Về xã vùng cao An Nghĩa , huyện An Lão hôm nay, diện mạo nông thôn của một xã vùng cao đã có nhiều thay đổi mà ở buôn làng trước đó không có được. Đó là nhận thức của bà con về việc tiếp thu cái mới, tiếp thu khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất… Nếu như trước đây bà con chỉ quen với việc làm lúa rẫy thì nay họ đã biết đến sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh từng vùng. Việc trồng lúa nước, mỳ cao sản, ngô lai, lạc… không còn xa lạ với bà con. Từ việc chọn giống, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đến việc thu hoạch bảo quản, bà con luôn được cán bộ khuyến nông trợ giúp kỹ thuật. Nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn phát triển kinh tế vườn rừng, kinh tế VAC, VACR, mở rộng các hình thức phát triển kinh tế, kết hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi. Nhờ vậy hiện nay ở An Nghĩa đã có nhiều hộ gia đình đạt được mức thu nhập từ 100 đến 200 triệu đồng/ năm. Những kết quả mà An Nghĩa đạt được trong thời gian qua đó là nhờ có chương trình 30a của Chính phủ
Gia đình anh Ðinh Văn Nhứt ở thôn 1, xã An Nghĩa là một điển hình. Cha mất sớm, mẹ một nách nuôi 3 con, Nhứt chỉ được học đến lớp 6 vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Cưới vợ năm 26 tuổi, được mẹ cho 10 sào ruộng, anh Nhứt trồng lúa lai 2 vụ/năm. Chăm chỉ canh tác nhưng mỗi năm thu nhập chưa đầy 20 triệu đồng, trừ chi phí chỉ lãi 5 triệu đồng/năm. Quyết tâm vươn lên, anh xin vay 5 triệu từ Ngân hàng Chính sách xã hội mua 1 con bò, 1 con trâu về nuôi.
Năm 2008, được Nhà nước hỗ trợ 3.000 cây keo giống từ Chương trình 135, anh Nhứt mạnh dạn vay 20 triệu nữa để mua thêm 17.000 cây keo giống về trồng. Anh Nhứt chia sẻ: “Người khác không dám trồng thêm vì sợ trồng keo không có ai mua, giống như cây quế trước đây. Nhà tui cũng chặt bỏ 1.000 cây quế trồng vì không bán được. Nhưng tui xem ti vi thấy trồng keo tiêu thụ tốt, lại dễ trồng, phù hợp đất ở đây”.
Nhờ chịu khó và tích cực tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, sau 4 năm, anh Nhứt phát triển đàn trâu bò của mình lên 15 con và trồng thêm mỗi năm từ 10.000 - 20.000 cây keo. Năm 2012, anh bán 8 con trâu, bò và bán đợt keo đầu tiên, lãi trên 100 triệu, trả xong nợ ngân hàng và chính thức ra khỏi danh sách hộ nghèo.
Từ đó đến nay, gia đình anh luôn có thu nhập bình quân hơn 200 triệu đồng/năm. Anh đã xây được căn nhà cấp 4 khang trang, sắm sửa nhiều vật dụng và công cụ sản xuất. Nhứt còn lo cho hai con ăn học đến nơi đến chốn với suy nghĩ tiến bộ, anh nói: “Cho con đi học trước để thành người, sau này, có cái chữ cũng dễ làm ăn, chứ thất học như tui thì cuộc sống khó khăn lắm”.
Năm 2017, anh Nhứt vinh dự là một trong 5 cá nhân của tỉnh được tham dự “Lễ tuyên dương người có uy tín, nhân sĩ trí thức và doanh nhân tiêu biểu dân tộc thiểu số toàn quốc năm 2017”.
Còn gia đình chị Đinh Thị Điếc và anh Đinh Văn Sô ,ở thôn 4 xã An Trung , từ hộ nghèo đến nay thu nhập của gia đình anh chị đã đạt trên 100 triệu đồng/năm. Phải nói rằng để có được kết quả như hôm nay ít ai biết được rằng trong những ngày đầu mới bắt tay vào phát triển kinh tế anh chị gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó thiếu vốn và thiếu kỹ thuật là 2 việc mà anh chị luôn trăn trở. Nhưng với đức tình cần cù, chịu thương chịu khó, không cam chịu đói nghèo, chị Điếc đã tự tìm đến các lớp tập huấn do xã, huyện tổ chức để học hỏi kinh nghiệm làm ăn. Từ những kiến thức học được qua các lớp tập huấn, chị đã vay 5 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội để đầu tư chăn nuôi, mua 2 con bò sinh sản. Sau 3 năm nhờ chăm sóc tốt nên đàn bò gia đình đã tăng 5 con, gia đình còn đầu tư trồng hơn 2 ha keo; chăn nuôi lợn thịt mỗi năm 2 lứa với 8 con/lứa và làm 5 sào lúa nước. Lợn nhà anh chị chủ yếu cho ăn thức ăn từ nhà như: cám gạo, rau, chuối rừng..., thỉnh thoảng mới thêm thức ăn cho heo nên mặc dù giá cả thị trường có bấp bênh nhưng gia đình cũng không lỗ vốn . Nhờ biết cách sắp xếp làm việc lấy ngắn nuôi dài và đầu tư kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi đã giúp cho gia đình chị Đinh Thị Điếc thoát được nghèo và từng bước vươn lên làm giàu.
Chị Đinh Thị Điếc tâm sự: “Ngày xưa gia đình tôi khổ lắm, hai vợ chồng mới ra ở riêng không có vốn luyến. Rồi sau đó, nhờ vay vốn nhà nước, tôi đã đầu tư nuôi Heo, trồng Keo … Đồng thời nhờ học hỏi kinh nghiệm từ các lớp tập huấn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt. Đến nay gia đình tôi đã thoát nghèo, con cái được đi học đàng hoàng, có cái ăn, cái để”.
Những cố gắng vươn lên của người H’rê, Ba Na cùng với sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước đã tạo đà cho bước phát triển về kinh tế – xã hội, trong sự nghiệp xây dựng nông thôn mới ở vùng cao An Lão. Nhờ biết phát huy sức mạnh của cộng đồng cộng với sự giúp đỡ kịp thời của Nhà nước nên cuộc sống của bà con H’rê , Ba Na ở huyện An Lão đã có nhiều thay đổi.
Nói về hiệu quả của Chương trình 30 a trên địa bàn huyện An Lão, ông Từ Xuân Mười – Trưởng Phòng LĐ.TB&XH huyện An Lão cho biết: “ Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất cho đồng bào miền núi vùng cao huyện An Lão không chỉ dừng lại ở giá trị kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo, mà còn thúc đẩy việc khai thác tiềm năng về đất đai và lao động trên địa bàn. Nó làm thay đổi thói quen sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên của đồng bào, giúp đồng bào nắm bắt kỹ thuật sản xuât- chăn nuôi và biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất- chăn nuôi, giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế, góp phần giúp người dân ổn định cuộc sống”.