|
Bánh ít lá gai - sản phẩm đặc trưng của người dân Bình Định. |
lòng thơm thảo “của ít lòng nhiều” gửi cho những người ở nhà và trong phong tục cưới hỏi, mâm quả “hồi dâu” cũng không thể thiếu bánh ít lá gai thể hiện sự đảm đang khéo léo của người phụ nữ trở thành một nét đẹp đặc trưng trong văn hóa ẩm thực Bình Định.
BÁNH ÍT LÁ GAI
Ẩn sau lớp lá mộc mạc giản dị, mỗi chiếc bánh khi ra lò phải hội đủ độ mềm mịn, ngon ngọt, mang hương vị đặc trưng của miền đất võ Bình Định và không đâu có được khi thưởng thức món ngon “bánh ít lá gai” còn tặng thêm câu ca dao:
“Muốn ăn bánh ít lá gai
Lấy chồng Bình Định sợ dài đường đi”
Người con gái trong câu ca dao với tính cách mạnh mẽ, bộc trực đi thẳng vào vấn đề muốn được ăn “bánh ít lá gai” và cũng muốn “lấy chồng Bình Định” làm dâu xứ “Nẫu”, song đi liền là nỗi niềm trăn trở “sợ dài đường đi” với người thương Bình Định, dường như trở thành sợi dây vô hình cách trở đồng thời cũng làm nên một Bình Định huyền ảo nhưng cũng rất đỗi gần gũi thân thương.
Tìm về cội nguồn xuất xứ, có lẽ chiếc “bánh ít lá gai” trong hành trang của cha ông đi mở cõi chính là bản sao đầy tính sáng tạo từ những chiếc “bánh gai” ở vùng đồng bằng Bắc Bộ: bánh gai Hải Dương, bánh gai làng Mía – Thọ Xuân – Thanh Hóa mà ngày trước là món bánh đặc sản tiến vua...
“Bánh gai” và “bánh ít lá gai” có điểm chung đều sử dụng “lá gai” đóng vai trò chủ đạo và đồng điệu trong cách chế biến. Nhưng điểm khác biệt “bánh ít lá gai” Bình Định thể hiện trong cách làm nhân bánh ngoài nhân đậu xanh còn có thêm nhân dừa mài thành sợi beo béo hòa quyện với đường cát ngọt thanh đầu lưỡi cùng, trong cách tạo hình “bánh ít” cho ta liên tưởng mối liên hệ giao thoa thẩm mĩ, văn hóa, kiến trúc Chămpa gợi tả đến những ngôi tháp Chàm mang đường nét hình khối hài hòa trầm mặc bao đời và còn đó một tháp Chàm - Bánh Ít đã đi vào trong ca dao.
“Tháp Bánh Ít đứng sít cầu Bà Di
Sông xanh núi cũng xanh rì…”
Lý giải tên gọi “Bánh Ít” có nhiều truyền thuyết, trong đó có tích Nàng Út, nàng là con gái út của vua Hùng Vương thứ 18, sau cuộc thi tài phần thắng thuộc về Lang Liêu với phần bánh ngon và mang đầy ý nghĩa bánh chưng, bánh dày. Nàng Út cũng đã trổ tài nghệ khéo léo của mình làm nên những chiếc bánh nho nhỏ tỏ ý khiêm nhường thứ bậc Út Ít của mình trước các anh chị và cách làm bánh, cách gọi tên cũng được đơn giản hóa bằng chính tên của nàng Út, Ít được lưu truyền trong dân gian và để phân biệt với bánh chàng Lang Liêu để rồi từ đó theo thời gian bánh Út ngày nào đã được rút gọn là Bánh Ít như ngày hôm nay.
Với suy nghĩ của cá nhân, phải chăng đầu tiên bánh vẫn là “bánh gai” như bao loại “bánh gai” khác, nhưng cách gói “nho nhỏ, ít ít” gói trọn tấm lòng mộc mạc, thơm thảo phù hợp cách suy nghĩ “của ít lòng nhiều” trân trọng trong cách ứng xử ân tình giữa người với người đã tạo nên tên gọi riêng “bánh ít + bánh lá gai = bánh ít lá gai”?.
Ở góc độ lịch sử, địa danh “Bình Định” được định hình vào năm 1832 dưới triều vua Minh Mạng – nhà Nguyễn trên một cõi đất nước thống nhất. Vùng đất Bình Định này trước kia thuộc Chămpa với cương vực buổi đầu lấy dãy Hoành Sơn phân chia với Đại Việt (nay là ranh giới tự nhiên giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình). Năm 1069 biên giới Đại Việt – Chămpa có sự thay đổi sau sự kiện Chế Củ cắt ba vùng Bố Chính, Địa Lý, Ma Linh cho Đại Việt để được thả về nước. Đại Việt mở rộng ra vùng Quảng Bình và Bắc Quảng Trị ngày nay.
Tiếp nối tiến trình Nam tiến của dân tộc, tìm lại trong lịch sử nước nhà, có lẽ người con gái Việt đầu tiên đặt chân tới Bình Định(Đồ Bàn - Vijaya) là Công chúa Huyền Trân khi đó nàng về Đồ Bàn làm vợ vua Chế Mân(Jaya Sinhavacman) năm1307 dưới triều vua Trần Anh Tông, sính lễ cưới nàng hai châu Ô, Lý, đi liền là mở rộng phần đất Đại Việt đến sông Thu Bồn(Quảng Nam ngày nay).
Đối với Công chúa Huyền Trân nỗi “sợ dài đường đi” chỉ là dặm dài địa lý hiện thực mệt nhọc thể xác nhưng không sợ bằng những lời thị phi đeo đẳng theo suốt dặm dài của lịch sử.
“Tiếc thay cây quế giữa rừng
Để cho thằng Mán, thằng Mường nó leo”
Và món nợ ân tình của chàng trai đất Việt đã trót mang lòng yêu nàng, Huyền Trân “Nước non ngàn dặm ra đi” - “sợ” không còn cơ hội đáp từ.
ĐÁM CƯỚI HUYỀN TRÂN
Nghe đồn vua xứ Chà Bàn
Dâng miền Ô, Lý rước nàng vu quy
Tôi mang rượu đến biên thùy
Hắt lên mây trắng biệt ly cả cười
Thân không tấc đất cắm dùi
Bể sông thi phú trăng trời phong sương
Cắn răng nhường bậc đế vương
Gươm cùn vứt xuống vệ đường nhân duyên…
Rồi hy vọng: “Binh nhung ruổi chốn lưu đày tìm nhau” (Thơ Nguyễn Thanh Mừng)
Năm 1471 Lê Thánh Tông tiến quân đánh Đồ Bàn – Vijaya(Bình Định) đặt phủ Hoài Nhơn thuộc Quảng Nam thừa tuyên, biên giới Đại Việt kéo dài tới Cù Mông mới thấy được vào đến Bình Định gian nan đến nhường nào! và nỗi niềm trăn trở của người con gái “Lấy chồng Bình Định sợ dài đường đi” là có cơ sở, xem ra cũng là lẽ thường tình, khi người con trai kia còn không đủ can đảm đứng trước sự ngăn cách địa lý.
Sợ Truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang”
Rồi tiếp nối sự chia cắt đất nước Đàng Trong – Đàng Ngoài trên hai trăm năm
“Lũy Thầy ai đắp mà cao
Sông Gianh ai đắp ai đào mà sâu”
Sau hơn 500 năm(1307 – 1832), nỗi niềm đã được giải tỏa chính vì yêu người đồng thời chuộng món “bánh ít” mà có giai thoại người con gái Huế “lấy chồng Bình Định” chẳng quảng ngại “sợ truông cát nóng, sợ đèo đá dăm”, địa lý cách trở “sợ dài đường đi” đã về làm dâu Bình Định và chốn biên viễn “lưu đày tìm nhau” ngày xưa ấy đã chìm vào giấc mộng đẹp nhường lại cho một Bình Định - thành phố Quy Nhơn năng động hiện đại căng tràn sức sống.
Muốn ăn bánh ít lá gai
Lấy chồng Bình Định đường dài cũng đi…
Yêu anh em chẳng ngại ngùng chi
Hoài Nhơn, An Lão, Phù Ly cũng gần...
Mời bạn đến thăm Bình Định thân thương, trải lòng khi thưởng thức món “Bánh Ít lá gai” mang đậm dấu ấn hồn quê mộc mạc mà không khỏi bùi ngùi xúc động nhớ tới người xưa./.