Đối với công tác khuyến ngư có nhiều mô hình được triển khai, nổi bật đó là vấn đề thời vụ vật nuôi các đối tượng nuôi trên nước ngọt, cũng như trên nước lợ. Đặc biệt tổ chức nuôi cá lồng trên các hồ chứa nước đạt hiệu quả tương đối cao. Đối với công tác chuyển giao tiến bộ kĩ thuật đến với nông dân thông qua các mô hình trình diễn, bằng mắt thấy tai nghe, Phù Cát đã tập trung tập huấn luyện, nâng cao kiến thức cho người nông dân ứng dụng tiến bộ kĩ thuật, qua đó nâng cao được hiệu quả sản xuất trong chương trình được phát động, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Trong công tác chuyển đổi cây trồng, huyện đã tập trung chỉ đạo các địa phương tiến hành quy hoạch vùng để chuyển đổi sang sản xuất các loại cây trồng cạn, cây công nghiệp ngắn ngày có giá trị kinh tế cao, đồng thời áp dụng các hình thức xen luân canh để tăng thu nhập. Hàng năm, toàn huyện đã chuyển trên 2.100 ha từ sản xuất lúa năng suất thấp, và diện tích các cây trồng kém hiệu quả sang sản xuất các loại cây trồng cạn chủ yếu là đậu phụng, ngô lai, hành, dưa hấu…. Nhờ đó giá trị thu nhập trên các công thức chuyển đổi đạt từ 200 đến trên 300 triệu đồng/ha.
Tiêu biểu trong chuyển đổi cây trồng đó là: Đối với diện tích đất chuyên trồng mì trước đây mỗi năm 1 vụ năng suất thấp, tập trung nhiều ở các xã Cát Hiệp, Cát Lâm, Cát Sơn, Cát Hanh, Cát Trinh, Cát Tân… Nông dân đã tăng thêm vụ đậu phụng đông xuân, trên tổng diện tích 1.200 ha; Áp dụng hình thức trồng đậu xen canh cây mì, hoặc trồng đậu thuần vụ đông xuân, mè hay dưa hấu vụ hè, đậu phụng thu đông… kết quả thu nhập hàng năm đạt hơn 150 triệu đồng/ ha trở lên. Riêng đối với diện tích sản xuất lúa 3 vụ/ năm hiệu quả thấp, huyện đã vận động nông dân chuyển 1.550 ha sang sản xuất 2 vụ lúa/năm, bằng các giống lúa dài ngày có năng suất cao, chất lượng tốt, đồng thời chuyển gần 1.288 ha sang sản xuất 2 vụ lúa 1 vụ màu. Nhờ đó không chỉ hạn chế được rủi ro trong sản xuất như sâu bệnh, thời tiết bất lợi, mà còn đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với sản xuất 3 vụ lúa.
Có thể khẳng định, chuyển đổi cây trồng đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, thu nhập của nông dân tăng lên đáng kể, cũng từ đó được nông dân phấn khởi tiếp nhận ứng dụng trên diện rộng, góp phần tạo bước chuyển biến tích cực trong việc hình thành vùng sản xuất tập trung, sản xuất hàng hóa.
Đi đôi với chuyển đổi cây trồng, huyện đã tập trung mở rộng thực hiện cánh đồng lớn: Sau hơn 5 năm triển khai toàn huyện đã thực hiện 198 cánh đồng mẫu lớn, với tổng diện tích hơn hơn 10.643 ha; hơn 31.955 lượt hộ nông dân tham gia sản xuất các loại cây trồng chính là lúa, đậu phụng, mì và bắp. Kết quả năng suất các loại cây trồng trên các cánh đồng lớn đều tăng khá so với ngoài cánh đồng, lợi nhuận đem lại tăng hơn từ 4 đến hơn 20 triệu đồng/ha.
Thực hiện chuyển đổi cây trồng, xây dựng cánh đồng lớn, Phù Cát đã chú trọng hướng dẫn các địa phương nhân giống và vận động nông dân sử dụng giống có năng suất và phẩm cấp cao, như các giống lúa ĐT 45 , OM6162, OM 7347….các giống lúa lai, Mì KM94, KM95, KM98, KM60, Hoa Nam, các giống Ngô lai, các giống đậu phụng L14, L23, HL25… Thông qua các mô hình trình diễn hội thảo đầu bờ, tham quan… giúp nông dân trực tiếp nắm bắt kĩ thuật sản xuất thâm canh để ứng dụng vào sản xuất. Kết quả nhiều năm liền tỉ lệ sử dụng giống lúa cấp 1, lúa lai có tiềm năng năng suất cao, chất lượng khá trong sản xuất đạt trên 95%. Riêng đối với cây mì và ngô đã có 100% diện tích sử dụng giống mới.
Đối với công tác chăn nuôi huyện tập trung lai tạo đàn bò đạt trên 91% và thực hiện chương trình nạc hóa đàn heo đạt kết quả rất tốt; các hình thức, chăn nuôi trang trại gia trại, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học ngày càng được nông dân áp dụng rộng rãi. Trong Nuôi trồng thủy sản, nhiều nhiều mô hình khuyến ngư được triển khai, nổi bật là việc chỉ đạo thực hiện tốt thời vụ nuôi trồng, thực hiện các hình thức nuôi cộng đồng. Những năm gần đây việc tổ chức nuôi cá lồng trên các hồ chứa nước đạt hiệu quả cao.
Phục vụ cho công tác chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, Phù Cát đã chú trọng đúng mức đến công tác trang bị kiến thức khoa học kĩ thuật đến người nông dân như hàng năm bằng nguồn kinh phí khuyến nông Tỉnh và ngân sách huyện đầu tư 300 đến 400 triệu đồng tổ chức hàng chục mô hình khuyến nông khuyến ngư, như: Thâm canh đậu phụng xen mì; mô hình liên kết sản xuất đậu phụng theo chuỗi, thâm canh lúa nhiễm mặn, khảo nghiệm giống lúa mới, ứng dụng chế phẩm vi sinh, chăn nuôi an toàn sinh học, nuôi trên đệm lót sinh học, nuôi cá lồng bè … Thông qua các mô hình, cộng với 25 -30 lớp tập huấn, huấn luyện được tổ chức mỗi năm, đã giúp cho hàng ngàn lượt nông dân nắm bắt về kỹ thuật thâm canh, chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Từ đó góp phần nâng cao kiến thức cho người nông dân ứng dụng tiến bộ kĩ thuật, qua đó nâng cao được hiệu quả sản xuất thực hiện mục tiêu nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích.
Qua thực hiện chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cho nông dân áp dụng vào sản xuất đã đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn, năng suất các loại cây trồng lúa, đậu, mì, ngô… đã tăng hơn 15- 20% so với 5 năm trước đây. Nhiều công thức luân canh đạt thu nhập từ 200 đến hơn 300 triệu đồng như : lúa đông xuân, hành vụ hè và đậu phụng vụ thu, hoặc đậu phụng đông xuân, hành dưa vụ hè, lúa vụ 3… Những cánh đồng thu nhập cao xuất hiện ngày càng nhiều ở các xã như: Cát Hải, Cát Tài, Cát Lâm, Cát Sơn ….
Nhờ tăng cường các hoạt động chuyển giao tiến bộ kĩ thuật cho nông dân ứng dụng vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao, nên nhiều địa phương trước đây khó khăn nay đã có mức thu nhập khá như: Cát Hải, Cát Hiệp, Cát Lâm, Cát Sơn, Cát Tài… Không ít hộ nông dân từ chỗ đói nghèo, nay đã có mức thu nhập khá, cuộc sống ổn định, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu xây dựng NTM.
Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, theo hướng phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, không ngừng nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp, đẩy mạnh liên kết – chế biến – tiêu thụ nông sản phẩm, chuyên môn hóa sản xuất, tạo việc làm ổn định, thúc đẩy chuyển dịch và phân công, cơ cấu lại lao động nông thôn, góp phần nâng cao năng suất lao động, nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn. Phù Cát tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác chuyển giao kỹ thuật đến nông dân, vận động nông dân chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng vật nuôi hướng đến mục tiêu sản xuất hàng hóa. Mở rộng thực hiện cánh đồng mẫu lớn theo mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi, gắn với bao tiêu sản phẩm. Đầu tư khảo nghiệm và vận động nông dân nông dân ứng dụng các loại giống mới có tiềm năng năng suất cao chất lượng tốt vào sản xuất. Ứng dụng một cách triệt để hơn, có chiều sâu và có hiệu quả về quy trình sản xuất các loại cây, con. Đồng thời chú trọng đúng mức nâng cao kiến thức của người nông dân, giúp người nông dân có điều kiện tiếp cận với thị trường, tiếp cận ứng dụng các tiến bộ kĩ thuật vào sản xuất, đạt hiệu quả kinh tế cao hơn, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.