Hội Nông dân tỉnh: Tiếp nối truyền thống vẻ vang của giai cấp Nông dân Việt Nam, quyết tâm thực hiện có hiệu quả ba phong trào lớn của Hội
|
Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Thị Phong Vũ phát biểu tại Hội nghị. |
Dự Hội nghị có các đồng chí Nguyễn Thị Phong Vũ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Nguyễn Thị Đàng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh, Hoàng Hồng Thất, nguyên Quyền Chủ tịch TƯ HND Việt Nam (Khóa I), nguyên cán bộ Nông hội Khu V, Nguyễn Hữu Mai, nguyên Phó Chủ tịch TƯ HND Việt Nam (Khóa IV), lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh.
BBT trích đăng nội dung bài phát biểu của đồng chí Đặng Hoài Tân, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh tại buổi gặp mặt:
Kính thưa các đồng chí, các cô chú và các anh chị!
Kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ, gian khổ bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 07/5/1954, đã buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ ngày 20/7/1954 về chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương, nước ta tạm thời chia cắt thành hai miền với hai chế độ chính trị khác nhau.
Nhưng ngay sau khi Hiệp định được ký kết, Đế quốc Mỹ tiến hành âm mưu kéo dài chiến tranh ở Đông Dương, tìm cách phá họai việc thi hành Hiệp định, chúng đã hất cẳng Pháp và trực tiếp can thiệp gây chiến tranh xâm lược Việt Nam, nhằm tiêu diệt phong trào yêu nước của nhân dân, thôn tính miền Nam, chia cắt lâu dài nước ta, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ.
Đế quốc Mỹ thiết lập ở miền Nam Việt Nam một chế độ độc tài, phát xít, bằng chính sách “tố cộng, diệt cộng” chúng thẳng tay đàn áp, gây ra những vụ tàn sát đẫm máu dã man từ Quảng Trị tới Cà Mau, điển hình như: ở Chợ Được, Đập Vĩnh Trinh (Quảng Nam, ngày 4/9/1954), Chí Thạnh (Phú Yên, ngày 7/9/1954), Mỏ Cày (Bến Tre, ngày 13/9/1954),… giết hại hàng trăm người dân thường tay không tấc sắt và bắt bớ đánh đập dã man hàng nghìn người dân vô tội khác.
Cùng với chiêu bài “tố cộng, diệt cộng” nhằm triệt phá cơ sở cách mạng khắp các địa bàn nông thôn miền Nam, Mỹ - Diệm còn âm mưu phục hồi giai cấp địa chủ, tước đoạt những thành quả ruộng đất mà cách mạng Tháng Tám năm 1945 mang lại cho nông dân; bần cùng hóa nông dân, đưa nông dân trở lại cuộc đời nô lệ cho địa chủ. Chúng thành lập các “khu dinh điền”, “khu trù mật từ Tây Nguyên đến vùng đồng bằng Nam Bộ nhằm bình định nông thôn, khống chế nông dân, thực hiện phương châm “tách cá khỏi nước”. Mặc dù đế quốc Mỹ dùng nhiều thủ đoạn nhưng không ngăn cản được phong trào cách mạng của quân và dân miền Nam, Mỹ - Diệm ra Luật 10 năm 59, lê máy chém khắp nơi. Khủng bố man rợ các phong trào nông dân yêu nước ở miền Nam.
Trước muôn vàn âm mưu đen tối của Mỹ - Diệm, nông dân miền Nam không cam chịu cảnh “cá chậu chim lồng”, không cam chịu làm nô lệ, nhất định vùng lên chống lại các chính sách phản động của Mỹ - Diệm. Các cuộc đấu tranh từ công khai hợp pháp, từ đấu tranh chính trị đến đấu tranh dùng bạo lực diệt địch liên tiếp nổ ra trên khắp miền Nam. Giữa năm 1959, nông dân khắp miền Nam đã vùng lên đập tan từng mảng chính quyền cơ sở của địch, như cuộc nổi dậy của 5.000 nông dân Ra Lai huyện Bác Ái (Ninh Thuận), làng Ông Tía (Quảng Nam), Trà Bồng (Quảng Ngãi), năm 1960 có cuộc Đồng Khởi Bến tre.
Trước yêu cầu thực tế của cách mạng miền Nam, tháng 01/1959, Hội nghị lần thứ 15 BCH Trung ương Đảng đã đề ra nhiệm vụ: Giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc và “người cày có ruộng”, xây dựng nước Việt Nam hòa bình thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Nghị quyết đã xác định đường lối cơ bản của cách mạng miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Phương pháp đấu tranh hợp pháp, nửa hợp pháp, kết hợp chặt chẽ 3 vùng: đô thị, đồng bằng và rừng núi. Trên tinh thần đó, Nghị quyết đề ra phải thành lập một mặt trận rộng rãi ở miền Nam nhằm tập hợp tất cả các lực lượng chống đế quốc, phong kiến và bè lũ tay sai.
Nghị quyết 15 của Đảng ra đời đã thổi bùng lên ngọn lửa cách mạng ở tất cả các địa bàn nông thôn và thành thị, mở ra cao trào Đồng Khởi lịch sử của nông dân miền Nam. Cuối năm 1960, qua hai đợt đồng khởi, quân và dân miền Nam đã cơ bản làm tan rã bộ máy chính quyền của địch ở nông thôn. Trong tổng số 2.627 xã ở miền Nam lúc bấy giờ, nhân dân đã lập chính quyền tự quản ở 1.383 xã (khoảng 50%), số còn lại hầu hết đã bị tê liệt, ở Tây Nguyên, vùng rừng núi và Khu V, ngụy quyền cơ sở nhiều nơi đã bị quét sạch. Dân số vùng giải phóng toàn miền Nam lúc bấy giờ vào khoảng 5.600.000 người. Kế hoạch lập “khu trù mật”, “khu dinh điền” của địch đã bị phá sản, chính sách “cải cách điền địa” của địch bị thất bại thảm hại, 2/3 ruộng đất của nông dân bị Mỹ - Diệm cướp đoạt đã trở về tay nông dân. Uy thế của cách mạng lúc này được củng cố và nâng cao.
Thắng lợi của phong trào Đồng Khởi toàn miền Nam, thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 BCH Trung ương Đảng, ngày 20/12/1960 Đại hội Đại biểu Quốc dân miền Nam đã họp tại căn cứ Bắc Tây Ninh ra tuyên bố thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Và từ đây dưới sự lãnh đạo của Đảng và ngọn cờ của Mặt trận dân tộc Giải phóng, ngày 21/4/1961, Hội Nông dân Giải phóng miền Nam chính thức ra đời và trở thành thành viên của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Ngay sau khi ra đời, Hội đã tuyên bố tán thành nội dung Tuyên ngôn và Chương trình hành động 10 điểm của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam nhằm thực hiện các mục tiêu giải phóng dân tộc, hòa bình, thống nhất đất nước và thực hiện các quyền dân sinh, dân chủ. Đồng thời, Hội nhấn mạnh trách nhiệm của nông dân miền Nam trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước và tin tưởng vững chắc vào thắng lợi cuối cùng là thống nhất đất nước.
Qua phong trào Đồng Khởi của nông dân (1959 - 1960), tổ chức Hội đã phát triển nhanh chóng, Nông Hội đã đóng vai trò nòng cốt trong sản xuất, chiến đấu và trên các mặt trận đấu tranh khác. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Trung ương cục miền Nam và Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam; những cán bộ chiến sĩ Hội Nông dân giải phóng đã vượt qua muôn ngàn gian khổ, không sợ hy sinh, quyết bám địa bàn, Hội đã vận động nông dân vùng lên chống lại địch với khẩu hiệu “Một tấc không đi, một ly không rời” và tiến hành đốt phá “ấp chiến lược” tự giải phóng nông thôn, thành lập chính quyền tự quản, tham gia kháng chiến, kết hợp với lực lượng vũ trang cách mạng bằng những đòn tấn công mạnh mẽ và chiến thắng vang dội như: Ấp Bắc - Ba Gia - Bình Giã - Đồng Xoài đã làm cho kế họach “bình định” của địch bị phá sản, chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ bị thất bại, đại bộ phận nông thôn đã được giải phóng.
Từ năm 1965, sau khi chiến lược “chiến tranh đặc biệt’’ bị thất bại thảm hại. Đế quốc Mỹ chuyển sang áp dụng chiến lược “chiến tranh cục bộ” huy động ồ ạt quân viễn chinh trực tiếp đổ vào xâm lược, đánh phá miền Nam Việt Nam mà đỉnh cao vào thời kỳ 1968 - 1969. Do địch đàn áp quá ác liệt, Hội Nông dân Giải phóng miền Nam lúc bấy giờ gặp không ít khó khăn về tổ chức cũng như sinh hoạt. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, chỉ sau một thời gian ngắn, tình hình dần đi vào ổn định, cơ sở Hội và hội viên tiếp tục được củng cố và phát triển, các đoàn thể chính trị khác như: phụ nữ, thanh niên, hoa vận, số hội viên cũng không ngừng tăng lên. Phong trào huy động nông dân đi dân công hỏa tuyến, tiếp lương, tải đạn phục vụ chiến đấu, đấu tranh 3 mũi giáp công (chính trị, binh vận, vũ trang) từng bước phát triển vững chắc, vừa đảm bảo công tác kháng chiến vừa phát triển lực lượng của Hội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng mới.
Tháng 01/1965, Đại hội lần thứ nhất của Hội Nông dân Giải phóng miền Nam Việt Nam khai mạc. Đại hội đã đánh giá tình hình họat động của Hội từ khi ra đời và quán triệt yêu cầu nhiệm vụ mới của nông dân trong đấu tranh chống kế hoạch bình định nông thôn của ngụy quyền Sài Gòn nhằm “gom dân” lập ấp chiến lược. Đại hội đã biểu dương những thành tích to lớn của nông dân miền Nam trong việc phát triển thế trận chiến tranh nhân dân và du kích, đánh địch bảo vệ vùng giải phóng, vùng căn cứ cách mạng và là lực lượng chủ yếu trên mặt trận sản xuất, bảo đảm đời sống và cung cấp hậu cần cho bộ đội tiền phương đánh giặc.
Thực hiện chủ trương chuyển hướng của Đảng, lấy địa bàn nông thôn làm hướng tiến công chính, đánh mạnh vào kế hoạch bình định cấp tốc của địch, giữ đất, giành dân, Hội Nông dân Giải phóng Miền Nam Việt Nam đã chủ động giáo dục hội viên, nông dân khắc phục tư tưởng nôn nóng muốn thắng nhanh, đồng thời vạch rõ nhiệm vụ quan trọng nhất ở nông thôn là phải giành dân, lấn đất, phát triển thế lực của ta, đánh địch bằng 2 chân, 3 mũi giáp công, Hội vận động nông dân liên tục nổi dậy mở thêm nhiều vùng, lõm giải phóng, nối các vùng giải phóng thành thế liên hoàn nhiều xã, nhiều huyện, cuối năm 1967 ta đã bẻ gãy và làm thất bại kế họach mùa khô lần thứ II với 5 mũi tên xanh, và 2 gọng kìm của Mỹ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và ngọn cờ của Mặt trận dân tộc Giải phóng, trong chiến dịch mùa Xuân Mậu Thân năm 1968, hàng triệu nông dân ở các vùng nông thôn đã được huy động xuống đường tham gia bao vây, tiến công giải phóng đô thị, góp phần to lớn vào những thắng lợi của chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968.
Tháng 01/1969, với khí thế sôi nổi liên tục tiến công và nổi dậy của quân và dân ta, Đại hội Đại biểu Hội Nông dân Giải phóng miền Nam lần thứ II đã họp có hơn 100 đại biểu nông dân các địa phương trên toàn miền Nam về dự. Đại hội đã đánh giá sát đúng kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ nhất và thảo luận xác định nhiệm vụ trong thời gian tới; nghe các báo cáo chuyên đề về công tác chính trị tư tưởng, công tác tổ chức xây dựng Hội, kết quả thi hành chính sách ruộng đất của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, về công tác lãnh đạo sản xuất nông nghiệp, về phong trào vần công, đổi công trong nông dân…
Từ nhiệm vụ Đại hội II, Hội Nông dân Giải Phóng Miền Nam đề ra, Hội Nông dân các cấp trong toàn Miền đã lãnh đạo Nông dân liên tiếp nổi dậy phá ách kìm kẹp của địch, mở rộng vùng giải phóng, góp phần quan trọng làm chuyển biến cục diện chiến tranh, tiến tới tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử ngày 30/4/1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Nam Bắc sum họp một nhà.
Kính thưa các đồng chí, thưa Hội nghị!
Trong dòng lịch sử của đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam và Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Hội Nông dân Giải phóng miền Trung - Tây Nguyên ra đời tháng 4/1961, tại căn cứ Nước Oa, Trà My, tỉnh Quảng Nam, xã điểm ranh giới chung của 3 tỉnh: Quảng Ngãi, Kom Tum, Quảng Nam. Hội là công cụ đắc lực của Đảng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam trên địa bàn từ vĩ tuyến 17 đến Bình Thuận bao gồm các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Hội luôn giữ vai trò nòng cốt trong việc vận động và tổ chức các phong trào hành động cách mạng của nhân dân các dân tộc miền Trung - Tây Nguyên góp phần xây dựng tổ chức của nông dân miền Trung - Tây Nguyên vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đưa phong trào nông dân trở thành đội quân chủ lực (Nông hội - Xã đội - An ninh) ở địa bàn miền núi, nông thôn cùng với toàn quân, toàn dân ta viết nên những trang sử oai hùng, tô đậm thêm truyền thống trung dũng, kiên cường, nồng nàn yêu nước của dân tộc Việt Nam.
Qua 14 năm thành lập và phát triển, phục vụ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Khu ủy V (miền Trung Tây Nguyên), Hội Nông dân Giải phóng miền Trung - Tây Nguyên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử của mình. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tất cả các cán bộ chiến sĩ Nông hội Khu V tiếp tục cống hiến sức lực của mình cho giai đoạn cách mạng mới, xây dựng quê hương giàu đẹp. Nhiều đồng chí được Đảng giao giữ nhiều trọng trách quan trọng ở Trung ương cũng như các địa phương.
Hôm nay, trong cuộc gặp mặt này chúng ta cùng ôn lại một thời đã qua đầy oanh liệt của một tổ chức giai cấp nông dân Việt Nam, của những người chiến sỹ cách mạng là cựu lãnh đạo cán bộ Nông hội Khu V, với niềm tin và đầy tự hào. Kế thừa truyền thống ấy, thế hệ cán bộ Hội Nông dân hôm nay xin được trân trọng tiếp thu tất cả những gì quý báu nhất, tinh thần dũng cảm, gan dạ, sáng tạo, quật khởi quyết thắng…, các kinh nghiệm của các đồng chí, anh, chị trong công cuộc đấu tranh gian khổ đánh đuổi quân thù, ngoại xâm thống nhất đất nước.
Xin hứa với các đồng chí, các anh, chị, thế hệ lãnh đạo cán bộ Hội hôm nay sẽ tiếp tục giữ vững khối đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong thời kỳ mới hội nhập, mở cửa; xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của Đảng, Nhà nước góp phần tăng cường khối liên minh công nông - trí thức và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trước hết, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Nghị quyết của Hội góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 26- TW Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Kết luận 61-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020”, Quyết định 673-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011 - 2020; tổ chức có hiệu quả 3 phong trào thi đua yếu nước của Hội, hướng mọi hoạt động của hội viên, nông dân vào phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng ở địa phương; tích cực tham gia công tác giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền theo Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị; chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, bức xúc của hội viên, nông dân để chủ động tham mưu cho Đảng, chính quyền thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Thực hiện có hiệu quả 3 nhiệm vụ trọng tâm của Hội
Thưa các đồng chí, thưa hội nghị!
Hôm nay, trong khuôn khổ buổi gặp mặt truyền thống, xin nêu một số vấn đề mà thế hệ hôm nay đã đang và sẽ làm với quyết tâm cao, xứng đáng tiếp nối truyền thống của thế hệ đi trước, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước giao phó.
Cuối cùng, thay mặt Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Bình Định, trân trọng cảm ơn sự chỉ đạo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, sự cho phép tạo điều kiện của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh.
Một lần nữa xin kính chúc tất cả các cô, chú nguyên lãnh đạo Nông hội Khu V, các đồng chí đại biểu dồi dào sức khỏe, hạnh phúc! Xin trân trọng cảm ơn!
Một số hình ảnh tại Hội nghị:
|
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đặng Hoài Tân phát biểu ôn lại truyền thống vẻ vang của giai cấp nông dân Việt Nam tại Hội nghị. |
|
Đồng chí Nguyễn Hồng Thất, nguyên Quyền Chủ tịch Trung ương Hội NDVN (Khóa I), nguyên cán bộ Nông hội Khu V phát biểu tại Hội nghị. |
|
Đồng chí Nguyễn Hữu Mai, nguyên Phó Chủ tịch Trung ương Hội NDVN gửi gắm những tâm tư, nguyện vọng của thế hệ cha anh đến với thế hệ trẻ đang làm công tác Hội. |
|
Trước đó, đoàn đại biểu dâng hương tưởng nhớ công đức 3 anh em nhà Tây Sơn. |
|
Các cán bộ Nông hội Khu V chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo Hội ND các tỉnh tham dự Hội nghị. |