|
Nuôi cá lồng tại hồ chứa Định Bình, huyện Vĩnh Thạnh. |
Khi nắng nóng trong thời gian dài làm các loại tảo phát triển mạnh làm giảm lượng ôxy và tăng lượng khí độc trong nước (NH3 , H2S, CO2 …) do quá trình phân hủy các chất hữu cơ ở đáy diễn ra mạnh; đồng thời là điều kiện cho các loại vi khuẩn, vi rút gây bệnh cho cá phát triển. Để giảm thiệt hại hiện tượng cá chết do nắng nóng, hộ nuôi trồng thủy sản cần thực hiện các biện pháp kỹ thuật sau:
1. Quản lý ao, lồng nuôi
- Che phủ một phần diện tích nuôi để làm chỗ trú ẩn, tránh nắng nóng cho cá (bèo tây, lưới đen,...) khi nắng nóng kéo dài. Đối với nuôi ao, chủ động nâng và giữ mức nước ở mức cao từ 1,5m trở lên; ở mức nước này nhiệt độ ít bị dao động lớn và hạn chế được phân tầng nước.
- Sử dụng các thiết bị làm giàu ô xy như máy quạt nước, máy sủi khí, máy phun, máy bơm … đặc biệt là vào ban đêm từ 22h đêm đến 4h sáng để tăng ô xy hòa tan và đảo nước. Mục đích nhằm tăng cường hàm lượng oxy hoà tan, đặc biệt là tầng đáy, tạo điều kiện cho vi sinh vật hiếu khí phát triển sẽ làm giảm thiểu lượng khí độc trong ao. Sục khí mạnh cũng sẽ làm các khí độc thoát ra, đồng thời gom các chất thải vào một nơi nhất định, si phông đáy.
- Vệ sinh môi trường nuôi: Đối với nuôi ao, định kỳ 7 – 10 ngày dùng vôi bột hòa nước té khắp mặt ao với lượng 2 – 3kg/100m3 tùy theo pH nước để khử trùng nước ao, tiêu diệt mầm bệnh. Tuyệt đối không đưa phân chuồng trực tiếp xuống ao, nếu sử dụng phân hữu cơ trong ao nuôi phải được ủ hoai, ủ với vôi lượng 2 – 3% vôi cho 100kg phân ủ phân một tháng sau đó bón xuống ao để tránh mầm bệnh. Đối với lồng nuôi cá, hàng tuần phải vệ sinh trong và ngoài lồng để cho nước lưu thông. Trong lồng nuôi cá thường xuyên treo túi vôi với liều lượng 2 - 4kg/10m3 lồng, hoặc thuốc tím (KMnO4) nồng độ 2 -5gr/m3 hay Benzalkonium Chloride (BKC) nồng độ từ 0,1 - 0,5 gr/m3 để oxy hoá các khí độc (H2S, NH3) thành các vật chất đơn giản không độc. Nên sử dụng các loại hóa chất xử lý môi trường hoặc dùng chế phẩm sinh học làm sạch nước để cải thiện môi trường nuôi, nhưng phải tìm hiểu rõ nguồn gốc, tác dụng và cách sử dụng.
2. Tăng cường sức đề kháng cho cá
- Chủ động giảm mật độ nuôi phù hợp với điều kiện môi trường nuôi và khả năng quản lý chăm sóc;
- Đánh giá đúng số lượng cá trong ao để có chế độ cho ăn hợp lý: vào những ngày nắng nóng trên 35oC chủ động giảm lượng thức ăn xuống còn 60-70% so với bình thường, cần tăng cường cho cá ăn các loại thức ăn có chất lượng; bổ sung từ 3 – 5 gam Vitamin C/1kg thức ăn trộn đều vào thức ăn cho cá ăn để tăng sức đề kháng; phòng bệnh cho cá bằng cách xay tỏi trộn vào thức ăn, liều lượng 1kg tỏi/ 1 tạ cá, 15 ngày cho ăn 1 lần, hoặc dùng một số loại thuốc có nguồn gốc thảo dược khác. Cho cá ăn vào thời điểm mát mẻ trong ngày, loại bỏ hết thức ăn thừa, cành, lá cây, xác cá chết và súc vật chết...ra khỏi ao nuôi;
- Hạn chế đánh bắt, san thưa, vận chuyển, thả giống vào thời điểm nắng nóng trong ngày.
- Những ao nuôi cá đã đạt cỡ thu hoạch cần chủ động thu tỉa để giảm mật độ nuôi hoặc thu toàn bộ vào thời điểm thích hợp. Đối với nuôi lồng bè, cần thường xuyên kiểm tra các thông số môi trường, phải đảm bảo các yếu tố sau: nhiệt độ thích hợp từ 26 – 280C; pH 6,5 – 7,5;oxy hoà tan > 3 mg/lít; trong trường hợp bất lợi, cần có biện pháp di chuyển lồng bè đến nơi thích hợp.