|
Tuyến đường ngã ba Cây Xoài nối tỉnh lộ 640 đến Quốc lộ 19 mới vừa nâng cấp đưa vào sử dụng bị lũ phá hỏng.
|
Nông dân Phan Thanh Thái (64 tuổi), ở thôn Quảng Vân, ca thán: Từ khi chưa thi công Quốc lộ 19 mới vùng ruộng ông Hai chưa bao giờ bị bồi cát, ruộng đất lại màu mỡ, năng suất đạt 75 – 80 ha/ vụ. 5 đợt lũ năm 2016 đã làm cho hơn 6 ha ruộng bị bồi cát nặng, tuyến kênh chính cấp nước bị lũ sang phẳng tạo thành dòng sông rộng lên hàng chục mét. Sau lũ, các đơn vị quân đội giúp hốt cát sa bồi, xã thuê cơ giới san ủi làm được vụ Thu vừa rồi, nhưng năng suất chỉ đạt 120 kg/ sào. Đợt lũ trong tháng 11 và đầu tháng 12 năm nay số diện tích trên bị bồi lấp lại, riêng hộ tui có 2 đám thì 1 đám 2 sào bị bồi, còn 1 đám 1,5 sào bị thủy phá sâu đến 1,2 m không thể sản xuất được.
Còn ông Lê Công Minh (65 tuổi), cũng có 1,6 sào ruộng bị sa bồi thủy phá, than thở: Gia đình tui có 4 khẩu, nhận ruộng giao quyền vùng Ông Hai mỗi khẩu 460 m2, đợt lũ vừa rồi ruộng bị thủy phá hết, già rồi giờ không biết lấy gì để sống đây. Bà con chúng tui rất mong ngành chức năng nghiên cứu cho làm kè kiên cố chứ cứ qua lũ dùng bao cát đắp tạm, san ủi cát cho sản xuất 1 vụ rồi năm sau lũ về đâu lại vào đấy tốn kém của dân và nhà nước.
Có mặt tại vùng ruộng Ông Hai, trước mắt chúng tôi toàn cát trải dài có nơi dày lên trên 1 m, những đám ruộng sát tuyến kênh giờ đã không còn mà biến thành con sông sâu hoắm. Anh Lê Văn Nguyên, Phụ trách địa chính – xây dựng của xã Phước Thuận, bộc bạch: Ngày 12.12 vừa rồi tôi có tham gia đoàn kiểm tra của xã và huyện xác định diện tích sa bồi, thủy phá đồng ruộng các thôn dọc theo Quốc lộ 19 mới, gồm Tân Thuận, Liêm Thuận, Quảng Vân và Phổ Trạch. Qua xác định diện tích sa bồi nặng không thể khắc phục bằng thủ công lên 6 ha và diện tích bị thủy phá không thể sản xuất khoảng 3 ha. Những vùng ruộng trên năm ngoái, địa phương đã chi hơn 300 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ cấp trên và ngân sách xã thuê cơ giới san ủi, mới đưa vào sản xuất 1 vụ nay bị bồi cát trở lại mức độ nặng hơn. Về lâu dài cần xây kè chống lũ, mà kinh phí địa phương lấy đâu ra, nên đề nghị nhà nước quan tâm tạo điều kiện. Trước mắt cũng nên hỗ trợ lương thực cho người dân bảo đảm cuộc sống.
Không những diện tích đất sản xuất dọc theo Quốc lộ 19 mới qua địa bàn xã Phước Thuận bị hư hại, mà tuyến đường nối Quốc lộ 19 mới đến ngã ba Cây Xoài nối tỉnh lộ 640, có chiều dài hơn 1,3km cũng bị nước lũ xuyên phá nặng, cuốn trôi hơn 1.500 m3 đất đá, làm sụp gãy một số đoạn bê tông mới thi công đưa vào sử dụng trước lũ và làm nhiều diện tích ruộng nằm phía dưới tuyến đường bị đất đá bồi lấp. Ông Nguyễn Minh Hồng, một người dân sống bên tuyến đường này, chia sẻ: Quốc lộ 19 mới hiện tại mặt bằng quá cao nước không thoát được nên toàn bộ đổ về uy hiếp tuyến đường ngang, năm ngoái cuốn trôi 1 đoạn bê tông dài 20 m, còn năm nay đường được mở rộng mặt bê tông cũ từ 3 m lên 5 m, mới đưa vào sử dụng 1 số đoạn bị lũ làm gãy cuốn trôi bê tông. Hơn nữa, không xây mái mà đắp đất trồng cỏ, nước lũ chảy xiết cỏ nào chịu nổi, dẫn đến sạt mái ta luy, tạo hầm ếch, chất lượng đường sẽ không bao đảm. Nên về lâu dài nhân dân chúng tui đề nghị nên đổ bê tông mái để không còn đường bê tông bị lũ xuyên phá.
Theo lịch thời vụ đến ngày 20.12 tới xã Phước Thuận bắt đầu xuống giống gieo sạ lúa vụ Đông Xuân 2017-2018, nhưng công việc khắc phục hậu quả lũ lụt còn lắm ngổn ngang và bộn bề và gần 10 ha ruộng bị sa bồi, thủy phá khó thể thể khắc phục kịp để đưa vào sản xuất đúng thời vụ.