|
Thông qua kết nối của Báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt, ông Thắng, chủ trang trại xã Đỗ Nhân, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc đã bán được hơn 300 con lợn cho Công ty Lebio. Ảnh: Nguyễn Lê
|
Thay mặt Thường trực T.Ư Hội NDVN, Phó Chủ tịch Lương Quốc Đoàn cũng đề nghị, Hội ND các tỉnh, thành phố, nhất là ở những địa phương trọng điểm về nuôi lợn tích cực kết nối với các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, nhà máy hỗ trợ nông dân tiêu thụ lợn nuôi...
Ông đánh giá thế nào về những hoạt động kêu gọi, kết nối “ứng cứu” hỗ trợ nông dân nuôi lợn được phát đi trong gần 2 tuần qua?
-Ngay hôm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn họp khẩn với đại diện các bộ, ngành, địa phương thảo luận, bàn về tiêu thụ thịt lợn, thay mặt Thường trực T.Ư Hội NDVN, tôi đã có ý kiến phát biểu tham gia đề xuất các kiến nghị, giải pháp nhằm “cứu” nông dân nuôi lợn. Chính phủ, các bộ, ngành T.Ư, địa phương đã tích cực kêu gọi, kết nối việc tiêu thụ thịt lợn. Thường trực T.Ư Hội NDVN đã yêu cầu Hội ND các tỉnh, thành phố chủ động, tích cực tham gia kết nối với các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, nhà máy nhằm tăng tiêu thụ lợn nuôi của nông dân…
Trong 2 tuần qua, báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt được đánh giá là cơ quan truyền thông đầu tiên, đi đầu trong việc kêu gọi “giải cứu” người chăn nuôi lợn. Ông đánh giá hoạt động này như thế nào?
-Thường trực T.Ư Hội NDVN ghi nhận, đánh giá cao việc Báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt là đơn vị tiên phong, chủ động, sáng tạo trong việc kết nối giữa các chủ trang trại, gia trại với các doanh nghiệp, đơn vị nhận tiêu thụ lợn nuôi. Có thể hiệu quả chưa cao, nhưng việc làm này của báo là hành động thiết thực, cấp thiết, đánh động được sự quan tâm của dư luận, của toàn xã hội trong việc “ứng cứu” người chăn nuôi. Thông qua đó, mỗi 1 cá nhân, tổ chức quan tâm, tăng thêm phần tiêu thụ thịt lợn cũng động viên người chăn nuôi vượt qua thời kỳ khó khăn này…
Thường trực T.Ư Hội NDVN đề nghị, báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt tiếp tục nỗ lực, cố gắng cùng với các đơn vị, doanh nghiệp, Hội ND các tỉnh, thành phố trong việc kêu gọi tăng cường tiêu thụ lợn nuôi cho nông dân...
Theo ông, tình trạng khó khăn, cùng cực của người nuôi lợn hiện nay có ảnh hưởng đến chất lượng phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu bền vững” của Hội?
-Rõ ràng, “cơn bão giá lợn” thấp kỷ lục hiện nay đã “càn quét” đi rất nhiều công sức, thành quả lao động, sản xuất của các chủ trang trại, gia trại, của nhiều hộ nông dân chăn nuôi lợn. Chắc chắn, sau đợt này, nhiều nông dân nuôi lợn sẽ lâm vào cảnh nợ nần, trắng tay, buộc phải dừng sản xuất hoặc chuyển nghề. Điều này cũng dễ hiểu khi phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” thiếu vắng thành tích của những hộ chăn nuôi lợn. Những hộ khó khăn như vậy rất cần nhận được sự động viên, quan tâm, thăm hỏi cũng như đề xuất, kiến nghị các giải pháp hỗ trợ của nhà nước từ phía Hội NDVN…
Về lâu dài, để hạn chế những cuộc khủng hoảng như giá lợn hiện nay, theo ông cần phải làm gì?
-Trong không khí khẩn trương của hội nhập, cách đây nhiều năm, ngành chăn nuôi lợn Việt Nam đã được cảnh báo là sẽ phải đối mặt với cạnh tranh khốc liệt, thua ngay trên sân nhà bởi từ con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, máy móc, vật liệu chuồng trại hầu như phải nhập từ nước ngoài. Cơ sở, trang thiết bị cho giết mổ, sơ chế, cấp đông, tạm trữ thịt lợn hầu như chưa có gì. Các ngành có liên quan chưa đưa ra cảnh báo đủ mạnh, tái cơ cấu ngành chăn nuôi lợn chưa lường được sự dư cung. Chưa tìm hiểu và đưa ra cảnh báo, khuyến cáo đủ mạnh về sự phức tạp, bấp bênh của thị trường Trung Quốc, tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới về thịt lợn.
Hai hạn chế này cũng là 2 nguyên nhân chính dẫn tới khủng hoảng giá lợn hiện nay. Vì vậy, về lâu dài các ngành có liên quan nhất là ngành nông nghiệp, ngành công thương phải phối hợp để giải quyết những bất hợp lý đã lộ rõ trong khủng hoảng giá lợn hiện nay.
Thưa ông, mấy hôm nay đã xuất hiện ý kiến cho rằng việc kêu gọi “giải cứu” lợn nuôi chỉ là giải quyết “cái ngọn” của vấn đề?
-Cái gốc hay cái ngọn của vấn đề khủng hoảng giá lợn hiện nay ở đâu sau này sẽ làm rõ hơn và cần phải làm rõ. Vấn đề cấp thiết hiện nay là cả xã hội cùng xúm tay vào giúp nông dân nuôi lợn. Mỗi người, mỗi đơn vị, doanh nghiệp tùy khả năng, điều kiện nên thể hiện 1 hành động hỗ trợ, động viên nông dân nuôi lợn. Và báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt là 1 trong những đơn vị đi đầu làm được điều này…
Xin cảm ơn Phó Chủ tịch!