Chúng tôi mới hiểu được nguyên nhân tại sao bà con ngư dân lại không chú trọng đến việc trang bị dụng cụ phòng và chữa cháy trên tàu. Với quan niệm của họ, việc để các áo phao hay bình chữa cháy trên tàu thường không mang lại “may mắn”; nên hầu như các phương tiện như bình cứu hỏa, cho tới việc bảo đảm phòng chống cháy nổ đối với động cơ, nhiên liệu đều không được ngư dân chú ý. Chính vì vậy ngoài biện pháp phát tờ rơi, tuyên truyền thông qua các cuộc họp dân ở khu dân cư, thì việc gặp gỡ trao đổi với ngư dân sau mỗi chuyến biển hoặc kỳ nghỉ trăng là điều rất cần thiết.
Bởi hành trình đi biển dài ngày, mỗi chiếc tàu, thuyền đánh cá được ví như một ngôi nhà thu nhỏ, được trang bị khá đầy đủ các đồ dùng, vật dụng sinh hoạt hàng ngày như radio, bếp gas, các thiết bị sử dụng điện. Đối với các tàu thuyền vỏ gỗ có chứa nhiều thiết bị, đồ dùng như bình gas, dầu chạy máy, ngư lưới cụ, bình ắc quy, dây dẫn điện đấu nối chằng chịt… được sắp xếp, bố trí trong một khoang tàu nhỏ, nên nguy cơ xảy ra cháy nổ rất cao. Thế nhưng, công tác phòng chống cháy nổ trên các tàu thuyền chưa thực sự được các thuyền trưởng và thuyền viên quan tâm. Có ngư dân còn biện minh: “Làm sao mà mình đề phòng được tất cả. Nếu lỡ xảy ra cháy nổ trên tàu các thuyền viên chỉ việc hất nước từ hai bên mạn thuyền lên là dập được ngay”. Ngoài ra, có một số chủ tàu chỉ mới chú trọng đầu tư vào phương tiện máy móc, ngư lưới cụ để đánh bắt được nhiều hải sản, mà xem nhẹ việc đầu tư vào mua sắm các loại dụng cụ, thiết bị phòng chống cháy nổ. Thậm chí, có nhiều chủ tàu thuyền mua sắm các thiết bị phòng chống cháy nổ, chỉ nhằm để đối phó với các cơ quan chức năng, mà xem nhẹ tính hiệu quả, tính thiết thực trong việc bảo vệ tài sản, tính mạng con người.
Để dần dần thay đổi nét sinh hoạt, quan niệm của ngư dân, UBND xã Cát Khánh cùng phối hợp với Đồn biên phòng Đề Gi tăng cường cả về lực lượng, thời gian tuyên truyền cho người dân hiểu lợi ích của việc trang bị các phương tiện phòng chống cháy nổ không chỉ bảo vệ tính mạng của ngư dân mà con đảm bảo tài sản khi không may xảy ra sự cố, góp phần làm giảm những thiệt hại không đáng có từ hỏa hoạn. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu” nên tác dụng của việc tuyên truyền đã thực sự có chuyển biến. Bên cạnh một số người vẫn lơ là thì nhiều thuyền trưởng, chủ tàu đã ngày càng ý thức được tác hại của việc xảy ra cháy nổ và chủ động, tự giác chấp hành các quy định an toàn trước khi vươn khơi.
Cảng cá Đề Gi xã Cát Khánh hiện nay có số lượng tàu thuyền đánh bắt hải sản cập bến mỗi ngày từ 80 đến 120 lượt tàu thuyền. Với số lượng tàu thuyền lớn như vậy, công tác phòng chống cháy nổ luôn được đặt lên hàng đầu đối với mỗi tàu thuyền. Trước mỗi chuyến ra khơi đánh cá dù ngắn ngày hay dài ngày, điều kiện về PCCC từ những dụng cụ, phương tiện như bình cứu hỏa, cho tới việc bảo đảm phòng chống cháy nổ đối với động cơ, nguồn dự trữ xăng dầu, bình gas phục vụ sinh hoạt đối với bất cứ tàu thuyền nào đều phải được bảo đảm tốt nhất. Bởi lẽ, điều này không chỉ ảnh hưởng đến việc bảo đảm tính mạng cho thuyền viên mà còn bảo vệ tàu thuyền , khối tài sản lớn của ngư dân. Tuy vậy, có một thực tế là vẫn còn nhiều tàu thuyền chưa trang bị đầy đủ các phương tiện, dụng cụ phục vụ công tác PCCC, việc bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ vẫn còn sơ sài. Mặt khác, ý thức về phòng chống cháy nổ của ngư dân còn thấp, do đó nguy cơ xảy ra cháy nổ là rất cao. Chính vì vậy các cơ quan chức năng của huyện, tỉnh và chính quyền địa phương luôn coi trọng công tác tuyên truyền cho ngư dân từ việc chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ, phương tiện PCCC ngay trên tàu thuyền, cảnh báo về nguy cơ cháy nổ tàu thuyền... đồng thời tổ chức tập huấn, diễn tập thường xuyên cho ngư dân về cách sử dụng các dụng cụ phòng chống cháy nổ, cách xử lý tình huống khi có cháy nổ. Tuy nhiên, một số ít bộ phận ngư dân vẫn còn lơ là, chủ quan trong việc phòng chống cháy nổ. Huyện sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng ở các địa phương tăng cường kiểm tra công tác phòng chống cháy nổ trên các tàu, thuyền; yêu cầu các chủ tàu trang bị dụng cụ, phòng chống cháy nổ trên phương tiện theo đúng quy định.
Nhờ được sự tuyên truyền khuyến khích của các cấp, các ngành, các đoàn thể và chính quyền địa phương, hiện nay 100% tàu thuyền đã trang bị đầy đủ hệ thống thông tin liên lạc tầm xa ICOM. Tuy nhiên, về công tác phòng chống cháy nổ thì tỷ lệ rất thấp. Thực tế từ vụ cháy tàu tại thôn Vĩnh Lợi (cạnh Cảng cá Đề gi) xảy ra gần đây cho thấy, nguyên nhân do một bộ phận ngư dân chưa nắm bắt, hiểu rõ các quy định về an toàn PCCC, chưa biết cách sử dụng và không trang bị phương tiện chữa cháy trên tàu hoặc có nhưng trang thiết bị không bảo đảm chất lượng dẫn đến khi xảy ra sự cố cháy tàu, không kịp trở tay.
Ông Đinh Thành Tiến- Chủ Tịch UIBND xã Cát Khánh cho rằng: “ Mặc dù không phải là cơ quan chuyên môn có trách nhiệm kiểm tra và xử lý vi phạm về an toàn cháy nổ, tuy nhiên để hạn chế đến mức thấp nhất các vụ việc hỏa hoạn xảy ra trên biển. Thời gian qua, chính quyền địa phương phối hợp Đồn Biên Phòng Đề Gi tiến hành kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện công tác PCCC trên tàu, nhằm nâng cao ý thức của chủ tàu và ngư dân về công tác PCCC; đồng thời yêu cầu chủ tàu trang bị đầy đủ dụng cụ, phương tiện PCCC và cứu hộ cứu nạn trước khi nhổ neo ra khơi. Ngoài ra, chúng tôi còn tham mưu cho UBND huyện phối hợp với Phòng cảnh sát PCCC số 3 ( Công an PCCC tỉnh) tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về PCCC cho chủ tàu và ngư dân; góp phần cho mỗi chuyến ra khơi trở về của ngư dân luôn an toàn”.
Mỗi một con tàu ngư dân đã phải bỏ ra hàng chục tỷ đồng để có phương tiện khai thác, đánh bắt cá nhằm nâng cao thu nhập cho gia đình. Tuy nhiên, nếu xem nhẹ công tác PCCC để xảy ra hỏa hoạn sẽ không chỉ thiệt hại về tài sản, mà có khi cả tính mạng con người và những hệ lụy khác. Bởi vậy, việc nâng cao ý thức tự phòng chống cháy nổ cho tàu thuyền, cần phải liên tục được quan tâm không chỉ là trách nhiệm của chính quyền địa phương, lực lượng Biên phòng mà còn là nhiệm vụ của chính mỗi ngư dân./.