Phát triển tổ đoàn kết trên biển ở Tam Quan Bắc góp phần tăng cường “sức mạnh” cho ngư dân bám biển
Đoàn kết để bám biển
Tam Quan Bắc là một trong sáu xã biển của huyện Hoài Nhơn có đội tàu khai thác hải sản hùng hậu nhất tỉnh và một lực lượng ngư dân có bề dày kinh nghiệm khai thác với 1.052 tàu thuyền công suất gần 500.000CV chiếm ½ tổng công suất tàu thuyền toàn huyện. Trong đó, tàu có công suất từ 90CV trở lên là 952 tàu chuyên đánh bắt trên các vùng biển thuộc quần đảo Hoàng sa, Trường Sa, chủ yếu là đánh bắt cá ngừ đại dương
|
sơ chế cá ngừ đại dương do ngư dân Tam Quan Bắc khai thác trên vùng biển Trường sa ngay tại bến cá.
|
Theo chia sẻ của ông Trương Quang Minh, Chủ tịch UBND xã Tam Quan Bắc, trước đây, do trang bị trên các phương tiện đánh bắt còn lạc hậu, tính cộng đồng trong ngư dân chưa cao, lại không có một tổ chức nào được hình thành để “điều hành” trong quá trình khai thác đánh bắt nên khi xảy ra các tai nạn, sự cố trên biển, ngư dân đều tự khắc phục dẫn đến hiệu quả kinh tế không cao. Nhưng từ khi có Quyết định 48/2010/QĐ-TTg và Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản đã tạo đà cho hoạt hoạt động khai thác, đánh bắt hải sản trên biển của ngư dân Tam Quan Bắc có nhiều bước phát triển đáng kể, cùng với đó các tổ đoàn kết khai thác trên biển cũng bắt đầu hình thành và phát triển tạo điều kiện cho bà con ngư dân liên kết làm ăn, ổn định và nâng cao thu nhập trên từng chuyến biển góp phần đưa sản lượng khai thác hải sản của địa phương từ 11.000 tấn năm 2012 tăng lên 17.200 tấn năm 2016. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2017 sản lượng khai thác 16.590/17.600 tấn đạt 94% chiếm gần 45% tổng sản lượng đánh bắt hải sản toàn huyện”.
Ngư dân Trần Văn Toàn - tổ viên tổ đoàn kết thôn Thiện Chánh 1 cho biết: “Mỗi chuyến biển xa bờ phải mất cả tháng trời, chúng tôi cần có sự đoàn kết, tương trợ nhau cùng khai thác hải sản, kịp thời giúp đỡ nhau cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra. Từ khi đánh bắt theo từng tổ đội, tôi và mọi người rất yên tâm và cũng nhờ tinh thần đoàn kết, hỗ trợ với nhau như vậy mà thời gian qua, nhiều tàu thuyền ở địa phương thoát được nhiều vụ tai nạn rủi ro trên biển””.
Còn ngư dân Phan Ngọc Độ ở thôn Tân Thành 2 giải bày: “Nếu trước đây làm ăn riêng lẻ thì hầu như các chủ tàu không đủ can đảm khai thác ở những vùng biển xa, còn khai thác thì chuyến được chuyến mất thu nhập không bấp bênh dẫn đến nợ nần chồng chất, nhưng từ khi chúng tôi liên kết lại các ngư dân đã mạnh dạn hơn trong việc vươn ra những ngư trường lớn đánh bắt hải sản. Theo đó thu nhập cũng rất ổn định và cao hơn nhiều so với kiểu làm ăn đơn chiếc. Quan trọng hơn là trong quá trình lao động trên biển, các tổ, đội đoàn kết luôn sẵn sàng hỗ trợ nhau về mọi mặt, từ việc tìm kiếm ngư trường, hỗ trợ về ngư cụ sản xuất, phòng tránh thiên tai, cứu hộ cứu nạn và phân công đưa cá về đất liền góp phần giảm chi phí nhiên liệu và nâng cao hiệu quả sản xuất”.
Bảo vệ chủ quyền biển đảo
Theo thống kê, hiện nay, trong số 1.054 tàu, thuyền đánh bắt hải sản của Tam Quan Bắc, đến thời điểm hiện nay đã có trên 900 tàu thuyền tham gia và đã hình thành 240 tổ đoàn kết, mỗi tổ từ 3-4 tàu và hiện đã chiếm hơn 1/3 các tổ đoàn kết của bà con ngư dân toàn huyện (240/633). Trong đó 3 thôn: Tân Thành 2, Thiện Chánh 1 và Thiện Chánh 2 là những thôn trọng điểm nghề cá của xã đã có 180/240 tổ được thành lập đi vào hoạt động ổn định từ năm 2005 đến nay. Hầu hết các tàu cá tham gia các tổ đoàn kết đều có tàu công suất lớn, trang thiết bị hiện đại, có khả năng hoạt động dài ngày trên biển. Phần lớn các ngư dân làm ăn trên các tàu đều biết phát huy tinh thần đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất và phòng tránh thiên tai mưa bão, qua đó nâng cao hiệu quả khai thác, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Điều mà các ngư dân cùng hàng ngàn lao động nghề cá xã Tam Quan Bắc nói riêng, huyện Hoài Nhơn nói chung tâm đắc không chỉ lợi nhuận sau những chuyến biển mà theo họ, khi tàu hoạt động đơn lẻ trên biển thường rất dễ xảy ra các sự cố khó lường. Tham gia vào tổ đoàn kết, các thành viên trong tổ được chia sẻ hỗ trợ thiết bị định vị, được kết nối hệ thống thông tin liên lạc với cơ quan chức năng, khi có sự cố xảy ra.
Trao đổi về vấn đề này, bà Huỳnh Thị Tường Vy – Phó Chủ Tịch UBND xã - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Tam Quan Bắc cho biết: “Hiệu quả mà tổ đoàn kết khai thác hải sản mang lại sau những chuyến biển không chỉ là những khoang cá đầy, mà còn giúp ngư dân xích lại gần nhau hơn, có điều kiện khám phá những ngư trường mới giàu tiềm năng. Đồng thời trong quá trình đánh bắt trên biển các tổ đội còn cung cấp nhiều thông tin quan trọng cho cơ quan chức năng, góp phần cùng nhau đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật trên biển, gìn giữ, bảo vệ tài nguyên quốc gia trên vùng biển Việt Nam. Bên cạnh những mặt tích cực, thì tổ đội đoàn kết trên biển cũng cần sớm khắc phục những hạn chế như sự liên kết giữa một số chủ tàu vẫn còn mang tính chất tự phát nên các thành viên hoạt động trong mô hình chưa có sự ràng buộc rõ ràng và cũng chưa tổ chức được đội tàu hậu cần lớn chuyên phục vụ các dịch vụ hậu cần nghề cá ngay trên biển để nâng cao sản lượng khai thác, bảo quản sản phẩm, giảm chi phí nhất là hạn chế việc tư thương ép giá”.