|
Ông Thơm đang chặt bỏ những tán điều kém hiệu quả của gia đình. |
Vốn dĩ là công nhân của Nông lâm trường Phù Cát, năm 2003 nghỉ theo chế độ tinh giảm biên chế. Về địa phương với hai bàn tay trắng, không chịu cảnh khó khăn, ông Nguyễn Văn Thơm luôn trăn trở tìm hướng đi riêng để phát triển kinh tế làm giàu ngay trên quê hương mình. Từ năm 2007, Nhà nước có chủ trương bán những vườn Điều kém hiệu quả, ông đã mạnh dạn vay mượn của anh em bà con để mua 7 ha, cải tạo và chăm sóc vườn Điều.
Sau nhiều năm nỗ lực lao động, vất vả khai hoang vỡ hóa, đất không phụ công người, vợ chồng ông đã thở phào nhẹ nhõm và tự tin trước mô hình kinh tế tổng hợp của mình là trang trại 10 ha đất đồi gồm 7 ha điều, 3 ha cây lâm nghiệp (bạch đàn, keo lai). Rút kinh nghiệm qua thực tiễn sản xuất, đồng thời tích cực tham gia các lớp tập huấn do các cấp Hội Nông dân tổ chức, nên ông đã áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình thâm canh, chăm sóc, thường xuyên cải tạo đất và sử dụng các loại phân bón có hiệu quả nên vườn điều của ông phát triển tốt và sau 5 năm trồng đã bắt đầu ra quả.
Có thu nhập, ông đầu tư mua sắm máy cày, máy phun thuốc, máy bơm nước… để phục vụ cho việc cày xới, bón phân, tỉa cành, tạo tán, tưới nước cho vườn điều. Nhờ đó, vườn điều của ông Thơm luôn sinh trưởng, phát triển tốt và cho năng suất cao hơn so với những vườn điều khác trong vùng. Hiện tại, mỗi ha điều của gia đình ông cho năng suất bình quân trên 2 tấn hạt/năm; với giá bán ổn định 26.000 đồng/kg, mỗi năm với 7 ha điều gia đình ông Thơm thu nhập trên 400 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công thu hoạch ..còn lãi trên 300 triệu đồng.
Với 3 ha cây lâm nghiệp (bạch đàn, keo lai) hằng năm sau khi trừ chi phí cò lãi ròng trên 60 triệu đồng. Không những đem lại cho gia đình nguồn thu nhập đáng kể mà vườn điều, cây lâm nghiệp của ông Thơm còn tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương lúc nông nhàn. Theo đó, mỗi năm đến mùa thu hoạch, vườn điều của ông đã tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 10 -15 lao động trong thời gian 1 tháng, với mức thu nhập 140 nghìn đồng/người/ngày. Ngoài ra, gia đình ông còn tạo công ăn việc làm cho 2 lao động thường xuyên với thu nhập 4,5 triệu đồng/tháng/lao động.
Bên cạnh đó, nhận thấy diện tích đất dưới tán điều rất phù hợp cho việc chăn nuôi, nên ông Thơm đã đầu tư vốn mua bò, dê về thả nuôi nhằm tăng thu nhập. Đồng thời tạo nguồn phân chuồng tại chỗ để bón cho cây điều. Ban đầu, ông thả nuôi 4 con bò cái lai sinh sản và 2 con dê; nhờ nguồn thức ăn dồi dào là cỏ tươi dưới tán điều cộng với nguồn rơm rạ từ sản xuất nông nghiệp và thực hiện tiêm phòng định kỳ nên đàn bò, dê của gia đình ông sinh trưởng tốt và sinh sản đều, số bê và dê con đẻ ra ông để lại nuôi phát triển đàn.
Hiện tại, đàn bò của gia đình ông có 12 con, trong đó có 8 bò cái sinh sản, mỗi năm đẻ từ 6 đến 8 bê con, mỗi bê con sau một năm nuôi có giá bán từ 10 đến 15 triệu đồng; 10 con dê, trong đó có 8 con dê sinh sản. Ngoài ra, ông còn tự chọn và nhân giống thả nuôi 150 con gà ta dưới hình thức nuôi thả dưới tán điều, cho ăn lúa, xác mỳ và thức ăn tự nhiên sẵn có trong vườn điều. Sau khoảng 4,5 tháng nuôi ông xuất bán, mỗi con gà có trọng lượng khoảng 1,8 – 2 kg. Với đặc thù là gà thả vườn, ăn thức ăn tự nhiên nên thịt thơm ngon được thị trường ưa chuộng và luôn có người đặt mua. Vì vậy khác với nuôi gà cho ăn thức ăn công nghiệp giá cả lên xuống bấp bênh thì gà thả nuôi dưới tán điều của gia đình ông Thơm luôn có giá bán ổn định từ 70.000 – 80.000đồng/kg, nhờ đó mỗi lứa gà sau khi trừ chi phí gia đình ông thu lãi trên 20 triệu đồng.
Như vậy, riêng về chăn nuôi, sau khi trừ chi phí bình quân mỗi năm gia đình ông thu lãi trên 140 triệu đồng, cộng với thu nhập từ vườn điều, mỗi năm gia đình ông Thơm thu lãi trên 450 triệu đồng.
Không những làm kinh tế giỏi mà ông Nguyễn Văn Thơm còn rất nhiệt tình giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm đối với những người xung quanh. Đã có rất nhiều người đến trang trại của ông để tham quan, học hỏi. Với vốn hiểu biết và kinh nghiệm của mình, ông luôn sẵn sàng chia sẻ để mọi người học tập áp dụng vào sản xuất, nâng cao hiệu quả và thu nhập cho gia đình. Ông sống rất chan hoà với bà con lối xóm, được mọi người quý mến. Trong nhiều năm liên tục, ông được công nhận là nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh, cấp Trung ương, được chủ tịch UBND tỉnh, các cấp Hội Nông dân tặng nhiều bằng khen, giấy khen.
Ông Hà Văn Khương – Chủ tịch Hội Nông dân xã Cát Trinh cho biết: “không những làm kinh tế giỏi mà ông Thơm còn tham gia tích cực các phong trào do Hội Nông dân xã phát động. Ông là một trong những người đi đầu và thực hiện có hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất giỏi ở địa phương bằng mô hình kinh tế trang trại trồng trọt kết hợp chăn nuôi. Từ mô hình này đã có nhiều hội viên nông dân đến học tập và áp dụng vào sản xuất có hiệu quả. Đây là một mô hình hay và hiệu quả mà Hội Nông dân xã sẽ nhân rộng trong thời gian tới, nhằm giúp hội viên nông dân phát huy được tối đa lợi thế của địa phương và gia đình, tạo việc làm và thu nhập ổn định, để ngày càng có thêm nhiều hơn nữa những tấm gương nông dân sản xuất giỏi như ông Thơm”.