Cát Hải là một trong những xã nằm trong vùng kinh tế khó khăn, ở phía đông nam của huyện Phù Cát, có diện tích canh tác nông nghiệp là 357ha, toàn xã có 99,5% số hộ sản xuất nông nghiệp. Trong những năm qua, nhờ thực hiện chuyển đổi cây trồng mùa vụ đã đem lại thu nhập cao trên mỗi ha canh tác, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế của địa phương. Nhờ đó, đời sống nhân dân từng bước được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 36,4 triệu đồng/năm và hạ thấp tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 8,8%.
|
Nông dân cắt kiệu sau thu hoạch. |
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu câu trồng mùa vụ nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích, nông dân Cát Hải đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ và mở rộng diện tích sản xuất cây trồng cạn. Đến nay, diện tích gieo trồng của xã được nâng lên 995ha/năm, cao hơn 223 ha so với năm 2005; bà con nông dân đã chuyển 251,5 ha từ sản lúa kém hiệu quả, năng suất bấp bênh sang sản xuất các loại cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao chủ yếu là hành và đậu phụng. Trong đó, chuyển sang sản xuất cây đậu phụng là 116,5 ha và cây hành 135 ha, với các công thức như: lúa đông xuân – lúa hè – đậu thu, lúa đông xuân – hành hè – hành đông, hành đông xuân – đậu hè – hành thu – hành đông và đậu đông xuân - hành hè – hành đông.
Ông Lê Văn Diêu – chủ tịch UBND Xã Cát Hải cho biết: “Địa bàn xã Cát Hải chủ yếu là đất cát ven biển, nhưng nhờ điều kiện tự nhiên ưu đãi, đồng thời có điện kéo ra tận các cánh đồng để khai thác nước ngầm bơm tưới nên đã chủ động được nguồn nước; đường giao thông được mở ra tạo thuận lợi cho viêc giao thương mua bán hàng hoá. Nhờ đó, nhân dân đã tích cực chuyển diện tích sản xuất lúa bấp bênh và diện tích chân cao sạ cưỡng sang trồng hành, đậu phụng và hạn chế thấp nhất diện tích sản xuất lúa có năng suất, hiệu quả thấp, đem lại gia trị kinh tế cao cho bà con nông dân. Từ năm 2000 đến nay, đời sống của nhân dân trên địa bàn xã có nhiều chuyển biến khởi sắc, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp hàng năm đều đem lại hiệu quả kinh tế cao ”
Đi đôi với chuyển đổi cơ cấu cây trồng – mùa vụ, nông dân Cát Hải đã tích cực khai thác nước ngầm để bơm tưới, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình thâm canh chăm sóc, chọn các giống cây trồng có năng suất cao, chất lượng tốt và chống chịu được với sâu bệnh cũng như thích hợp với điều kiện đất đai ở địa phương như L14, HL 25, LDH 09 vào sản xuất…., nhờ đó năng suất cây trồng đạt khá, trong đó cây đậu phụng đạt năng suất bình quân mỗi vụ 33 tạ/ha và hành đạt năng suất bình quân 80tạ/ha. Với giá bán đậu phụng ổn định từ 22 - 25 nghìn đồng/kg và hành từ 18 – 20 nghìn đồng/kg; nên nhìn chung, trên diện tích chuyển đổi hiệu quả kinh tế cao hơn từ 2 đến 3 lần so với sản xuất lúa trên cùng chân đất và giá trị thu nhập bình quân đạt 330 triệu đồng/ha/năm, góp phần đáng kể vào công tác xoá đói giảm nghèo và nâng cao mức sống nhân dân.…
Gia đình ông Đỗ Văn Khoái – ở thôn Tân Thanh, trước đây thuộc diện hộ nghèo. Cả gia đình chỉ có 2,5 sào đất, mỗi năm chỉ trồng được 1 vụ lúa đông xuân, các vụ còn lại năng suất luôn bấp bênh vì không chủ động được nguồn nước, vì thế thu nhập bị hạn chế, gia đình luôn trong cảnh túng trước hụt sau. Từ khi có đường điện kéo ra tận cánh đồng, gia đình ông đã chủ động khoang giếng khai thác nước ngầm để bươm tưới, đồng thời thuê mướn thêm đất để trồng hành và đậu phụng nâng tổng diện tích đất sản xuất của gia đình hiện nay lên hơn 4 sào. Ngoài sạ 1 vụ lúa đông xuân, ông còn trồng thêm hành, đậu phụng ở vụ hè và vụ đông. Nhờ đó, mỗi năm gia đình thu về hơn 40 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi gần 20 triệu đồng. Từ đó, kinh tế gia đình ngày càng nâng cao và đã thoát được nghèo, cuộc sống dần được ổn định bền vững. Ông Khoái cho biết: “Tận dụng lợi thế sẵn có của địa phương và được học tập các tiến bộ KHKT thông qua các lớp tập huấn, gia đình tôi đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích sản xuất lúa bấp bênh sang trồng hành, đậu phụng; đồng thời tăng thêm vụ và mở rộng thêm diện tích sản xuất. Từ đó, đã đem lại thu nhập ổn định, đời sống ngày càng phát triển và gia đình tôi đã thoát được cảnh đói nghèo”
Thực hiện chuyển đổi cơ cấu câu trồng mùa vụ không những góp phần xoá đói giảm nghèo mà hộ khá, hộ giàu ngày càng tăng và đã xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương điển hình nông dân sản xuất giỏi ngay trên chính mảnh đất cằn cỗi đầy gió và cát này. Tiêu biểu trong số đó, có ông Nguyễn Văn Cung. Với diện tích đất được địa phương giao khoáng cộng thêm đất thuê mướn và khai phá được, hiện nay gia đình ông có tổng diện tích đất sản xuất hơn 0,5ha. Với bản tính cần cù, siêng năng ông đã tích cực học hỏi các tiến bộ khoa học kỹ thuật và các mô hình sản xuất có hiệu quả ở địa phương để áp dụng vào thâm canh, chăm sóc; đồng thời đầu tư vốn để khoang giếng, kéo điện khai thác nước ngầm bươm tưới cho toàn bộ diện tích. Đất không phụ công người, mỗi năm tổng thu nhập của gia đình ông từ lúa, đậu và hành trên 100 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi gần 70 triệu đồng. Nhờ đó, ông có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang và lo cho các con ăn học đầy đủ.
Có thể nói, thực hiện chuyển đổi cơ cấu câu trồng mùa vụ đã giúp nhân dân Cát Hải nâng cao thu nhập, xoá đói giảm nghèo, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế của địa phương.