Không thể phủ nhận một thực tế là sau hơn 7 năm triển khai xây dựng chương trình NTM, diện mạo nông thôn ở huyện Phù Cát đã có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực. Nổi bật là cơ sở hạ tầng trên địa bàn các xã được đầu tư xây dựng khang trang, kiên cố; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện; an sinh xã hội được quan tâm và ngày càng đảm bảo. Tuy nhiên, do đẩy nhanh tiến độ về đích NTM, các xã đã tập trung đầu tư xây dựng hàng loạt các công trình dẫn đến sau khi về đích NTM còn để tồn đọng nợ xây dựng cơ bản các công trình kéo dài, khó thanh toán, với số nợ gần 13 tỷ đồng. Trong đó, xã Cát Hanh nợ đọng nhiều nhất trên 6,3 tỷ đồng, chiếm gần 50% nợ đọng NTM toàn huyện.
Đối với xã Cát Hanh, khi bắt đầu triển khai thực hiện xây dựng NTM, xã cũng gặp rất nhiều khó khăn. Theo ông Võ Văn Sáu, Chủ tịch UBND xã, thời điểm đó, các tuyến đường giao thông, hệ thống kênh mương thủy lợi còn đạt rất thấp so với tiêu chí quy định. Cơ sở vật chất, văn hóa chưa đáp ứng nhu cầu, chưa có nhà văn hóa xã, các nhà văn hóa thôn xóm còn tạm bợ, không đủ điều kiện sinh hoạt và hội họp của nhân dân. Các chương trình, dự án lồng ghép triển khai chậm. Mặt khác, mặt bằng kinh tế, đời sống dân cư trên địa bàn xã không đồng đều dẫn đến hạn chế trong thực hiện các tiêu chí. Nhưng với sự đồng thuận, chung sức của nhân dân, Cát Hanh đã nỗ lực hoàn thành xây dựng NTM vào năm 2016, tạo nên diện mạo mới cho quê hương. Theo đó, xã đã huy động trên 73,5 tỷ đồng xây dựng NTM; trong đó nhân dân tham gia đóng góp 5,7 tỷ đồng. Các công trình điện, đường, trường học, hệ thống thủy lợi được đầu tư xây dựng, phục vụ thiết yếu cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
Cũng theo ông Chủ tịch UBND xã Cát Hanh, để giải quyết tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản, xã đã họp bàn và đề ra nhiều giải pháp thực hiện nhằm phấn đấu nhanh chóng trả hết nợ. Theo đó, cùng với việc tiếp tục huy động các nguồn vốn xã hội hóa, sự đóng góp, ủng hộ của con em quê hương, tập trung đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho nhân dân thì giải pháp chủ yếu và trước mắt của xã vẫn là trông chờ vào nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất tại địa phương. Với lợi thế có những khu đất bám mặt đường quốc lộ I A và liên xã, có giá trị sử dụng cao, xã dự kiến trong năm 2018 đấu giá đất ở các khu vực này sẽ cơ bản trả hết số nợ đang tồn.
Về vấn đề này, ông Võ Văn Sáu - Chủ tịch UBND xã Cát Hanh nêu lộ trình trả nợ như sau: “Vấn đề nợ đọng NTM là một vấn đề lớn, mà đảng ủy- UBND xã hết sức quan tâm. Trong năm 2018 chúng tôi tập trung để bán đấu giá đât ở và cấp đất ở cho dân; để có nguồn trả nợ đọng NTM. Xã cố gắng đến năm 2019, sẽ trả nợ dứt điểm NTM”.
Cũng như xã Cát Hanh, mặc dù khá chủ động trong việc giải quyết nợ trong xây dựng NTM, nhưng xã Cát Hiệp cũng gặp nhiều khó khăn trong giải quyết số nợ này. Ông Nguyễn Văn Cho, Chủ tịch UBND xã cho biết: Khi bắt tay vào xây dựng NTM, xã đầu tư xây dựng một loạt các công trình phúc lợi công cộng, như nâng cấp, xây dựng 9 trường mầm non, trạm y tế xã, nhà văn hóa và một số hạng mục công trình quan trọng khác. Đến nay, sau gần 3 năm đón danh hiệu xã đạt chuẩn NTM, Cát Hiệp còn nợ trên 03 tỷ đồng tiền xây dựng cơ bản. Tuy số nợ không nhiều nhưng việc giải quyết nợ đọng rất khó khăn do ngân sách xã có hạn, nguồn đất để đấu giá không có nhiều và giá trị thấp.
Ông Nguyễn Văn Cho- Chủ tịch UBND xã Cát Hiệp trao đổi: “Giải pháp hiện nay là xã đang lập hồ sơ để bán đấu giá quyền sử dụng đất. Trong năm 2018 , xã dự kiến bán 27lô đất, mỗi lô đất trị giá 60 triệu đồng, địa phương được trích lại 60%, xã Cát Hiệp thu được gần 01 tỷ đồng để trả nợ.
Ông Nguyễn Văn Cho, Chủ tịch UBND xã Cát Hiệp cho biết thêm: Khi về đích NTM, xã xác định đó là niềm vui lớn nhưng cũng còn nhiều việc phải làm, trong đó có việc duy trì và nâng cao các tiêu chí, đồng thời phấn đấu trả hết số nợ xây dựng cơ bản trong thời gian sớm nhất. Xã cũng quy hoạch và tiến hành đấu giá đất những khu đất có giá trị cao, cho nguồn thu đáng kể. Bằng kế hoạch trả nợ từng bước, theo lộ trình, mỗi năm một ít, xã phấn đấu hết năm 2019 sẽ thanh toán cơ bản số tiền còn nợ đọng”.
Theo tìm hiểu, nguyên nhân khiến cho nhiều xã còn nợ đọng số tiền lớn trong xây dựng NTM là do nguồn ngân sách của huyện, xã chưa đáp ứng nhu cầu cân đối vốn tại địa phương trong xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, trong khi nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất hàng năm không thể cân đối bố trí trả hết nợ. Một số xã xây dựng các công trình hạ tầng có quy mô quá lớn, vượt chuẩn theo quy định như: Nhà văn hóa, trạm y tế, trường học…
Bên cạnh đó, nhiều xã xây dựng NTM chưa thực hiện triệt để cơ chế đầu tư đặc thù, tạo chi phí phát sinh khá lớn trong quá trình đầu tư cơ sở hạ tầng. Thêm vào đó, trong quá trình thực hiện dự án, do yêu cầu sớm hoàn thành, bàn giao đưa công trình vào sử dụng, nhiều chủ đầu tư đã thúc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, ứng vốn để thi công dẫn đến khối lượng thực hiện vượt nhiều so với số vốn trong kế hoạch…
Có thể thấy, phần lớn các xã xây dựng NTM ở huyện Phù Cát hiện nay đều trông chờ vào nguồn kinh phí từ đấu giá quyền sử dụng đất để trang trải nợ xây dựng cơ bản. Điều này dẫn đến nợ đọng kéo dài và khó khăn trong quá trình trả nợ.
Do vậy, vấn đề đặt ra là ngay khi triển khai xây dựng NTM phải có kế hoạch phối hợp, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư. Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ việc phê duyệt dự án đầu tư, chỉ phê duyệt dự án đầu tư khi đã xác định rõ nguồn vốn; rà soát, đánh giá các dự án đầu tư, tập trung bố trí nguồn lực đối với các dự án có hiệu quả, dự án cấp bách, cắt giảm và dừng các dự án không có hiệu quả. Đồng thời, cần tập trung nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, rà soát quy hoạch NTM; chú trọng đầu tư phát triển các công trình hạ tầng thiết yếu cấp xã, thôn, gắn với phát triển sản xuất, đời sống của người dân.
Trước thực tế đó, huyện Phù Cát đã chỉ đạo các xã thực hiện nghiêm túc công tác đầu tư xây dựng cơ bản; xác định rõ tổng vốn và cơ cấu của nguồn vốn để đảm bảo tính chịu đựng của ngân sách cấp xã và tính khả thi của công trình, dự án trước khi tiến hành xây dựng; không ứng vốn vượt quá tỷ lệ cho phép đối với từng dự án; tuyệt đối không triển khai xây dựng các công trình khi chưa có vốn, chưa xác định rõ nguồn vốn chi trả sau khi được phân khai. Đồng thời, huyện chỉ đạo các địa phương rà soát, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của từng xã; đầu tư cơ sở hạ tầng tăng quỹ đất để đấu giá quyền sử dụng đất và tăng cường đầu tư duy trì, nâng cao hệ thống cơ sở vật chất đã có.
Ông Nguyễn Văn Lê- Phó Trưởng Phòng NN& PTNT huyện Phù Cát cho biết: “Giải pháp khắc phục tình trạng nợ đọng nông thôn mới trong thời gian đến là: Đối với các địa phương còn nợ đọng xây dựng cơ bản thì không cho phép triển khai công trình xây dựng mới cho đến khi xử lý xong nợ đọng; chỉ phê duyệt dự án khi đã xác định được nguồn vốn. Không xem xét công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới đối với địa phương có nợ đọng xây dựng cơ bản. Đối với các địa phương đã được công nhận đạt chuẩn, nếu không xử lý xong nợ đọng xây dựng cơ bản trong vòng 1 năm kể từ khi công nhận thì đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét lại việc công nhận đạt chuẩn NTM”.
Để chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM không trở thành gánh nặng cho mỗi người dân, các địa phương không rơi vào tình trạng " nợ công ", việc hoạch toán đầu tư trong XDNTM cần được các địa phương tính toán điều chỉnh sát thực tế, phù hợp với điều kiện và tiềm lực của từng địa phương, tránh tình trạng “Xây được nhà lại lo trả nợ”.