Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Hoài Nhơn: Chung tay góp sức xóa đói, giảm nghèo
Để đồng vốn đến tay hộ nghèo đạt hiệu quả cao, cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Hoài Nhơn đã khắc phục những điều kiện khó khăn, chủ động triển khai cho vay theo từng địa bàn, tích cực phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện ủy thác vay vốn như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên để người dân tiếp cận với nguồn vốn dễ dàng hơn. Có được đồng vốn đã khó, nhưng để đồng vốn sinh lời càng khó hơn, nhất là với hộ nghèo, hộ sản xuất - kinh doanh tại vùng khó khăn, hộ chưa có việc làm ổn định…
Vì vậy, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện không chỉ đơn thuần làm giải ngân cho vay, mà còn tư vấn, hỗ trợ người nghèo sao cho sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả. Cùng với đó, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện tổ chức phổ biến, hướng dẫn các hộ vay vốn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, tìm mô hình làm ăn phù hợp để bà con học tập, áp dụng để phát huy hiệu quả nguồn vốn, nâng cao thu nhập cho các hộ dân.
Căn cứ xác nhận đối tượng vay từ UBND các xã, thị trấn, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện đã thực hiện giải ngân vốn vay kịp thời để bà con đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Tính đến hết Quý II năm 2017, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội thực hiện cho vay 12 chương trình tín dụng với tổng dư nợ hơn 84.670 triệu đồng, tăng 11.074 triệu đồng, tăng 15,05% so với cùng kỳ năm 2016. Tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng đế 30/6/2017 hơn 372 tỷ đồng, đạt 99,19% chỉ tiêu kế hoạch, tăng trưởng 33.678 triệu đồng.
Để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Hoài Nhơn đã mở 17 điểm giao dịch/17 xã , thị trấn với 294 tổ tiết kiệm và vay vốn tại các thôn, khối trong toàn huyện. Cách làm này tạo thuận lợi rất lớn trong việc đáp ứng nhu cầu vay vốn của các hộ gia đình khó khăn, hộ không có điều kiện tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng thương mại, nhờ vậy đã góp phần tích cực trong công tác xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn.
Từ nguồn vốn vay của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, những năm qua, gia đình anh Lê Xuân Diễn, 37 tuổi, chủ cơ sở cơ khí Gia Long ở xã Hoài Châu Bắc. Khởi nghiệp từ vốn vay NHCSXH, năm 2013, anh vay vốn từ chương trình Giải quyết việc làm với số tiền 150 triệu đồng, anh mạnh dạn đầu tư mua máy móc, chế tạo ra dây chuyền sản xuất xe rùa. Đến nay, cơ sở cơ khí của anh có 5 công nhân làm việc thường xuyên và thu nhập ổn định trên 4 triệu đồng/tháng. Anh Diễn cho biết: Mỗi ngày anh cho xuất xưởng hơn 40 chiếc xe rùa. Giá mỗi chiếc xe hiện tại dao động từ 300 đến 450 ngàn đồng/chiếc thì mỗi ngày doanh thu của cơ sở cơ khí này lên đến trên 15 triệu đồng, bình quân thu nhập hàng tháng tháng từ 300-400 triệu đồng. “Thành quả ngày hôm nay khởi nguồn từ nhiều nỗ lực của bản thân và những hỗ trợ kịp thời về vốn từ NHCSXH cho người dân có hoàn cảnh khó khăn như tôi”, anh Diễn bày tỏ.
Hay như gia đình chị Nguyễn Thị Thắm, ở thôn Xuân Vinh, xã Hoài Nhơn được sự giúp đỡ của chính quyền, đoàn thể ở địa phương, cùng sự quyết tâm cao, dám nghĩ dám làm, chị đã mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để đầu tư xây dựng mô hình trang trại tổng hợp nuôi heo, tôm, trồng trọt kết hợp với buôn bán thức ăn thủy đạt tổng doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Bà Thắm chia sẻ thêm: “Nếu nuôi 600 con heo thịt/lứa, tôi cho ăn bằng máng ăn tự động nên rất ít tốn nhân công, chỉ cần 2 người. 1 con heo lúc mới bắt về nuôi khoảng 20 kg thì cho ăn 1 ngày 1kg bột, 1 chuồng 40 con thì cho vào 40 kg thức ăn. Sáng hôm sau rồi mới đổ tiếp và tăng dần lên theo độ tuổi, không để thức ăn dư thừa, gây lãng phí”. Bà nhẩm tính, bình quân, mỗi năm trang trại heo của gia đình bà bán ra khoảng 1.200 con heo thịt, doanh thu xấp xỉ 6 tỷ đồng.
Đặc biệt hơn là gia đình bà còn có tới 18 ha rừng keo nguyên liệu giấy. Cứ 4-5 năm thu hoạch 1 lần, mỗi lần thu cả trên 1 tỷ đồng. Bà Thắm khiêm tốn “Nếu tính doanh thu từ làm trang trại chăn nuôi heo và tôm cây ăn quả, trồng rừng và buôn bán thức ăn cho tôm thì mỗi năm gia đình tôi có tổng doanh thu trên dưới 20 tỷ đồng”.
Có thể nói, nhờ nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cùng với sự đầu tư đúng hướng, các hộ dân đã phát huy triệt để nguồn vốn để đầu tư vào các mô hình kinh tế và hoạt động sản xuất, kinh doanh... góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động nông thôn, giúp nhiều hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, cuộc sống bước đầu ổn định. Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Hoài Nhơn đã trở thành địa chỉ đáng tin cậy của hộ nghèo trong huyện, góp phần tích cực trong việc đổi thay bộ mặt nông nghiệp, nông thôn.
Giám đốc NHCSXH huyện Hoài Nhơn Đặng Thị Hương cho biết: “Kinh tế tại địa phương chủ yếu vẫn xoay quanh các hoạt động nông nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt, làm chiếu cói. Luôn xác định nhiệm vụ trọng tâm là “đồng hành với người nghèo trên mặt trận giảm nghèo nên ngân hàng xây dựng kế hoạch, chủ động triển khai hoạt động đưa đồng vốn đến từng hộ gia đình nông thôn. Tính đến nay, đã có gần 21 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH với dư nợ đạt gần 337 tỷ đồng. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp 1.922 hộ thoát nghèo, 1.789 hộ thoát cận nghèo, thu hút, tạo việc làm cho trên 1.000 lao động; giúp 6.800 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng 6.123 công trình nước sạch, vệ sinh ở nông thôn, 400 căn nhà cho hộ nghèo...
Với trọng trách khởi nghiệp cùng người nghèo, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Hoài Nhơn đang tăng cường nguồn vốn cho vay để người nghèo có thêm cơ hội tiếp cận với nguồn vốn chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ, phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch chỉ tiêu tín dụng được giao trong những tháng cuối năm./.