Vai trò quan trọng của nông dân và HND giải phóng Miền Nam trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước
Ngày 20 tháng 12 năm 1960, Đại hội đại biểu Quốc dân miền Nam đã họp tại căn cứ Bắc Tây Ninh ra tuyên bố thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và ngọn cờ của Mặt trận dân tộc Giải phóng, ngày 21 tháng 4 năm 1961, cũng tại vùng đất lịch sử này Hội Nông dân Giải phóng miền Nam chính thức ra đời và trở thành thành viên của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam. Ngay sau khi ra đời, Hội đã tuyên bố tán thành nội dung Tuyên ngôn và chương trình hành động 10 điểm của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam nhằm thực hiện các mục tiêu giải phóng dân tộc, hòa bình thống nhất đất nước và thực hiện các quyền dân sinh, dân chủ. Tập trung xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tổ chức, huy động nông dân thực hiện các phong trào ở nông thôn
1. Phong trào đấu tranh bảo vệ quyền làm chủ ruộng đất do cách mạng đem lại.
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, chính sách ruộng đất của Đảng được thực hiện từng bước trong quá trình kháng chiến chống thực dân Pháp. Tính chung từ Liên khu V vào đến Nam bộ trong thời gian từ 1945 đến 1954 đã có trên 750.000ha ruộng đất các loại được cách mạng chia cấp và tạm giao cho nông dân, địa tô phong kiến giảm còn từ 25% trở xuống so với sản lượng. Đời sống dân nghèo đã được cải thiện một cách rõ rệt. Những thành quả về ruộng đất mà nông dân miền Nam giành được từ sau Cách mạng tháng Tám đến kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi tuy mới là kết quả bước đầu nhưng đã để lại ảnh hưởng sâu sắc, tạo nguồn lực to lớn cho cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước sau này.
Sau Hiệp định Giơnevơ, Mỹ hất cẳng Pháp, nhảy vào xâm lược miền Nam, chúng thi hành chính sách “bình định nông thôn" nhằm chống lại sự nổi dậy của quần chúng nhân dân vì chúng xác định có kiểm soát được nông thôn, chúng mới chiến thắng trong cuộc chiến tranh này, mất nông thôn chúng sẽ mất tất cả.
Trong suốt hơn 20 năm can thiệp và xâm lược, đế quốc Mỹ và tay sai luôn đặt vấn đề ruộng đất làm quốc sách thành một thủ đoạn có ý nghĩa chiến lược. Với các Dụ số 2, số 7, số 57 từ năm 1955 đến năm 1956, chính quyền Diệm đã bật đèn xanh cho giai cấp địa chủ giật lại số ruộng đất mà cách mạng cấp cho nông dân và tăng tô, truy tô một cách phổ biến. Thực tế cho thấy khắp nông thôn miền Nam, từ Nam bộ đến Trung bộ và Tây Nguyên, số ruộng đất của nông dân được cách mạng cấp đã bị địa chủ và chính quyền Mỹ - Diệm cướp lại gần hết. Điển hình như ở Mỹ Tho, trong số 46.415ha đất của nông dân được chia cấp chỉ còn giữ được 16ha, 26.000ha đã bị tăng tô. Mức tô trước đây giảm còn 20-25 giạ nay đã tăng lên 35-60 giạ lúa/ha.
Nhưng chính phong trào Đồng khởi của nhân dân miền Nam từ cuối năm 1959 cho đến năm 1975 đã đánh đòn quyết định vào giai cấp địa chủ miền Nam. Ruộng đất mà địa chủ tước đoạt lại của nông dân sau năm 1954 đã phải trả lại cho nông dân. Ruộng đất của địa chủ làm tay sai cho Mỹ - Ngụy tiếp tục bị tịch thu, trưng thu và cấp cho nông dân, ruộng đất của địa chủ vắng mặt được tạm chia cấp cho nông dân không ruộng và thiếu ruộng. Địa chủ thường được phép thu tô nhưng phải thu theo quy định của cách mạng. Kể từ sau Đồng khởi 1960 đến 1965, từ Trị Thiên vào đến Nam bộ, nông dân đã giành thêm quyền làm chủ 1.382.776 ha ruộng đất từ tay bọn phản động. Nếu tính cả đất đai mà nông dân đã thu trước đó thì ruộng đất có trong tay nông dân đến thời điểm này là 2.100.00/ha, chiếm 70% đất canh tác toàn miền. Chính sách ruộng đất của cách mạng do Hội Nông dân Giải phóng đứng ra thực hiện kể từ sau Đồng khởi đã có tác dụng tích cực động viên hội viên và nông dân miền Nam luôn trung thành với Đảng và cách mạng, sẵn sàng cống hiến, hy sinh cho cách mạng để giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước.
2. Phong trào nông dân miền Nam trong sản xuất phục vụ chiến đấu
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và hướng dẫn của Hội Nông dân giải phóng, nông dân miền Nam đã vượt qua khó khăn, gian khổ, bám đất giữ làng, giữ vững sản xuất, thực hiện khẩu hiệu “hầm tốt hơn nhà tốt”, “biến nhà thành công sự, biến đồng ruộng thành trận địa”, ngụy trang cho trâu bò, đào công sự tránh bom pháo ở ngoài đồng, bố trí lực lượng canh gác ngày đêm,.. đã xuất hiện nhiều gương nông dân chiến đấu dũng cảm kiên cường giữ đất, giữ làng. Trong lúc nguồn nhân lực quan trọng trong sản xuất nông nghiệp ở nông thôn là nam giới phải cầm súng trực tiếp ra tiền tuyến thì ở hậu phương – nông thôn, lực lượng sản xuất chủ yếu là phụ nữ, trẻ em và người già. Đặc biệt lực lượng nữ đã thể hiện vai trò thay thế nam giới trong công việc đồng áng. Chị em đã làm được những việc trước đây chưa biết làm như: phát cỏ, cày bừa, cuốc đất, ở miền núi thì phát rẫy…, Tinh thần tương trợ trong nông dân lúc này đã thể hiện rất rõ trong sản xuất và đời sống. Mặc dù bị địch khủng bố ác liệt nhưng những vạn vần, đổi công vẫn phát triển mạnh mẽ trong nông dân ở nông thôn, trở thành chỗ dựa, nơi che dấu cán bộ, du kích…
Đối với sản xuất: Các tổ vạn vần, đổi công đã giúp giải quyết khó khăn thiếu nhân lực trong sản xuất để đảm bảo sản xuất kịp thời vụ và trong những lúc địch đánh phá ác liệt. Lao động của người già và trẻ em được tận dụng. Các vạn vần, đổi công cho thấy nếu nông dân làm ăn riêng lẻ thì có những khó khăn không khắc phục nổi như từ lúc cày đã có người cày và người lo việc cảnh giới địch đi càn, đi lùng sục; lúc gặt, cấy giấu lúa phải làm thật nhanh chóng, gặp lúc địch đánh ban ngày thì phải chuyển sang làm đêm…
Đối với nhiệm vụ chiến đấu: Các tổ vạn vần, đổi công phần lớn trong các vùng căn cứ, vùng du kích nên hai nhiệm vụ sản xuất và chiến đấu luôn được gắn chặt với nhau. Trong từng vạn vần, hàng năm đã sắp xếp người đi tòng quân, người vào du kích bám đất giữ làng, người đi dân công phục vụ chiến đấu. Ngoài ra còn tham gia xây dựng ấp, xã chiến đấu, phong trào chiến tranh du kích và đấu tranh chính trị.
Đối với đời sống: Nhờ bảo đảm được các nhiệm vụ sản xuất và chiến đấu, các tổ vạn vần, đổi công đã giữ được đời sống của tổ trong hoàn cảnh chiến tranh. Một số nơi đời sống còn được cải thiện. Từ đó đã động viên nông dân trong toàn miền hăng hái tham gia đóng góp sức người, sức của cho cách mạng.
Có thể nói, là một tổ chức chính trị của nông dân miền Nam, Hội Nông dân Giải phóng miền Nam đã kế thừa truyền thống cách mạng của Nông hội đỏ, Hội Nông dân phản đế và Hội Nông dân cứu quốc. Phát huy thắng lợi trong cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp, Hội đã nêu cao vai trò tiên phong, nòng cốt trong các phong trào ở nông thôn, vận động nông dân tích cực thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chương trình hành động cách mạng của Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam trong mọi lĩnh vực, nhất là trong sản xuất và chiến đấu, trong thực hiện chính sách ruộng đất, là tổ chức xương sống ở nông thôn thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, góp phần quan trọng trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đánh giá vai trò của giai cấp Nông dân và Hội Nông dân Việt Nam trong dấu tranh giải phóng dân tộc, tại Đại hội I Hội Nông dân Việt Nam (tháng 3/1988) đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã khẳng định: "Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi mà chúng ta đã giành được, thực chất là thắng lợi của đội quân nông dân mặc áo lính", thắng lợi của toàn dân đánh giặc chủ yếu là nông dân. Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ thực chất đã chẳng những không thay đổi mà còn "tô đậm thêm, rạng rỡ hơn bao giờ hết".