Anh Đặng Văn Đức ở thôn Xuân Phong Nam, xã An Hòa (chủ quán café Góc Phố) là một trong những người chơi lan lâu năm. Theo anh Đức thì chơi lan rừng là một thú chơi tao nhã, khiến tâm trạng con người thư thái, nhẹ nhàng hơn sau một ngày làm việc vất vả. Vì vậy gia chủ quán café Góc Phố đã thiết kế những giàn phong lan đẹp mắt. Lan rừng có giá trị riêng, bởi nó mang vẻ đẹp tự nhiên, ra hoa đúng mùa, hoa nở dài ngày và mùi hương rất đặc trưng, khác biệt so với các loại hoa lan đã qua lai, ghép. Chính vì điều này mà lan rừng có sức hút và sự kích thích tạo nên một thú vui cho khách đến thư giản, nhờ vậy mà quán café của anh Đức mỗi ngày một đông khách.
Anh Đức trao đổi: “Để sở hữu được những giò lan ưng ý, người chơi cũng phải tốn khá nhiều công sức, phải cầu kỳ, nhẫn nại. Việc chăm sóc lan rừng cũng lắm công phu. Vì trót mê cái vẻ đẹp thanh tao, quý phái, sức sống bền bỉ của lan rừng mà giờ đây tôi đã sưu tầm, sở hữu cả vài trăm giò lan đủ loại như Nghinh xuân, Giả hạc, Quế tím, Quế vàng, Đuôi cáo, Hồ điệp, Vũ nữ, Đoản kiếm…đặc biệt là đã sưu tầm nhiều giò lan rừng giống Đại Châu quý hiếm trị giá hàng chục triệu đồng, hoa nở đúng vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm”.
Điều đáng nói, anh Đức là một trong vài người ở An Lão đã thành công trong nhân giống lan rừng Đại Châu từ hạt phấn của cây mẹ. An Đức cho biết, sau hai năm ươm trong bầu đến khi lan con mọc được từ 4 đến 6 lá thì mới chiếc sang chậu hoặc gắn kết vào thân cây mục để cho lan phát triển tự nhiên.
Mới đây, UBND huyện An Lão đã quyết định chi gần 20 triệu đồng từ nguồn kinh phí khoa học và công nghệ năm 2017 của địa phương hỗ trợ cho hộ ông Văn Công Chi ở thôn Xuân Phong Nam, xã An Hòa, huyện An Lão để bảo tồn và phát triển Lan rừng An Lão từ nay đến năm 2020.
Trước đó, hộ ông Văn Công Chi đã xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát triển Lan rừng An Lão” đã được Hội đồng KH&CN huyện An Lão nhất trí thông qua với mục tiêu chung là bảo vệ được nguồn gen quý của hệ hoa lan rừng An Lão, đặc biệt là loài lan Đại Châu; Từng bước phát triển kinh tế hộ từ hoa lan với mức thu nhập 100 triệu đồng/năm.
Hiện nay, hộ ông Văn Công Chi đang sở hữu 300 nhánh hoa lan Đại Châu và 100 nhánh lan các loại khác. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020 hộ ông Chi sẽ đầu tư gần 500 triệu đồng để xây dựng nhà bảo vệ, hệ thống tưới và giàn trồng hoa lan, đồng thời tự nhân giống lan Đại Châu bằng hạt và thu mua một số loại lan khác thu hái từ rừng tự nhiên An Lão như lan Thủy Tiên, Long Tu, Giã Hạt, Quế Hương, Giáng Hương…phấn đấu đạt 500 nhánh lan Đại Châu và 1.000 nhánh lan rừng khác để cung cấp ra thị trường quảng bá các loại lan quý hiếm, độc đáo ở An Lão.
Là người có kinh nghiệm qua gần 20 năm trồng và chơi lan rừng ông Chi cho biết: “Lan rừng có loài mọc trên vách đá ẩm ướt, có loài mọc trên thân cây mục. Vì vậy, khi đưa về nhà, người chơi phải nắm được những đặc tính này để tạo điều kiện sống tương ứng. Việc chơi lan rừng cũng lắm công phu, sau khi đem về, người chơi phải cắt tỉa bớt những rễ già rồi mới đem trồng vào các chậu đựng xơ dừa, than củi hoặc ghép vào các thân cây sống, cây khô, chăm sóc tỉ mỉ sao cho lan phát triển, ra hoa đúng mùa và nở những chùm hoa to, đẹp, thơm ngát…”.
Anh Tuấn Anh ở Thôn 2, thị trấn An Lão đã có niềm đam mê không giới hạn với hoa lan, nên những nhành lan, giò lan được anh sưu tầm ngày một nhiều. Không dừng lại ở đó, nhận thấy nhu cầu chơi lan của nhiều người nên anh đã nảy ra ý tưởng kinh doanh hoa lan.
Đặc biệt, để làm phong phú thêm các loại lan, anh Tuấn Anh còn liên hệ đến tận các tỉnh của cả nước mua các giống lan đẹp về ươm giống cung cấp cho thị trường. Việc kinh doanh hoa lan rầm rộ và đắt hàng nhất là vào dịp Tết Nguyên đán. Chỉ trong dịp Tết Mậu Tuất này gia đình anh Tuấn Anh đã bán ra thị trường vài trăm giò lan, mỗi năm, gia đình anh thu nhập hàng trăm triệu đồng từ việc kinh doanh hoa lan.
Trao đổi về việc phát triển và bảo tồn giống lan rừng quý hiếm hiện nay ở huyện miền núi An Lão ông Đỗ Tùng Lâm-Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Thực hiện Chương trình hành động của Huyện ủy về phát triển du lịch trên địa bàn huyện trong những năm tới, ngoài việc xây dựng các điểm du lịch sinh thái huyện cũng khuyến khích người dân sản xuất nhiều mặt hàng truyền thống, các sản phẩm ẩm thực mang nét đặc trưng riêng của địa phương để phục vụ du khách. Bên cạnh đó cũng cần chú trọng đến việc trồng, mở rộng diện tích trồng cây ăn trái, tổ chức nhân rộng các cơ sở trồng, chăm sóc và kinh doanh lan rừng nhằm phục vụ nhu cầu của khách du lịch, tăng thu nhập kinh tế hộ, đồng thời nhân giống những loài lan rừng quý hiếm, tránh nguy cơ một số loài lan rừng bị kiệt quệ”.