|
Nhân dân xã Cát Lâm hiến đất làm đường bê tông nông thôn. |
Là địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, xuất phát điểm để xây dựng nông thôn mới còn thấp nên xã Cát Lâm xác định phải huy động nhiều nguồn lực cùng tham gia, trong đó tập trung phát huy vai trò chủ thể của người dân để xây dựng hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới. Từ đó, Đảng bộ và chính quyền địa phương chú trọng tuyên truyền, vận động; xây dựng lộ trình phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và phổ biến đến tận thôn xóm để nhân dân biết và tham gia.
Ông Nguyễn Văn Cảnh – chủ tịch UBND xã Cát Lâm cho biết: “Mọi công việc đều được triển khai đến tận thôn, xóm và đưa ra trước nhân dân bàn bạc, để tạo sự đồng đồng thuận và kêu gọi người dân cùng tham gia theo phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”; đồng thời, huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia, trong đó, tập trung phát huy vai trò gương mẫu đi đầu của cán bộ, đảng viên. Từ đó, người dân thấy rõ trách nhiệm và quyền lợi của mình nên đã tích cực tham gia đóng góp công sức, tiền của, đất đai để xây dựng nông thôn mới”.
Bằng nguồn vốn hỗ trợ của cấp trên, kinh phí địa phương, nguồn vốn do nhân dân đóng góp cùng nhiều nguồn huy động khác; trong 6 năm qua, xã Cát Lâm đã đầu tư xây dựng, nâng cấp hơn 36,3km đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa hơn 11,3km kênh mương nội đồng và nhiều công trình văn hóa, xã hội khác …, với tổng kinh phí hơn 56,6 tỷ đồng. Trong đó, cấp trên hỗ trợ hơn 48,3 tỷ đồng, ngân sách xã gần 5,1 tỷ đồng và nhân dân đóng gớp hơn 1,5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, thông qua tuyên truyền, vận động, người dân đã tự nguyện hiến hơn 8.334m2 đất; tháo dỡ xê dịch nhiều vật kiến trúc trên đất và chặt bỏ hàng ngàn cây trồng các loại để tạo mặt bằng phục vụ việc mở rộng giao thông nông thôn, xây dựng công trình thủy lợi phục vụ sản xuất; tự đầu tư xây dựng nhà ở kiên cố, hỗ trợ nhau trong sản xuất và mạnh dạn đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện cơ giới hóa trong nông nghiệp góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập. Ngoài ra, nhân dân trong xã còn tự nguyện đóng góp tiền lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng trên nhiều tuyến đường giao thông liên thôn, xóm, tạo thuận lợi cho việc đi lại vào ban đêm, góp phần giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương.
Đến nay, 100% đường trục xã, liên xã đã được nhựa và bê tông hóa; 70% đường trục thôn, xóm và đường trục chính nội đồng đã được cứng hóa bằng bê tông, cấp phối; gần 71,7% kênh mương do xã quản lý được kiên cố hóa. Có 5/5 thôn có nhà văn hóa và khu tập luyện thể thao đảm bảo hoạt động vui chơi, giải trí và tập luyện thể dục của người dân, mạng internet được phủ sóng đến tất cả các thôn, 100% trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường và xã đã hoàn thành phổ cập mầm non trẻ 5 tuổi, xóa mù chức, phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục THCS theo chuẩn 1 và 2, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học THPT đạt 100%. Toàn xã có 100% hộ sử dụng điện, 100% hộ dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 85% và tỷ lệ lao động có việc làm thương xuyên đạt 96,83%; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,98% và trên địa bàn xã không còn nhà tạm, dột nát. Đến cuối năm 2017, xã Cát Lâm đã về đích ông thôn mới.
Vui mừng trước những đổi thay của quê hương từ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới mang lại, ông Hồ Văn Trị - ở thôn An Điềm cho biết: “Nhờ xây dựng nông thôn mới mà đời sống vật chất, tinh thần của bà con chúng tôi ngày càng được nâng cao, đường xá được bê tông xi măng - thắp điện vào ban đêm; nhà văn hóa thôn cũng được xây dựng khang trang… bà con chúng tôi đi lại dễ dàng, có chỗ sinh hoạt, vui chơi thoải mái nên rất phấn khởi”
Đi đôi với xây dựng cơ sở hạ tầng, trong sản xuất nông nghiệp, xã đã tập trung vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ và đưa vào sử dụng các giống mới có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện đất đai ở địa phương để nâng cao năng suất cây trồng, với tổng diện tích chuyển đổi hàng năm khoảng 84ha; từ đó nâng cao giá trị canh tác đạt từ 150 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt, phát huy lợi thế về đất đai ở địa phương, trong những năm gần đây, xã Cát Lâm đã vận động nhân dân tập trung phát triển diện tích cây trồng cạn có hiệu quả kinh tế cao như đậu phụng, dưa hấu, ớt, bắp lai và các loại cây trồng khác...với diện tích sản xuất đậu phụng hàng năm 364ha, ớt 145ha, dưa hấu 170ha, bắp lai 25 ha, kiệu 42ha, mè 20 ha.... Đi đôi với chuyển đổi cây trồng, mùa vụ; xã Cát Lâm còn tạo điều kiện để người dân tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất thông qua các mô hình cánh đồng mẫu lớn, các buổi tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật... Bên cạnh đó, xã còn chú trọng đến việc phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi tập trung. Toàn xã hiện có 40 gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung với tổng đàn bò hơn 3.370 con, trong đó 80% là bò lai, đàn heo có 1.680 con với 100% là heo lai kinh tế và đàn gia cầm có hơn 37.400 con; công chăm sóc, bảo vệ đàn gia súc - gia cầm được chú trọng, góp phần phát triển chăn nuôi trên địa bàn xã. Các mô hình chăn nuôi bò vỗ béo, bò sinh sản tiếp tục được nhân rộng; các mô hình trồng đậu phụng xen mỳ, trồng dừa xiêm đều mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ dân. Trên lĩnh vực lâm nghiệp, tập trung phát triển diện tích rừng trồng; đến nay toàn xã có gần 1.277ha rừng trồng với hai loại cây trồng chính là keo lai và bạch đàn; theo đó, với chu kỳ từ 5 - 8 năm khai thác một lần, mỗi ha rừng trồng cho thu nhập từ 80 – 120 triệu đồng/ha, tạo nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ dân và đã xuất hiện nhiều hộ khá, hộ giàu nhờ trồng rừng, với mức thu nhập từ 300 – 2 tỷ đồng/năm; đồng thời giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương từ việc khai thác rừng. Bên cạnh đó, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp như sản xuất đồ gỗ dân dụng, hàn tiện cơ khí, xay xát và các dịch vụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, xây dựng cũng được khuyến khích đầu tư phát triển, tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho nhân dân, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của xã đạt 11,9%, thu nhập bình quân đầu người đạt 33 triệu đồng/người/năm.
Để giữ vững các tiêu chí đã đạt được về nông thôn mới, ông Nguyễn Văn Cảnh – chủ tịch UBND xã Cát Lâm cho biết: “Trên cơ sở 19 tiêu chí đã đạt được, Đảng bộ và chính quyền xã Cát Lâm sẽ tiếp tục thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020. Theo đó, tập trung củng cố, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được; trong đó chú trọng đầu tư xây dựng để nâng cao hơn nữa các tiêu chí giao thông, thủy lợi và cơ sở vật chất để các tiêu chí đạt được mang tính bền vững nhằm mục đích cuối cùng là tạo được sự thay đổi của bộ mặt nông thôn và đáp ứng được sự hài lòng của người dân trong xã”
Về Cát Lâm hôm nay, đi trên nhưng con đường bê thông bằng phẳng, hai bên đường là những vườn dừa xiêm trĩu quả, những vườn rừng xanh ngút ngàn và những ruộng màu mơn mởn xanh đang kỳ cho trái; những ngôi nhà mới với kiến trúc hiện đại đang mọc lên ngày càng nhiều… tất cả đang tạo nên cho Cát Lâm hôm nay một bức tranh tươi mới với nhiều màu sắc tươi trẻ. Đây chính là kết quả của một xã nông thôn mới mà Đảng bộ, chính quyền và người dân trong xã cùng nhau chung sức xây dựng.