Kết thúc sản xuất nông nghiệp năm 2017, huyện Phù Cát đã trồng hơn 4.428 ha đậu phụng, đạt 103 % kế hoạch, là năm có diện tích đậu phụng nhiều nhất từ trước đến nay. Diện tích trồng đậu phụng tập trung nhiều ở các xã Cát Hiệp, Cát Lâm, Cát Trinh, Cát Tài, Cát Hải, Cát Hanh, Cát Sơn… Qua thu hoạch năng suất bình quân đạt 37,5 tạ/ha, với giá tiêu thụ ổn định từ 20.000 - 25.000 đồng/kg, thu nhập 1 hecta trồng đậu phụng đạt đến 90 triệu đồng, cao gấp 3 lần so với trồng lúa, tăng gấp 5 – 8 lần so với các loại cây trồng khác được trồng trên cùng chân đất, nên người nông dân trồng đậu phụng rất phấn khởi. Hiện nay, trên địa bàn huyện diện tích cây đậu phụng được trồng quanh năm và có diện tích đứng thứ 2 sau cây lúa, đem lại thu nhập cao, ổn định nhất so với các loại cây trồng khác hiện có tại địa phương.
|
Nông dân xã Cát Trinh thu hoạch đậu phụng. |
Mở rộng diện tích trồng đậu phụng, đồng thời không ngừng nâng cao năng suất, tăng hiệu quả kinh tế, đem lại thu nhập cao hơn cho người nông dân - Huyện đã tập trung chuyển giao tiến bộ kĩ thuật cho nông dân nắm bắt ứng dụng vào sản xuất bằng cách: Mỗi vụ đều tổ chức các lớp tập huấn quy trình canh tác, thường xuyên cập nhật những tiến bộ kỹ thuật mới, tổ chức các mô hình trình diễn; tiến hành khảo nghiệm, lựa chọn những loại giống mới thích nghi với đất đai, thời tiết, mức độ thâm canh của nông dân để đưa vào sản xuất trên diện rộng như: L14, L23, HL 25, LDH 01... Cùng với quy trình canh tác xen, luân canh được triển khai ứng dụng rộng rãi như trồng đậu phụng xen mì, hoặc trồng đậu phụng luân canh dưa hấu, bắp lai, mè...
Đi đôi với đầu tư thâm canh, ngành nông nghiệp huyện đã liên kết với nhiều cơ sở nghiên cứu, doanh nghiệp đưa vào ứng dụng một số giải pháp kỹ thuật, qua đó đã góp phần nâng cao năng suất, giảm chi phí sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao như: Sử dụng chế phẩm vi khuẩn nốt sần, giúp cây đậu phụng tạo nốt sần để cây đậu sớm cố định đạm và phát triển ngay từ lúc nảy mầm; Sử dụng chế phẩm Trichoderma hạn chế bệnh chết ẻo xanh; Sử dụng phân hữu cơ vi sinh, bộ sản phẩm của công ty hóa nông hợp trí … Việc ứng dụng chế phẩm vi sinh, giảm lượng phân bón vô cơ, không chỉ giảm được chi phí sản xuất, nhưng vẫn bảo đảm năng suất tăng lên, mà còn góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe con người nhờ vào việc không phải sử dụng thuốc BVTV nhiều lần, cũng từ đó đã tạo ra nông sản sạch, đáp ứng yêu cầu phục vụ xuất khẩu, giá trị nông sản phẩm được nâng cao, tăng thêm thu nhập.
Bên cạnh đó nguồn nước tưới được bảo đảm đủ ẩm bằng cách khai thác nước ngầm, bơm tưới phun tia, gần đây phương pháp trồng đậu phụng tưới tiết kiệm đã được triển khai ứng dụng, nhất là trong vụ hè thu, góp phần giảm áp lực về nước tưới trong điều kiện thời tiết hạn hán. mặc khác thực hiện tốt công tác dự tính dự báo phòng trừ sâu bệnh kịp thời.
Nhờ triển khai ứng dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, năng suất cây đậu phụng ở Phù Cát không ngừng được nâng lên. Năm 2017, năng suất bình quân đạt 37, 5 tạ một hecta/ vụ, một số diện tích đạt 45 – 50 tạ/ha, cá biệt đạt đến 60 tạ/ha.. Lợi nhuận đem lại đạt đến 70%, cao hơn các loại cây trồng khác. Chính vì vậy, người nông dân đã tự giác chuyển đổi từ đất trồng lúa, mì, diện tích cây điều,.. hiệu quả thấp sang trồng đậu phụng. Nhiều hộ trồng từ 1 – 2 hecta mỗi vụ, thu nhập hàng trăm triệu đồng, cuộc sống được nâng lên đáng kể.
Những năm gần đây, Phù Cát phối hợp với các doanh nghiệp triển khai thực hiện cánh đồng trồng đậu phụng, liên kết sản xuất theo chuỗi, gắn với bao tiêu sản phẩm, người nông dân được tập huấn nắm bắt về khoa học kỹ thuật tiên tiến, năng suất cây trồng được nâng cao; Đồng thời giá cả tiêu thụ được bảo đảm có lãi, không còn sự được mùa mất giá như trước. Tiêu biểu như ở xã Cát Tài, Cát Hải liên tục trong vài năm trở lại đây, địa phương đã thực hiện việc liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm đậu phụng tươi với các doanh nghiệp. Sản phẩm làm ra được các doanh nghiệp bao tiêu với giá ngang bằng và cao hơn 1.000 – 2.000 đ/kg, so với giá thị trường tại thời điểm. Chính vì vậy, nông dân rất phấn khởi tiếp tục mở rộng diện tích trồng đậu phụng.
Xã Cát Hiệp là một địa phương có diện tích trồng đậu phụng nhiều nhất huyện, trên dưới 1.000 ha mỗi năm, trong đó vụ đông xuân hơn 700 ha. Anh Đào Văn Chung, phó chủ tịch UBND xã cho biết: Toàn bộ diện tích đất trước đây trồng 1 vụ mì/ năm, đất quanh vườn nhà, đất sản xuất lúa thiếu nước kém hiệu quả đã được chuyển sang trồng đậu phụng. Hầu hết diện tích đậu phụng được trồng xen cây mì. Nhờ triển khai ứng dụng mạnh mẽ các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cộng với kinh nghiệm trong đầu tư thâm canh, năng suất đậu phụng ở Cát Hiệp đạt bình quân hơn 40 tạ/ ha. Trên diện tích trồng đậu phụng sau khi thu hoạch, nông dân đưa vào sản xuất các loại cây như: bắp lai, mè, dưa hấu… Chính nhờ đó thu nhập đã tăng lên gấp hơn 5 lần so với trước, đồng thời tạo thêm nhiều việc làm cho người nông dân. Góp phần tích cực vào kết quả xã đạt NTM.
Còn ở xã Cát Hải, anh Đỗ Hoàng Phong, phó chủ tịch UBND xã cho hay:Với 2 loại cây trồng cạn chính là đậu phụng và hành, xã đã vận động nông dân giảm diện tích sản xuất lúa chuyển sang sản xuất cây trồng cạn có giá trị thu nhập cao. Trên cơ sở khoanh vùng, bố trí sản xuất luân canh, xen canh cây trồng phù hợp, mỗi năm trên cùng 1 chân đất đã sản xuất từ 3 đến 4 vụ. Trong đó diện tích cây đậu phụng đạt trên dưới 350 ha/ năm. Đã góp phần đưa giá trị thu nhập bình quân 1 ha canh tác đạt gần 210 triệu đồng. Trong đó có gần 130 ha cho giá trị thu nhập trên 500 triệu đồng/ha/năm. Nhiều hộ dân đã có cuộc sống khấm khá, nhờ trồng hành, trồng đậu phụng; dưới hình thức luân canh- xen canh: Hành đông xuân, đậu vụ hè, Hành thu đông….
Đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, tập trung chuyển diện tích lúa kém hiệu quả, thiếu nước sang trồng đậu phụng, dưới công thức 2 lúa 1 màu, hoặc 2 màu 1 lúa, chú trọng thực hiện các cánh đồng trồng đậu phụng theo hình thức liên kết sản xuất theo chuỗi gắn với bao tiêu sản phẩm, tạo ra vùng sản xuất hàng hóa, đồng thời nâng cao chất lượng nông sản nhằm đem lại thu nhập cao góp phần ổn định và nâng cao mức sống người dân, thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đang là hướng đi trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở Phù Cát.