm người dân nơi đây luôn khát khao mơ ước. Ngay ở phía dưới chân đèo, con đường đất đỏ ngược lên trang trại chính là vườn chuối sứ Ấn Độ có diện tích hơn 3ha, trồng trên hai ngàn gốc và đã liên tục cho thu hoạch từ năm 2013 đến nay, nhưng đó chỉ là nguồn thu phụ còn gia sản “khủng” của gia đình bà thì nằm lưng chừng giữa những triền núi, trảng đồi hai bên phía Bắc con đường lên đèo qua thôn Lộ Diêu kia…
|
Bà Nguyễn Thị Thắm bên trang trại của mình. |
Bà Thắm bộc bạch: “Trước đây, cuộc sống của gia đình tôi quanh năm chỉ dựa vào 7 sào ruộng nên luôn thiếu trước, hụt sau. Ngoài làm ruộng, hàng ngày bà còn phải vượt cả chục cây số đường đèo dốc quanh co để qua thôn Lộ Diêu buôn bán. Nhiều lần đi ngang qua đoạn chân đèo Lộ Diêu, thấy có nhiều con suối tự nhiên từ trên cao nước chảy xuống đồng bằng bốn mùa từ đó trong tôi nảy sinh ý định vào đây lập trang trại. Tuy nhiên, ý tưởng vào nơi heo hút để làm trang trại lập tức bị chồng con phản đối quyết liệt. Phải mất thời gian dài thuyết phục bằng những kế sách làm ăn bài bản, cụ thể lúc đó chồng con mới đồng ý”. Đến tháng 2/2012, cả gia đình bà Thắm bắt đầu cuộc hành trình vào “khởi nghiệp” dưới chân đèo Lộ Diêu.
“Khi mới vào đây, rừng núi còn khá hoang vu, chông chênh và đầy cây dại, gia đình đầu tư khoảng 1,4 tỷ đồng thuê máy móc san ủi, cải tạo lại toàn bộ mặt bằng và xây dựng trang trại nuôi heo ban đầu với số lượng 700 con. Nhưng vụ nuôi heo đầu tiên thất bại ê hề do dịch bệnh hoành hành, giá cả liên tục tụt dốc, năm ấy tôi lỗ đến 500 triệu đồng”- bà Thắm nhớ lại.
Sau lần thất bại nhớ đời, bà Thắm tìm đến khắp các trang trại gần xa để học hỏi kinh nghiệm. Sau những chuyến đi ấy, bà rút ra bài học để nuôi heo hiệu quả thì ngoài con giống ra, vấn đề bảo quản gìn giữ tuyệt đối an toàn vệ sinh môi trường nuôi là điều cốt yếu. “Sau lần đó, tôi đầu tư quy trình chăn nuôi khép kín, nghĩa là không sử dụng giống bên ngoài, lắp đặt hệ thống ống dẫn nước và chất thải chăn nuôi ra phía sau rừng dài khoảng 500m để giải quyết vấn đề ô nhiễm. Bên cạnh đó, vấn đề tiêm vắc xin phòng chống các loại dịch bệnh theo mùa và phát sinh luôn được quan tâm, thực hiện nghiêm túc, chu đáo theo chu kỳ phát triển của vật nuôi nên đã gần 4 năm qua trang trại không xảy ra bất cứ một loại dịch bệnh nào gây tổn hại về kinh tế” - bà Thắm tự tin.
Bà Thắm chia sẻ thêm: “Nếu nuôi 600 con heo thịt/lứa, tôi cho ăn bằng máng ăn tự động nên rất ít tốn nhân công, chỉ cần 2 người. 1 con heo lúc mới bắt về nuôi khoảng 20 kg thì cho ăn 1 ngày 1kg bột, 1 chuồng 40 con thì cho vào 40 kg thức ăn. Sáng hôm sau rồi mới đổ tiếp và tăng dần lên theo độ tuổi, không để thức ăn dư thừa, gây lãng phí”. Bà nhẩm tính, bình quân, mỗi năm trang trại heo của gia đình bà bán ra khoảng 1.200 con heo thịt, doanh thu xấp xỉ 6 tỷ đồng.
Không cho đôi tay ngừng nghỉ
Không chỉ nuôi heo, gia đình bà Thắm còn dành 5.000 m2 xây dựng 4 hồ nuôi tôm nước ngọt khá quy chuẩn và bài bản. Bà cho biết, riêng vụ tôm 2016 vừa rồi, sau khi trừ chi phí thức ăn, công kỹ thuật thì gia đình lãi hơn 400 triệu đồng. Đó là tôi nhiều việc lu bu, chứ bán thức ăn tôm cho các hộ nuôi ở đây tôi biết vụ vừa qua có hộ lãi hơn 1 tỷ đồng. Nhưng nuôi tôm cũng may rủi, nếu được mùa thì trúng đâm, nhưng bị dịch thì trắng tay”. Vừa nuôi tôm, bà Thắm còn mở đại lý bán thức ăn thủy sản cho các hộ nuôi tôm tại địa phương và 3 xã ven biển liền kề, số lượng cung ứng hàng năm trên 350 tấn.
Lợi nhuận từ nuôi heo nuôi tôm và buôn bán hàng năm gia đình bà Thắm có thu nhập vài ba tỷ đồng là chuyện bình thường, thế nhưng bà chủ trang trại không để đôi tay ngừng nghỉ. Tháng 12/2015, bà lại lặn lội vào Long Khánh (Đồng Nai) để mua 2.200 gốc chuối cấy mô và hơn 360 gốc dừa xiêm lùn da xanh về trồng xen kẽ. Nhờ nguồn nước tự nhiên dồi dào, vườn chuối phát triển rất tốt, sai quả và đặc biệt giống chuối Ấn Độ trái to, đều, khi chín màu vàng ươm, mùi vị rất thơm ngon. “Tết vừa rồi, giá cả khá cao tới 200.000 đồng/buồng thu trên 30 triệu đồng, còn dừa xiêm thì đang phát triển khá tốt, chừng 2 năm nữa là cho trái chiến” - bà Thắm vui vẻ cho biết thêm.
Đặc biệt hơn là gia đình bà còn có tới 18 ha rừng keo nguyên liệu giấy. Cứ 4-5 năm thu hoạch 1 lần, mỗi lần thu cả trên 1 tỷ đồng. Bà Thắm khiêm tốn “Nếu tính doanh thu từ làm trang trại chăn nuôi (heo và tôm) cây ăn quả, trồng rừng và buôn bán thức ăn cho tôm thì mỗi năm gia đình tôi có tổng doanh thu trên dưới 20 tỷ đồng”.
Chia sẻ về hướng phát triển trong thời gian tới, bà Thắm nói: “Làm cái gì cũng phải quyết chí và tin vào hướng đi của mình cộng thêm thời cơ và một phần may mắn. May mắn gia đình tôi là chọn được nơi làm trang trại có nguồn nước tự nhiên và khí hậu mát mẻ nên đã mang lại thành công bước đầu. Trong thời gian tới, gia đình muốn mở rộng thêm trang trại để nuôi thử nghiệm một số loài đặc sản nước ngọt mới nhưng cái khó là hiện nay diện tích đất đồi không còn nhiều, nhưng chúng tôi sẽ không dừng lại”.