Phù Cát: Tập trung phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, nâng cao đời sống người dân
|
Nông dân xã Cát Hải chăm sóc cây hành. |
Ông Đỗ Văn Ngộ, PBT huyện ủy đã cho biết: Huyện đã tập trung phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị thu nhập trên ha. Đặc biệt nhân rộng các mô hình sản xuất cây con có giá trị cao, để nâng cao thu nhập của người dân; Đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp và nông thôn. Đi đôi với phát triển công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn, tăng cường chuyển giao và ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất và chất lượng; Đào tạo nguồn nhân lực nhằm đáp ứng chất lượng nguồn nhân lực ngày càng nâng lên, từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn; Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Trên lĩnh vực trồng trọt, Huyện đã đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển dịch mùa vụ, chuyển đổi cây trồng. Theo đó huyên đã ổn định và duy trì diện tích sản xuất lúa 16.200ha/ năm, đầu tư thâm canh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đưa năng suất lên 59.8 tạ/ha, bình quân hằng năm tăng 1,3 tạ/ha. Chuyển đổi 1.630 ha từ 3 vụ lúa/năm sang sản xuất 2 vụ lúa/năm, chuyển đổi 2.237 ha, từ đất lúa, đất trồng màu kém hiệu quả, sang sản xuất các loại cây trồng cạn. Đồng thời đầu tư thâm canh, theo hướng sản xuất hàng hóa, bước đầu đáp ứng thị trường tiêu thụ. Toàn huyện đã thực hiện được 242 cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng lớn liên kết, có tổng diện tích hơn 12.886 ha; hơn 36.000 lượt hộ nông dân tham gia sản xuất.
Từng bước chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại, gia trại, nuôi theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp, với tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân 11,1%. Toàn huyện hiện có tổng đàn gia súc hơn 130.300 con, trong đó, có 2.248 con trâu; 53.594 con bò, trong đó đàn bò lai chiếm 94,4%, và gần 74.500 con heo; đàn gia cầm có hơn 1.400.000 con. Đã tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, hàng năm sản phẩm thịt hơi xuất chuồng trên 24.681 tấn, sản phẩm sữa tươi 300 tấn; sản phẩm trứng 71.700 nghìn quả.
Khai thức tiềm năng đất đai, hình thành các vùng nguyên liệu phục vụ cho nhà máy chế biến gỗ trong và ngoài tỉnh. Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hằng năm đạt 18,1%. Toàn huyện hiện có 22.974,9 ha đất có rừng, tăng 3.826 ha so năm 2008, độ che phủ của rừng đạt 37,6%.
Năng lực khai thác, đánh bắt, nuôi trồng và dịch vụ nghề biển tiếp tục phát triển, Giá trị sản xuất tăng bình quân ngành thủy sản 6,6%. Toàn huyện có 968 tàu thuyền, tổng công suất 155.081 CV, tăng 104.418 CV so năm 2008. Trong đó, có 491 tàu có công suất từ 150CV trở lên, đáp ứng vươn khơi đánh bắt xa bờ, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Trong đó, có 16 tàu đóng mới theo Nghị định 67 CP, thực hiện Quyết định 48 của Thủ tường Chính phủ, từ năm 2012 đến năm 2017, toàn huyện có 388 tàu tham gia 1.013 chuyến ra biển, nhận được tiền hỗ trợ của Nhà nước trên 66,5 tỷ đồng. Diện tích nuôi trồng thủy sản được mở rộng, cả mặt nước ngọt và nước lợ. Đồng thời tập trung chỉ đạo thực hiện mô hình nuôi tôm công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng.
Phục vụ phát triển sản xuất, Phù cát đã chú trọng đúng mức công tác chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất. Trong 10 năm, với tổng kinh phí thực hiện 7,66 tỷ đồng, Phù Cát đã thực hiện 88 mô hình khuyến nông và 04 đề tài về giống cây trồng, vật nuôi, phòng trừ sâu bệnh… Các mô hình, đề tài có hiệu quả như: Mô hình đậu phụng xen mì, mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, mô hình diệt chuột bằng thuốc sinh học Biorat, mô hình 3 giảm 3 tăng, mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, mô hình vỗ béo bò... Huyện cũng đã tạo thuận lợi về vốn để nông dân đầu tư trang bị máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, góp phần đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệ, toàn huyện có 950 máy cày, kéo các loại, 38 máy sạ hàng, 20 công cụ gieo hạt đậu phụng, 350 máy gặt rải hàng, 47 máy gặt đập liên hợp, 6.800 máy gặt lúa đeo vai, 398 máy ngốn. Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được quan tâm thực hiện. Hệ thống Khuyến nông, Bảo vệ thực vật, Thú y từ huyện đến cơ sở luôn được củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu ngày càng cao sản xuất nông nghiệp.
Phát triển nông lâm thủy sản một cách toàn diện, Phù Cát tập trung đẩy mạnh thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên cơ sở phát triển công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn.
Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành 3 cụm công nghiệp, và đi vào hoạt động thu hút 35 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và 7 doanh nghiệp hoạt động sản xuất ngoài cụm công nghiệp, giải quyết việc làm trên 4.600 lao động. Bên cạnh đó 09 làng nghề được tỉnh công nhận đang hoạt động có hiệu quả, giải quyết việc làm cho hơn 4.000 lao động. Huyện đã có nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển các làng nghề truyền thống phát triển, nhất là hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường…Ngoài ra, dịch vụ ở nông thôn đang phát triển nhanh, và đa dạng như: kỹ thuật cây trồng, vật nuôi, nước sinh hoạt, y tế, tín dụng, vận tải, viễn thông… Nhờ đó đã góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn và phân bổ lại lao động khu vực nông thôn; thúc đẩy phát triển nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn phát triển, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống người dân nông thôn. Các loại hình dịch vụ nông nghiệp, vận tải, viễn thông, chợ, nước sinh hoạt, hỗ trợ vốn, tín dụng... đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân nông thôn. Tốc độ tăng giá trị sản xuất thương mại, dịch vụ bình quân 18,2%/năm.
Thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, hơn 7 năm qua, huyện Phù Cát đã tranh thủ nhiều nguồn vốn khác nhau đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn hơn 1.014 tỷ đồng, trong đó: nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh hơn 573 tỷ đồng, vốn ngân sách của huyện, xã gần 420 tỷ đồng, nhân dân đóng góp bằng tiền, vật tư, công lao động, hiến đất, cây cối, hoa màu trị giá khoảng hơn 21 tỷ đồng.
Đến nay cơ bản 100% số xã có đường bê tông đến trụ sở UBND xã; hệ thống đường liên thôn, đường liên xã được bê tông chiếm 89,3% tổng chiều dài các tuyến đường; đường thôn, xóm, trục chính nội đồng được cứng hóa chiếm khoảng 60% tổng chiều dài. Hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh, phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai. Toàn huyện có 24 hồ chứa nước và hệ thống đập dân cộng với trên 72% chiều dài kênh mương tưới, tiêu các loại đã được bê tông xi măng, đáp ứng tưới hơn 80% diện tích sản xuất. 100% số thôn các xã có hệ thống điện lưới an toàn, phục vụ sinh hoạt và sản xuất, góp phần tích cực việc chuyển đổi cây trồng tại các địa phương. Cơ sở trường, lớp học các cấp được đầu tư xây dựng kiên cố theo hướng chuẩn hoá; Cơ sở vật chất các Trạm y tế xã được đầu tư nâng cấp, 100% trạm y tế có nhà hộ sinh, có hệ thống nước và nhà tiêu hợp vệ sinh; tỷ lệ Trạm y tế xã có bác sỹ chiếm 88%, 100% số thôn có nhân viên y tế hoạt động; cơ sở vật chất văn hóa được đầu tư xây dựng , 50% số xã, và 62,5% số thôn có nhà văn hóa. Có 100% số xã có điểm phục vụ bưu chính viễn thông, đã tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin và các dịch vụ phục vụ cho đời sống và phát triển kinh tế. Các chợ nông thôn tiếp tục được đầu tư nâng cấp và mở rộng góp phần phục vụ nhu cầu mua bán, lưu thông hàng hoá, mở rộng thị trường và phục vụ đời sống nhân dân.
Đến cuối năm 2017, Phù Cát có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới là Cát Trinh, Cát Hiệp, Cát Hanh, Cát Tài, Cát Tân, Cát Lâm, 2 xã đang tập trung về đích vào cuối năm nay là Cát Tường và Cát Hưng. Phù Cát đang dồn mọi nỗ lực để đạt huyện NTM vào năm 2020.
Xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ xuyên suốt, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Ông Đỗ Văn Ngộ, PBT huyện ủy đã cho biết trong thời gian tới: Huyện tập trung thực hiện tái cơ cấu xây dựng nền nông nghiệp toàn diện. Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, thực hiện liên doanh liên kết sản xuất khai thác tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương. Đẩy nhanh tiến độ phát triển CN – TTCN, thương mại, dịch vụ, các làng nghề nông thôn, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Quan tâm hơn nữa về vệ sinh an toàn thực phẩm trong nông nghiệp; Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, thực hiện tốt công tác xóa nghèo, tiến tới no đủ và làm giàu; giải quyết tốt an sinh xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; Tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí đạt được đối với các xã NTM, phấn đấu đến năm 2020 đạt huyện NTM có kế cấu hạ tầng kinh tế - xã hội văn minh, hiện đại. Từng bước xây dựng các thôn, xã NTM kiểu mẫu. Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hệ thống chính ở nông thôn, đủ sức lãnh đạo chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, phục vụ cho phát triển kinh tế./.