|
Nông dân Cát Lâm chăm sóc ớt. |
Là địa phương có địa hình bán sơn địa, đất đai chủ yếu là đát cát bạc màu. Do đó, để nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp; đi đôi với việc vận động nông dân chuyển đổi từ 3 vụ lúa sang sản xuất 2 vụ lúa/năm, lũy kế đến nay lên 84ha, đạt hơn 37% so với tổng diện tích trồng lúa của xã; trong những năm qua, xã Cát Lâm đã chú trọng đến việc mở rộng diện tích sản xuất cây trồng cạn từ diện tích cải tạo vườn tạp, chuyển đổi từ đất trồng điều, mỳ, bạch đàn kém hiệu quả… nâng tổng diện tích cây trồng cạn của xã hiện nay của xã lên hơn 480ha. Ngoài ra, với phương châm lấy ngắn nuôi dài, diện tích rừng trồng những năm đầu còn được người dân tận dụng để xen canh các loại cây trồng cạn ngắn ngày với diện tích khoảng 70ha…. Trên diện tích cây trồng cạn, địa phương chú trong phát triển một số loại cây trồng có giá trị cao, phù hợp với điều kiện đất đai của địa phương như: đậu phụng, ớt, dưa hấu, bắp lai, kiệu, mè và các loại rau màu khác, với diện tích sản xuất đậu phụng hàng năm khoảng 364ha, ớt 145ha, dưa hấu 170ha, bắp lai 25 ha, kiệu 42ha, mè 20 ha...
Đi đôi với chuyển đổi cây trồng, mùa vụ; xã Cát Lâm còn tạo điều kiện để người dân tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, để nâng cao năng suất cây trồng và hiệu quả kinh tế thông qua các mô hình cánh đồng mẫu lớn, các buổi tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật... Nhờ phù hợp với điều kiện đất đai, được đầu tư chăm sóc và nguồn nước tước đảm bảo từ các công trình thủy lợi trên địa bàn như hồ Suối Tre, hồ Tam Sơ, đập Cây Gai, đập dâng Cây Mít cùng với việc khai thác mạch nước ngầm… nên các loại cây trồng cạn trên địa bàn xã đều phát triển tốt và cho năng suất ổn định với năng suất cây đậu phụng đạt bình quân 38 tạ/ha, dưa hấu 360 tạ/ha, ớt 260 tạ/ha, ngô lai 65 tạ/ha, ớt 10 tạ/ha…, từ đó nâng cao giá trị canh tác đạt 150 triệu đồng/ha/năm, góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình.
Ông Nguyễn Văn Cảnh – chủ tịch UBND xã Cát Lâm cho biết: “Trong chuyển đổi cây trồng, xã chú trọng mở rộng diện tích các loại cây trồng cạn chủ lực mang lại giá trị kinh tế cao, chủ yếu là đậu phụng, ớt và dưa hấu. Hiệu quả của các loại cây trồng này tương đối lớn, tạo được việc làm và thu nhập tương đối khá cho người dân. Có thể nói, trong những năm gần đây, đời sống người dân Cát Lâm ngày càng phát triển phần lớn là nhờ mở rộng diện tích cây trồng cạn”.
Gia đình ông Hồ Văn Tuấn - ở thôn An Điềm có 0,8ha đất màu. Tùy theo điều kiện thời tiết, giá cả và nhu cầu thị trường, hàng năm ông đều đưa vào trồng 3 loại cây trồng chính là đậu phụng, ớt và dưa hấu với tỷ lệ thích hợp. Diện tích đất sau khi thu hoạch đậu phụng, ớt, dưa hấu; ông còn trồng thêm bắp lai, mè để tăng thu nhập. Nhờ tích lũy kinh nghiệm qua nhiều năm cộng với việc đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất và nguồn nước tưới đảm bảo nên diện tích cây trồng của gia đình ông phát triển và cho năng suất ổn định. Từ đó, tạo việc làm và đem lại thu nhập cho gia đình bình quân trên 150 triệu đồng/năm.
Ông Hồ Văn Tuấn chia sẻ: “Hàng năm, gia đình làm tôi trồng khoảng 3 sào ớt, 4 sào đậu phụng và 9 sào dưa hấu. So với trước đây thì những năm gần đây việc trồng cây trồng cạn dễ và thuận tiện hơn rất nhiều nhờ nguồn giống được đảm bảo chất lượng từ các cơ sở cung ứng; thuốc men xử lý hạt giống, diệt trừ sâu bệnh cũng đa dạng, dễ sử dụng; máy móc cũng nhiều. Hơn nữa, nhờ làm nhiều có kinh nghiệm biết lúc nào cây trồng thiếu nước, lúc nào cây trồng bị bệnh để tưới nước, phun thuốc kịp thời… nên cây trồng phát triển tốt cho năng suất cao. Đạt năng suất rồi nhưng nếu đầu ra giá cả lúc nào cũng ổn định thì bà con chúng tôi sẽ rất mừng.”
Đặc biệt, trong những năm gần đây cây Kiệu – một trong những cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao đã được người dân xã Cát Lâm đưa vào trồng thử nghiệm, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực và được nhân ra diện rộng. Đến nay, toàn xã có 42ha cây Kiệu. Nhờ thích nghi với điều kiện chân đất ở địa phương và được người dân chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên cây Kiệu phát triển tốt và cho năng suất khoảng 54 tạ/ha, với giá bán bình quân từ 45 – 50 ngàn đồng/kga, mỗi sào (500m2) trồng Kiệu sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 60 triệu đồng – đây là một loại cây trồng triển vọng của địa phương.
“Trong thời gian tới, xã Cát Lâm sẽ tiếp tục vận động nhân dân mở rộng diện tích cây trồng cạn ở những chân đất có điều kiện thích hợp, chú trọng chuyển đổi đưa vào sử sụng một số cây trồng cạn có năng suất, giá cả ổn định để nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình; đồng thời hỗ trợ giống, kỹ thuật đối với mộ số mô hình trồng các loại cây trồng mới có hiệu quả để nhân ra diện rộng” - ông Nguyễn Văn Cảnh – chủ tịch UBND xã Cát Lâm cho biết:
Có thể nói, việc phát triển diện tích cây trồng cạn là một bước đi đúng hướng của người dân xã Cát Lâm. Qua đó, đã khai thác tối đa lợi thế đất đai, lao động của địa phương, góp phần tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, từng bước xây dựng nông thôn mới./.