Theo nội dụng công văn: Ngày 27/11/2017, Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã ban hành Quyết định 3850 - QĐ/HNDTW về việc sửa đổi, bổ sung Quy chế bầu cử trong hệ thống Hội Nông dân Việt Nam. Để giúp Ban Thường vụ Hội Nông dân các tỉnh, thành phố tiện theo dõi, nắm bắt và thống nhất trong quá trình tổ chức thực hiện, Ban Thường vụ Trung ương Hội hướng dẫn đối với một số nội dung quan trọng được bổ sung, chỉnh sửa so với Quy chế bầu cử được ban hành trước đây (kèm theo Quyết định 966-QĐ/HNDTW ngày 24/12/2011 của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam). Cụ thể như sau:
I. Về quy chế bầu cử
1. Về Đoàn Chủ tịch
* Điều 10:
- Mục 1.4.2: Nhiệm vụ của Đoàn chủ tịch trong phần điều hành đại hội biểu quyết được bổ sung thêm một số nội dung (tại mục f, mục g). Trong đó cần lưu ý tiến hành biểu quyết thông qua biên bản kiểm phiếu, nhằm kịp thời phát hiện có sai sót trong quá trình kiểm phiếu, đồng thời, biểu quyết để xác nhận kết quả kiểm phiếu.
- Mục 1.4.3: Nhiệm vụ của Đoàn chủ tịch trong phần điều hành bầu cử được chỉnh sửa, bổ sung một số nội dung, trong đó cần lưu ý, chuyển nhiệm vụphổ biến nguyên tắc, thủ tục bầu cử của ban bầu cử trong quy chế trước đây sang cho Đoàn Chủ tịch (thực hiện theo Quy chế bầu cử trong Đảng).
* Điều 15: Bầu ban chấp hành, có điều chỉnh, sắp xếp trình tự sửa đổi một số nội dung, trong đó lưu ý:
- Mục 3. Đoàn chủ tịch đại hội đề cử danh sách nhân sự do Ban chấp hành cấp triệu tập đại hội chuẩn bị. Vì, việc chuẩn bị nhân sự ban chấp hành khóa mới theo Điều lệ quy định là trách nhiệm của ban chấp hành cấp triệu tập đại hội (được tiến hành các bước theo quy trình giới thiệu nhân sự) đã được cấp ủy và Hội cấp trên phê duyệt. Do vậy cần được báo cáo tại đại hội trước khi tiến hành ứng cử, đề cử. Qua đó định hướng rõ nhân sự và tạo sự thống nhất.
- Bổ sung Mục 8: "Đoàn chủ tịch hướng dẫn nguyên tắc, thủ tục bầu cử".
2. Về Ban kiểm phiếu
- Sửa tất cả cụm từ "Ban bầu cử" thành "Ban kiểm phiếu" hoặc "Tổ kiểm phiếu" (có từ 5 thành viên trở lên là Ban kiểm phiếu). Quyền hạn của ban/tổ kiểm phiếu cơ bản giữ nguyên, riêng nhiệm vụ “hướng dẫn nguyên tắc, thủ tục bầu cử” là của Đoàn chủ tịch (Mục 8, Điều 15).
- Điều 10, Mục 4: Quy định số lượng thành viên ban/tổ kiểm phiếu được sửa đổi là: "Số lượng thành viên ban/tổ kiểm phiếu ở đại hội (hội nghị) các cấp do đoàn chủ tịch đại hội (hoặc chủ tọa hội nghị) lựa chọn, giới thiệu; đại hội (hội nghị) biểu quyết thông qua" nhằm giúp các địa phương chủ động lựa chọn số lượng phù hợp với tình hình thực tế thay vì nêu rõ cụ thể số lượng như Quy chế trước đây.
3. Về phiếu bầu
- Phiếu bầu cử: Điều 8, mục 1 cần lưu ý:
Trong trường hợp bầu không có số dư, danh sách bầu cử có nhiều người: chỉ có 1 loại phiếu bầu 4 cột (bỏ cột "chức vụ") so với quy định theo quy chế cũ và bỏ loại phiếu bầu gạch cả họ và tên (theo Công văn 682 - CV/HNDTW, ngày 17/8/2012 và Hướng dẫn 211 HD - /HNDTW, ngày 27/3/2017 của Ban Thường vụ Trung ương Hội).
- Để thống nhất việc sử dụng phiếu bầu trong toàn hệ thống, Trung ương Hội ban hành 3 loại mẫu phiếu bầu như sau:
+ Mẫu số 1: Phiếu bầu mà trong danh sách bầu cử chỉ có một người.
+ Mẫu số 2: Phiếu bầu nhiều người mà không có số dư.
+ Mẫu số 3: Sử dụng trong trường hợp có số dư (Tuy nhiên theo Hướng dẫn số 212 - HD/HNDTW ngày 27/3/2017 của Ban Thường vụ Trung ương Hội về công tác nhân sự đại hội Hội Nông dân cấp tỉnh, huyện, xã nêu rõ việc bầu ban chấp hành, ban thường vụ và các chức danh chủ chốt không nhất thiết phải có số dư).
- Phiếu hợp lệ (Điều 8, mục 2a): Bổ sung quy định "phiếu bầu nhiều người mà không có số dư, người bầu cử đánh dấu X vào cả hai ô (đồng ý và không đồng ý) hoặc không đánh dấu X vào cả hai ô (đồng ý và không đồng ý) của một người hoặc một số người trong danh sách bầu cử".Đây là loại phiếu xuất hiện nhiều trong thực tiễn công tác bầu cử (cả bầu cử trong Đảng). Việc bổ sung quy định theo đúng khoản 2, Điều 17 của Quy chế bầu cử trong Đảng.
4. Cách tính kết quả trúng cử
- Điều 19 được sửa lại ở tiêu đề là: "Tính kết quả bầu cử tại đại hội và các hội nghị ban chấp hành, ban thường vụ", để áp dụng cả đối với các hội nghị kiện toàn, bổ sung Ban chấp hành, Ban thường vụ, Chủ tịch, Phó Chủ tịch chứ không phải chỉ áp dụng đối với đại hội.
- Mục 2 được bổ sung như sau: "Kết quả bầu cử được tính trên số phiếu bầu hợp lệ. Phiếu hợp lệ là phiếu quy định tại Điều 8 của quy chế này. Trường hợp phiếu bầu nhiều người mà không có số dư, người bầu cử đánh dấu X vào cả ô đồng ý và ô không đồng ý hoặc không đánh dấu X vào cả hai ô đồng ý, không đồng ý đối với người nào thì không tính vào kết quả bầu cử của người đó (phiếu đó vẫn được tính là phiếu hợp lệ)"(Theo Điều 32 của Quy chế bầu cử trong Đảng).
Ví dụ (minh họa tại mẫu phiếu số 2): Phiếu có danh sách 39 người, bầu lấy 39 người (bầu tròn). Trong đó 37 người được đánh dấu ở 1 trong 2 ô đồng ý hoặc không đồng ý; 1 người ở số thứ tự 30 được đánh dấu ở cả 2 ô, 1 người ở số thứ tự 33 để trống cả 2 ô. Thì phiếu này là phiếu hợp lệ nhưng khi tính kết quả bầu cử thì người ở số thứ tự 30 và 33 sẽ không được tính theo quy định nêu trên.
- Quy định: "Người trúng cử phải đạt số phiếu bầu của trên 50% so với tổng số đại biểu có mặt dự đại hội hoặc hội nghị và được tính từ người có số phiếu cao nhất đến hết số lượng cần bầu" (Quy chế cũ quy định tính trên "số đại biểu triệu tập").
5. Chỉ định triệu tập viên hội nghị
Điều 16: Quy chế cũ: "Nếu Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch khóa trước không tái cử thì Ban Thường vụ cấp trên ủy nhiệm cho đồng chí mới được bầu vào Ban Chấp hành chủ trì phiên họp cho đến khi bầu xong chủ tọa" được diễn đạt, chỉnh sửa lại như sau: "Nếu Chủ tịch và Phó Chủ tịch khóa trước không tái cử thì Đoàn Chủ tịch đại hội chỉ định triệu tập viên là 1 đồng chí mới được bầu vào Ban Chấp hành, chủ trì phiên họp cho đến khi bầu xong chủ toạ hội nghị".
6. Bầu cử vi phạm nguyên tắc (Điều 22)
- Bổ sung quy định tại Mục 3: "Nếu phát hiện thấy sự vi phạm nguyên tắc, thủ tục bầu cử thì Ban thường vụ cấp trên có quyền bãi bỏ kết quả bầu cử của đại hội hoặc của hội nghị Ban chấp hành cấp dưới, chỉ đạo đại hội (hội nghị) tiến hành bầu cử lại; trường hợp cá nhân đã được bầu vào Ban chấp hành và các chức danh của cấp dưới nhưng không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định thì Ban thường vụ cấp trên có quyền không chuẩn y công nhận".
- Đồng thời bỏ Mục 3 của Quy chế cũ: "Thư tố cáo tư cách đại biểu phải gửi đến Ban Chấp hành trước ngày khai mạc Đại hội. Đối với cơ sở là 10 ngày, đối với cấp trên cơ sở là 15 ngày. Nếu thư tố cáo gửi đến sau thời gian quy định, Ban Chấp hành cấp triệu tập có thể chuyển cho Ban Chấp hành khóa mới xem xét, giải quyết". Vì không thuộc phạm vi quy định của Quy chế bầu cử. Nội dung này thuộc Hướng dẫn công tác tổ chức Đại hội.
II. Một số nội dung khác
1. Trong trường hợp bầu không có số dư, khi bầu lần thứ nhất chưa đủ số lượng cần bầu, nếu đại hội quyết định tiếp tục bầu lần 2 để bổ sung số lượng còn thiếu, thì phải giới thiệu nhân sự ngoài những người vừa bầu trượt lần thứ nhất (nên chọn những nhân sự trong số dư mà Ban Chấp hành cấp triệu tập đại hội đã chuẩn bị).
2. Về việc dừng kiện toàn, bổ sung ủy viên Ban Chấp hành, ủy viên Ban Thường vụ Hội Nông dân cấp tỉnh.
Để đảm bảo sự ổn định về tổ chức, bộ máy, nhân sự Hội Nông dân các tỉnh, thành phố, đồng thời phù hợp với các quy định của Đảng, việc kiện toàn, bổ sung ủy viên Ban Chấp hành, ủy viên Ban Thường vụ Hội Nông dân cấp tỉnh sẽ không thực hiện sau ngày 30/1/2018 (trừ trường hợp đặc biệt). Ban Thường vụ Trung ương Hội chỉ hiệp y và phối hợp chỉ đạo thực hiện quy trình công tác cán bộ đối với việc kiện toàn chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Nông dân cấp tỉnh trong trường hợp cần thiết theo đề nghị của Ban Thường vụ các tỉnh, thành ủy.
3. Lỗi kỹ thuật trong soạn thảo văn bản:
Nội dung Điều 9: Nhiệm vụ của ban chấp hành cấp trên triệu tập đại hội. Đây là lỗi kỹ thuật trong soạn thảo, được sửa lại là: Nhiệm vụ của ban chấp hành cấp triệu tập đại hội.
Ban Thường vụ Hội Nông dân các tỉnh, thành phố căn cứ Quy chế bầu cử trong hệ thống Hội Nông dân Việt Nam được sửa đổi, bổ sung và những hướng dẫn, lưu ý tại văn bản này tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, thống nhất.