Kết quả đạt được
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2015, bằng các nguồn vốn giảm nghèo, thời gian qua huyện An Lão đã đầu tư xây dựng nhiều công trình hạ tầng phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày ,phục vụ sản xuất , xây dựng nhà ở kiên cố cho hộ nghèo...với tổng kinh phí 482.273 triệu đồng. Trong đó đã xây dựng 49 công trình giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt tập trung... phục vụ đời sống sinh hoạt và sản xuất cho nhân dân, mang lại những hiệu quả tích cực về kinh tế và xã hội, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, tạo điều kiện cho con em đến trường thuận lợi, hàng hóa từ vùng khó khăn đã được thông thương, tạo nguồn thu nhập cho người dân trong vùng.
Đối với chương trình phát triển kinh tế- xã hội các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK ) vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã xây dựng 91 công trình phục vụ dân sinh và sản xuất, duy tu, bảo dưỡng 16 công trình; xây dựng mới và sửa chữa , nâng cấp 30 công trình hệ thống nước sinh hoạt tập trung; hỗ trợ giống lúa, ngô lai, các loại cây trồng, vật nuôi, máy móc công cụ...cho các hộ nghèo; hỗ trợ cải thiện 81 công trình vệ sinh môi trường. Việc tổ chức nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn huyện trong 5 năm qua tuy chưa đạt hiệu quả cao, nhưng đối với quy trình của mô hình từ khâu tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, làm chuồng trại, tiêm phòng... đã có tác động không nhỏ vào công tác sản xuất của các hộ trực tiếp tham gia thực hiện mô hình và những hộ nông dân trong cộng đồng khu vực có mô hình, góp phần vào việc tăng thu nhập trong chăn nuôi giúp một bộ phận hộ nghèo có điều kiện thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Trong 5 năm qua, thông qua các ngồn vốn huyện đã hỗ trợ cho 1.210 hộ nghèo làm nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với mức hỗ trợ bình quân từ 30-60 triệu đồng/nhà.
Công tác đào tạo, dạy nghề và giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn được quan tâm, trong 5 năm qua đã có 821 lao động thuộc diện hộ nghèo được đào tạo nghề ngắn hạn, trong đó số lao động sau khi đào tạo nghề có việc làm đạt 50%. Toàn huyện cũng đã có 176 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Các hình thức bảo trợ xã hội đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện cũng được đảm bảo như: hỗ trợ về y tế, về giáo dục đào tạo, về trợ giúp pháp lý. Trong 5 năm, huyện đã cấp 89.242 thẻ bảo hiểm y tế; 100% người nghèo, cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế, được khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí tại các cơ sở y tế trên địa bàn huyện; miễn giảm học phí cho 14.215 lượt học sinh phổ thông, sinh viên thuộc hộ nghèo với số tiền trên 9.956,3 triệu đồng; trợ giúp pháp lý cho hàng ngàn lượt người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng chính sách tại các xã, thị trấn.
Bên cạnh đó, chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo cũng được tạo điều kiện hết sức cho người dân, đã có 9.826 lượt hộ nghèo, đồng bào DTTS, học sinh-sinh viên, nhân dân vùng khó khăn được vay trên 135.100 triệu đồng đầu tư sản xuất, học tập...; Các chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cũng đạt hiệu quả cao. Một số chính sách hỗ trợ đặc thù và an sinh xã hội khác như chính sách định canh, định cư, chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, chính sách hỗ trợ hộ nghèo theo Quyết định 102/QĐ-TTg ngày 10/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ nhằm hỗ trợ cho hộ nghèo phần nào về sản xuất cũng triển khai thực hiện khá tốt, đạt hiệu quả thiết thực…
Sau 5 năm triển khai thực hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện, thu nhập bình quân trên đầu người đã tăng rõ rệt: năm 2011 thu nhập bình quân đầu người đạt 15 triệu đồng, đến năm 2015 đạt 22 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 4% hàng năm. Trong 5 năm thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững, bộ mặt nông thôn trên địa bàn huyện An Lão đã có nhiều đổi mới; các xã, thôn đặc biệt khó khăn có sự thay đổi đáng kể, nhất là về cơ sở hạ tầng và việc tổ chức phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế.
Những khó khăn cần vượt qua
Tuy đạt được những kết quả đáng kể nhưng An Lão vẫn là huyện nghèo, có 10 xã, thị trấn nhưng có đến 9 xã khu vực III được thụ hưởng Chương trình 135 của Chính phủ; 54/57 thôn trên địa bàn thuộc diện đặc biệt khó khăn; dân số có 8.350 hộ với 30.597 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số 3.051 hộ; số hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều có 5.002 hộ, chiếm 59,90%, trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm 81,97%, đó là những khó khăn mà huyện An Lão đang phải giải quyết; kinh tế huyện vẫn phát triển chậm so với tốc độ phát triển kinh tế của các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh, có khoảng cách thu nhập, chênh lệch giàu, nghèo cao. Nhiều khó khăn đặc thù, bản thân huyện không thể khắc phục hết được; thiếu nguồn lực phát triển; hạ tầng còn nhiều bất cập. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện cao nhất trong tỉnh, chiếm 59,90%, ở đồng bào dân tộc thiểu số 81,97%. Trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực hạn chế, sản xuất kém phát triển...
Cần có chính sách trợ lực
Ông Phạm Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện An Lão, chia sẻ: Từ thực tế trên, huyện phải sớm khắc phục khó khăn hạn chế, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ phát triển KT-XH, tránh tình trạng tụt hậu, khoảng cách xa so với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và các huyện lận cận. Huyện đã đề ra giải pháp thực hiện giảm nghèo bền vững giai đoạn 2017-2020 .
Việc chính thức áp dụng chuẩn nghèo đa chiều từ năm 2016 là một thay đổi lớn vì vậy cần tập trung vào các giải pháp: tăng cường công tác tuyên truyền đến toàn thể nhân dân về ý chí tự lực tự cường vươn lên thoát nghèo, tổ chức thực hiện các chương trình truyền thông về định hướng giảm nghèo bền vững; bảo vệ thành quả giảm nghèo, hạn chế tái nghèo; tạo điều kiện để người nghèo ổn định cuộc sống, thực hiện đa dạng hóa sinh kế, tăng cường vận động xuất khẩu lao động, tạo việc làm; nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế- xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân...
Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn dưới 30%, bình quân mỗi năm giảm 7%; giải quyết việc làm mới cho 500 lao động trở lên; phấn đấu mỗi năm có trên 100-150 lao động tham gia xuất khẩu lao động. Tập trung rà soát để cơ cấu lại sản xuất và chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với điều kiện của từng địa phương nhằm tạo việc làm cho người lao động, tăng thu nhập, ổn định đời sống để thoát nghèo bền vững; tập trung đầu tư xây dụng kết cấu hạ tầng thiết yếu theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là các xã khó khăn về giao thông, thủy lợi, hệ thống điện, nước sạch, vệ sinh môi trường. Đảm bảo trên 90% hộ gia đình chính sách có mức thu nhập trên chuẩn nghèo theo quy định; 100% hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn ưu đãi từ Ngân hành Chính sách xã hội huyện; đến 2020 không còn hộ có nhà ở đơn sơ, dột nát. Cùng với đó, UBND huyện tạo cơ hội để người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội như: 100% người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo được cấp thẻ BHYT miễn phí; chỉ đạo, khuyến khích các đơn vị phối hợp với trạm y tế xã thực hiện khám chữa bệnh và cấp phát thuốc định kỳ miễn phí cho tất cả người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn...
Từ những định hướng, giải pháp cụ thể, tin tưởng rằng, công tác giảm nghèo ở huyện An Lão sẽ đạt được những kết quả tích cực, góp phần hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững tại địa phương trong thời gian đến.