|
Đóng gói và tiêu thụ sản phẩm rượu Vĩnh Cửu.
|
Người dân ở đây cho hay, cứ 10 hộ trong làng thì có đến 8 hộ nấu rượu để bán hàng ngày. Những người lớn tuổi trong làng cũng không thể biết nghề nấu rượu ở Vĩnh Cửu có từ bao giờ. Nhưng, có một điều mà họ chắc chắn, đó là từ xưa, khi người dân chưa có điều kiện để đào giếng lấy nước, thì người Vĩnh Cửu hay đào những cái hố giữa bãi cát ven bờ sông Côn để lấy nước lọc uống và nấu rượu. Có lẽ, chính nguồn nước của dòng Côn đã góp phần làm nên hương vị độc đáo của rượu Vĩnh Cửu.
Chị Nguyễn Thị Phượng, ở thôn Vĩnh Thọ, xã Vĩnh Hiệp cho biết: gia đình chị làm nghề nấu rượu hơn chục năm nay, mỗi ngày cho ra thành phẩm khoảng 18 lít rượu. Những tháng trước và sau Tết thì rượu nấu đến đâu tiêu thụ hết ngay đến đó. Mỗi năm vào dịp Tết, chị nấu bán được khoảng 500 lít, chủ yếu được bán ngay tại nhà. Chị Nguyễn Thị Phượng cho biết: “Trước đây, khi chưa có nhãn hiệu rượu tập thể, rượu Vĩnh Cửu cũng được nhiều người biết đến vì chất lượng thơm ngon. Giờ được công nhận nhãn hiệu rượu tập thể, tui cũng cố gắng giữ chất lượng rượu. Vì rượu Vĩnh Cửu không chỉ tiêu thụ ở đây mà còn đi nhiều tỉnh khác”.
Cách nấu rượu của người Vĩnh Cửu chủ yếu mang tính gia truyền, công đoạn đầu tiên là nấu cơm, rồi giở ra cho cơm nguội bớt. Sau đó bóp rời, để cho cơm thật nguội, trộn với men. Ủ hỗn hợp cơm và men này trong thùng 3 đêm, sau đó đổ nước vào thùng, ủ thêm 3 đêm nữa mới bắt đầu nấu.
Năm nay, khi rượu Vĩnh Cửu được công nhận nhãn hiệu tập thể, rượu nấu xong được các hộ nhập về cho Tổ dịch vụ Hội Nông dân xã Vĩnh Hiệp để tinh lọc, đóng chai. Bà con làng nghề tỏ ra rất mừng vì những sản phẩm do chính tay mình làm ra từ nay đã được “danh chính ngôn thuận” để đến với nhiều nơi trong và ngoài tỉnh. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận với sản phẩm rượu Vĩnh Cửu, thị trường tiêu thụ rộng mở và giá trị của sản phẩm cũng được nâng cao.
Ông Đặng Văn Xoài – một hộ nấu rượu ở thôn Vĩnh Cửu, xã Vĩnh Hiệp cho biết: “Có được nhãn hiệu, bà con chúng tôi mừng lắm, giá trị sản phẩm làm ra cũng tăng thêm. Do vậy các hộ làm nghề đều nhắc nhau phải giữ cho được chất lượng rượu như trước giờ”.
Chất lượng ngon, mẫu mã đẹp là tiêu chí mà cơ sở sản xuất rượu Vĩnh Cửu của Hội Nông dân xã Vĩnh Hiệp đặt ra nhằm đưa sản phẩm rượu Vĩnh Cửu ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Đến nay cơ sở sản xuất rượu Vĩnh Cửu đã mua sắm các thiết bị, vật dụng cần thiết để đóng chai theo tiêu chuẩn.
Ông Lương Quang Nghị, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Hiệp cho biết thêm: “Ở Vĩnh Hiệp và Vĩnh Thịnh hiện có gần 100 lò nấu rượu, chúng tôi tổ chức thu mua rượu của các hộ về để đưa vào máy tinh lọc, khử andehit và đóng chai. Hiện nay Tổ dịch vụ của Hội Nông dân xã Vĩnh Hiệp đã đầu tư mua sắm được các trang thiết bị cơ bản để xử lý và đóng chai rượu theo đúng tiêu chuẩn quy định. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phối hợp các ngành chức năng của huyện tổ chức kiểm tra vệ sinh thực phẩm tại các hộ nấu rượu để đảm bảo chất lượng rượu Vĩnh Cửu”.
Tùy theo chất lượng, uy tín của từng lò rượu, rượu Vĩnh Cửu có giá từ 30.000-35.000 đồng mỗi lít. Không sản xuất quy mô lớn, nhưng công việc nấu rượu độ nhật vẫn mang lại nguồn sống ổn định cho người dân Vĩnh Cửu; nhất là những hộ kết hợp tốt giữa nấu rượu và nuôi heo, tráng bánh… Năm nay, rượu được chiết xuất, đóng chai theo tiêu chuẩn chất lượng, giá thành vào khoảng 50.000đ mỗi lít.
Với nhãn hiệu tập thể, các quy định về tiêu chuẩn, chất lượng, mẫu mã... sẽ được thực hiện nghiêm ngặt, các tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh phải tuân thủ quy trình kỹ thuật chế biến, thực hiện đầy đủ các yêu cầu, điều kiện về sản xuất, kinh doanh theo quy định của UBND huyện Vĩnh Thạnh. Đồng thời, các cơ quan chức năng địa phương cũng thường xuyên kiểm tra sản phẩm của những cá nhân, tổ chức được cấp giấy chứng nhận.
Ông Lê Văn Sơn - Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Hiệp cho biết: “Duy trì chất lượng rượu ổn định là tiêu chí hàng đầu của cơ sở sản xuất rượu Vĩnh Cửu, vì đây là sản phẩm truyền thống của địa phương. Việc giữ được chất lượng rượu sẽ nâng cao giá trị sản phẩm nên chúng tôi luôn quan tâm kiểm tra, nhắc nhở các hộ nấu rượu và Tổ dịch vụ làm tốt tất cả các khâu”.
Rượu Vĩnh Cửu trước đây chủ yếu được bán ngay tại nhà, nay có nhãn hiệu rượu Vĩnh Cửu đã theo những chuyến xe đường dài ra tận Đà Nẵng, Hà Nội, vào tận thành phố Hồ Chí Minh hay ngược lên cao nguyên Đắc Lắc.
Trong dịp Tết này, Tổ dịch vụ Hội nông dân xã Vĩnh Hiệp đã sản xuất và cung ứng trên 5 nghìn chai trên thị trường trong và ngoài huyện. Đã có một số khách hàng đặt mua với số lượng lớn nhưng vì đang thời điểm cận Tết nên chưa thể đáp ứng được –ông Nghị cho biết thêm.
Nhãn hiệu “Rượu Vĩnh Cửu” được công nhận đã giúp cho người dân Vĩnh Hiệp và Vĩnh Thịnh có thêm cơ hội thúc đẩy phát triển, mở rộng thị trường và đưa thương hiệu sản phẩm đi xa, nâng cao thu nhập.