Thôn Phú Hiệp xã Tây Phú phát huy sức dân trong công tác xây dựng đường giao thông nông thôn
Tây Phú là xã miền núi của huyện Tây Sơn, được UBND tỉnh phê duyệt lộ trình xây dựng Nông thôn mới (NTM), sẽ về đích vào cuối năm 2018. Trong thời gian qua xã Tây Phú đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là phong trào phát huy sức dân đóng góp tiền, hiến đất làm đường giao thông nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, sản xuất của nhân dân, từng bước hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới tại địa phương. Điểm sáng của phong trào này là nhân dân thôn Phú Hiệp.
Ban chỉ đạo xã, ban vận động ở các thôn đã được thành lập từ khi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được triển khai tại xã Tây Phú. Công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh. Để sớm hoàn thành các chỉ tiêu trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xã triển khai các giải pháp thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững. Nhận thức rõ giao thông có vai trò quan trọng, tác động trực tiếp đến nhu cầu sản xuất, đi lại và phát triển kinh tế - xã hội, xã đã đề ra mục tiêu, kế hoạch xây dựng cải tạo, nâng cấp để bê tông hoá hệ thống giao thông nông thôn trong từng năm, trong đó xác định huy động sức dân đóng góp là chính. Chủ trương đó nhanh chóng được thông qua, sau đó triển khai rộng rãi đến từng thôn, từng xóm.
Tại thôn Phú Hiệp việc xây dựng đường giao thông nông thôn được bắt đầu triển khai tại 3 xóm (Xóm 1,2,3), nhân dân đã họp bàn, dự trù kinh phí, mức đóng góp của từng hộ gia đình để làm đường bê tông với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” theo tiêu chuẩn đường nông thôn mới. Mới đầu, bên cạnh đại đa số các hộ đều đồng tình hưởng ứng thì một số ít hộ cho rằng việc làm đường là trách nhiệm của Nhà nước nên không ủng hộ, thậm chí có ý kiến trái chiều. Nhờ làm tốt công tác vận động của cán bộ, đảng viên, những người có uy tín trong địa bàn thôn nên sau đó các hộ đều thấy được lợi ích thiết thực và nhiệt tình ủng hộ. Đến nay cơ bản các trục đường ở các ngõ xóm đã được bê tông hóa theo tiêu chuẩn đường nông thôn mới. Trong quá trình thi công, nhân dân cử người đại diện giám sát công trình theo đúng quy hoạch và bảo đảm chất lượng. Một trong những người xung phong phá tường rào kiên cố, hiến đất mở đường để xây dựng đường giao thông nông thôn như ông Nguyễn Thành Sơn, ông Đặng Hữu Lộc “Mở rộng đường thông thoáng không chỉ tạo diện mạo bộ mặt nông thôn mới, mà còn giúp bà con vận chuyển nông sản dễ dàng, con cái đi học được thuận lợi nên bản thân gia đình hoàn toàn ủng hộ chủ trương này”, Ông Lộc tâm sự.
Ông Nguyễn Văn Chủng – Trưởng thôn cho biết, từ khi thực hiện việc huy động nhân dân trong xây dựng đường giao thông nông thôn, thôn Phú Hiệp đã huy động được sự đóng góp thiết thực từ người dân với hơn 1 tỷ đồng. Từ nguồn vốn trên, thôn Phú Hiệp đã tổ chức thi công 38 tuyến đường giao thông nông thôn, đến nay đã hoàn thành với hơn 4 km đường, qua đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho đi lại, sản xuất của nhân dân, từng bước hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới tại địa phương. Ông Lê Bẩm – 84 tuổi nói trong xúc động “Cả đời ông chưa bao giờ nghĩ sẽ có con đường bê tông ngõ xóm vào tới nhà mình, nhờ lãnh đạo xã, thôn đã tạo điều kiện cho gia đình ông được tiếp cận nguồn hỗ trợ xi măng từ cấp trên”.
Ông Nguyễn Văn Thành – P. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Tây Phú cho biết “Xã Tây Phú bắt đầu triển khai bê tông giao thông theo cơ chế đặc thù vào giữa năm 2016. Qua hơn một năm thực hiện đến nay xã đã bê tông giao thông gần 10 km theo chương trình này. Riêng thôn Phú Hiệp bà con hưởng ứng rất mạnh mẽ nên đến nay đã bê tông giao thông nông thôn được hơn 4 km. Là thôn dẫn đầu số lượng bê tông giao tôong nông thôn theo cơ chế đặc thù trên địa bàn xã. Trong thời gian tới chúng tôi tiếp tục nhân rộng mô hình này để hoàn thành tiêu chí số 2 về giao thông vào cuối năm như kế hoạch đã đề ra”.
Về thôn Phú Hiệp hôm nay, như khoác thêm trên mình chiếc áo mới, nhiều tuyến đường bê tông thẳng tắp đến từng ngõ xóm. Những con đường mới không những tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, sản xuất của người dân nơi đây mà còn tạo nên diện mạo mới của một vùng quê đang trên đà phát triển. Kết quả trên có sự chung tay góp sức tích cực từ nhân dân.
Như vậy, việc xây dựng bê tông hóa đường giao thông nông thôn như một bước đột phá, là “đòn bẩy” góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cải thiện môi trường sống và từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn, đặc biệt là trong công cuộc xây dựng nông thôn mới hiện nay.