|
Một góc Cát Hanh hôm nay. |
Nếu như trong những năm đầu sau ngày giải phóng, sản xuất nông nghiệp chiếm 100% trong cơ cấu kinh tế của xã với các hình thức sản xuất thủ công, năng suất chỉ đạt hơn 14 tạ/ha, bình quân lương thực đầu người 192 kg/người/năm, các dịch vụ văn hoá xã hội còn nhiều thiếu thốn; thì đến nay cơ cấu kinh tế đã có những chuyển dịch đáng kể, đời sống văn hoá ngày một nâng cao. Đến cuối năm 2016, tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương đạt 13,4%, giá trị tổng sản phẩm xã hội đạt gần 518 tỷ đồng, tỷ trọng nông lâm nghiệp hạ xuống còn 32% và tỷ trọng CN – TTCN – GTVT – TMDV chiếm 68%, thu nhập bình quân đầu người đạt 32triệu đồng/người năm và tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,67%.
Ông Võ Văn Sáu – chủ tịch UBND xã Cát Hanh cho biết: “Để xây dựng hoàn thành xã nông thôn mới; xã đã tranh thủ nhiều nguồn lực, trong đó tập trung phát huy nguồn lực từ nhân dân. Mọi công việc đều được đưa ra trước nhân dân bàn bạc, thống nhất và để nhân dân quyết định theo phương châm “ dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Từ đó, nhân dân thấy rõ trách nhiệm và quyền lợi của mình nên đã tích cực tham gia đóng góp công sức, tiền của, đất đai để xây dựng nông thôn mới”.
Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng – mùa vụ, đưa các giống mới có năng suất chất lượng cao và áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, thực hiện cơ giới hoá đồng ruộng, hệ thống giao thông thuỷ lợi được đầu tư nâng cấp, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Năng suất lúa đạt từ 58 – 60 tạ/ha, các loại cây trồng cạn như bắp lai, mè, đậu phụng, dưa hấu và rau màu các loai cũng cho năng suất ổn định và giá trị/ha canh tác đạt 87 triệu đồng. Chăn nuôi được đẩy mạnh góp phần tăng thêm thu nhập cho hộ gia đình. Toàn xã hiện có đàn bò hơn 6900 con, trong đó bào lai chiếm hơn 90% tổng đàn, đàn heo có hơn 8.650 con. Đi đôi với sự phát triển về số lượng và chất lượng đàn gia súc- gia cầm, thì công tác thú y cũng được coi trọng, các mô hình dự án sinh kế nông thôn như: vỗ báo bò thịt, bò lai sinh sản thu hút nhiều hộ tham gia và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bên cạnh đó, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các ngành nghề nông thôn cũng được đầu tư phát triển, các nghề truyền thống như: sản xuất đồ gốm, chế biến nông sản, may mặc, mộc dân dụng… được duy trì phát triển; nhiều công ty, doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng, vật tư nông nghiệp, vận tải hàng hóa, xây dựng dân dụng hoạt động ổn định, có hiệu quả, tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.
Đi đôi với phát triển kinh tế- xã hội thì công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng là một nhiệm vụ trọng tâm, tạo tiền đề thực hiện tốt sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp-nông thôn. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; trong 6 năm qua, ngoài nguồn vốn hỗ trợ của cấp trên, kinh phí địa phương cùng nhiều nguồn huy động khác, xã Cát Hanh đã đầu tư xây dựng, nâng cấp nhiều công trình giao thông, thủy lợi và các công trình văn hóa khác với tổng kinh phí hơn 104 tỷ đồng. Đến nay, toàn xã có 100% đường trục xã đến các thôn được bê tông xi măng, hơn 91,8% đường trục chính và ngõ xóm được cứng hóa bằng bê tông xi măng hoặc cấp phối, đảm bảo không lầy lội vào mùa mưa và 60% đường nội đồng được cứng hóa, tạo thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân; hơn 28 km kênh mương do xã quản lý được kiên cố hóa bằng bê tông xi măng, đạt 72%. Đặc biệt, người dân đã tự nguyện hiến gần 4.300m2 đất và tháo dỡ nhiều công trình kiến trúc, chặt bỏ cây cối, hoa màu với tổng trị giá gần 960 triệu đồng để tạo mặt bằng phục vụ việc mở rộng giao thông nông thôn, xây dựng công trình thủy lợi phục vụ sản xuất; đồng thời, đóng góp trên 6,2 tỷ đồng để xây dựng 15,3 km đường giao thông ngõ xóm và đường nội đồng; lắp đặt 178 bóng điện chiếu sáng công cộng trên hơn 7km đường giao thông liên thôn, xóm tạo thuận lợi cho việc đi lại vào ban đêm, đồng thời góp phần giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương.
Kinh tế phát triển, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Toàn xã đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập trung học cơ sở. Cả xã có 100% hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia và có hơn 95% hộ có xe máy và phương tiện nghe nhìn, các chương trình DS – KHHGĐ và các chương trình mục tiêu y tế quốc gia được thực hiện thường xuyên, liên tục, đạt hiệu quả; các phong trào văn hoá văn nghệ – TDTT được duy trì duy trì đều đặn và là xã đi đầu trong huyện về VHVN – TDTT, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 85%, có trên 93% hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá, có 11/11 thôn đạt khu dân cư văn hoá và 10/11 thôn được công nhận làng sức khỏe.
Ông Nguyễn Văn Thiện – một người dân ở thôn Vĩnh Trường vui mừng nói: “ nhờ xây dựng nông thôn mới đã đem lại cho người dân chúng tôi nhiều lợi ích thiết thực; giao thông đi lại dễ dàng, sản xuất nông nghiệp có nhiều thuận lợi hơn nhờ hệ thống thủy lợi được đầu tư nâng cấp và bà con được tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến. Ngoài ra, người dân còn được tạo điều kiện để vay các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư phát triển kinh tế… Nói chung, so với trước đây thì đời sống của bà con chúng tôi được cải thiện hơn rất nhiều”.