Từng bước xã hội hóa về công tác quản lý, bảo vệ rừng, trong nhiều năm qua huyện miền núi An Lão đã thực hiện tốt phương án giao rừng, đất lâm nghiệp cho tổ chức và cá nhân quản lý, bảo vệ. Trong đó, Ban Quản lý rừng phòng hộ An Lão quản lý hơn 17.600ha, Ban Quản lý rừng đặc dụng An Toàn quản lý gần 24.000ha, hộ gia đình quản lý hơn 488ha rừng trồng, UBND xã, thị trấn quản lý hơn 22.700ha.
Trong những năm gần đây công tác quản lý, bảo vệ rừng đã đã được các cấp, các ngành ở huyện An Lão xác định là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, nhờ vậy công tác quản lý, bảo vệ rừng hàng năm đạt được nhiều kết quả tích cực, các điểm nóng về phá rừng đã giảm hơn trước; Cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn đã nâng cao trách nhiệm trong quản lý Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, ý thức của người dân tham gia bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng đã được nâng lên rõ rệt. Chỉ tính riêng trong năm 2017 đã có hơn 3.300 lượt người dân tham gia các buổi tuyên truyền về bảo vệ rừng và PCCCR.
Tuy nhiên, qua con số thống kê của các cơ quan chức năng thì tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép ở An Lão vẫn còn nhiều bức xúc. Theo thống kê giai đoạn I (năm 2016) toàn huyện An Lão đã có 218,5ha rừng, đất lâm nghiệp bị tàn phá và lấn chiếm trái phép; thống kê giai đoạn II (từ năm 2011-2016) trước đó đã có hơn 245 ha rừng và đất lâm nghiệp bị xâm hại. Theo tổng hợp của Hạt Kiểm lâm huyện An Lão, trong năm 2017 các lực lượng chức năng trên địa bàn huyện đã phát hiện và bắt giữ 130 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, trong đó 21vụ có chủ và 109 vụ chưa xác định được chủ vi phạm. Tang vật thu giữ hơn 55m3 gỗ các loại, 20kg gỗ trắc, 13,5kg lan rừng, 07 xe ô tô, 08 xe mô tô, 01 xe độ chế. Điều đáng nói là đã có thêm 74ha rừng tự nhiên bị chặt phá. Trong 29 vụ phá rừng đưa ra xử lý trong năm 2017, ngoài xử phạt vi phạm hành chính huyện An Lão đã chuyển hồ sơ cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh khởi tố 01 vụ 08 bị can, khởi tố hình sự 05 vụ phá rừng khác, trong đó đã đưa ra xét xử 01 vụ với mức án 12 tháng tù giam cho kẻ phá rừng và buộc trồng lại toàn bộ diện tích rừng đã bị chặt phá.
Ông Đoàn Văn Tá-Hạt Trưởng Hạt Kiểm lâm huyện An Lão cho biết về nguyên nhân các vụ phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện vẫn còn tái diễn: “ Diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện rất lớn, địa bàn rộng, địa hình cách trở, lực lượng bảo vệ rừng còn mỏng là nguyên nhân dẫn đến việc bảo vệ rừng ở An Lão còn gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, một bộ phận người dân còn thiếu đất sản xuất, trong khi đó giá keo nguyên liệu giấy tăng cao đã kích thích một số đối tượng bất chấp pháp luật để phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trồng cây keo. Đáng lưu ý là một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực hiện nghiêm túc Nghị định số 23/2006/ NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng, trong khi đó hoạt động của các đối tượng xâm hại đến rừng có nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, kể cả sẵn sàng chống lại lực lượng thi hành công vụ”.
Nhằm ngăn chặn có hiệu quả tình trạng phá rừng và lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép trong thời gian tới, ngay từ đầu năm 2018 huyện An Lão đã triển khai quyết liệt các biện pháp bảo vệ rừng, nhất là trong dịp đón Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018. Trao đổi về vấn đề này ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão cho biết:“ Ngay từ đầu năm mới 2018, huyện An Lão đã huy động lực lượng tổng hợp, tổ chức ngăn chặn có hiệu quả tình trạng mua bán, cất giữ và vận chuyển lâm sản trái pháp luật, đồng thời phòng ngừa, đấu tranh xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng, góp phần bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an tòan xã hội ở địa phương.
Đặc biệt, Hạt Kiểm lâm huyện đã phối hợp với các lực lượng chức năng và chính quyền các xã, thị trấn tổ chức tuần tra, truy quét tại các địa bàn rừng trọng điểm, đồng thời thành lập và duy trì hoạt động thường xuyên 09 điểm chốt chặn cố định để xử lý các hành vi xâm hại đến rừng tại Trạm Kiểm lâm xã An Hòa; Trạm kiểm lâm xã An Quang; Km số 11, xã An Nghĩa; Thôn 3, xã An Vinh; Thôn 4, xã An Dũng; Thôn 3 và Thôn 6, xã An Trung; Hồ thủy điện sông Vố; Thôn 1 và Thôn 4, xã An Hưng”.
Ngoài ra, các lực lượng chức năng của huyện còn phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn và đơn vị huyện giáp ranh tổ chức nhiều đợt cao điểm tổ chức tuần tra, truy quét các địa bàn rừng tại các xã, thị trấn và vùng rừng giáp ranh nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp trồng cây trái phép; phá rừng, đốt rừng, khai thác rừng trái pháp luật; khai thác, vận chuyển lâm sản và săn bắt động vật rừng hoang dã, nhằm bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, hạn chế thấp nhất tình trạng vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng ở địa phương ./.