|
Mô hình trồng hoa cúc giúp gia đình ông Luận vươn lên thoát nghèo. |
Gia đình ông Luận trước đây thuộc hộ nghèo, nhà đông con (7 người con) nhưng mọi chi phí chỉ trông chờ vào thu nhập từ 3 sào ruộng lúa thuộc diện chân cao sạ cưỡng, mỗi năm chỉ sản xuất 1 vụ đông xuân ăn nước trời, nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Không cam chịu nghèo khó, ông Luận đã nhiều lần đưa gia đình tìm đến những vùng đất mới và làm nhiều nghề khác nhau nhưng thu nhập cũng chỉ đủ đắp đổi qua ngày, nên ông quyết định tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế ngay trên chính mảnh đất quê hương mình. Ban đầu, vợ chồng ông đi mua hoa ở các nhà vườn về bán ở các chợ trong và ngoài địa phương để kiếm thu nhập lo cho các con. Nhờ nhu cầu mua hoa của người dân ngày càng cao và chịu khó đi bán luân phiên ở các chợ nên việc mua bán hoa của gia đình bước đầu tạo thu nhập ổn định. Đặc biệt, trong thời gian mua bán hoa, được tiếp cận, học hỏi kinh nghiệm trồng và chăm sóc hoa từ các chủ vườn nên ông Luận quyết định tận dụng diện tích đất sẵn có của gia đình để trồng hoa.
Từ năm 2008, nhờ Hội Nông dân xã tạo điều kiện vay vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội huyện cùng vốn Quỹ hỗ trợ nông dân 50 triệu đồng và được giới thiệu tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi, trồng trọt trong và ngoài địa phương, ông Luận mạnh dạn đầu tư vốn thuê máy làm đất, mua giống về trồng hoa cúc và hoa lay ơn bán cắm bình trên diện tích 0,5ha đất định mức và đất vườn của gia đình trước đây trồng cây lâu năm nhưng kém hiệu quả do thiếu nước tưới; đồng thời đào giếng, mua sắm máy móc, kéo điện để bơm tưới. Nhờ tích cực đầu tư chăm sóc và học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước nên vườn hoa của ông sinh trưởng, phát triển tốt và bước đầu cho thu nhập khá với mức lãi trên 20 triệu đồng/sào/vụ. Như vậy, với diện tích này mỗi năm ông trồng 1 vụ hoa (từ tháng 8 đến tháng chạp âm lịch) cho thu nhập 200 triệu đồng.
Có thu nhập, ông tiếp tục đầu tư đào thêm giếng, mua máy móc và kéo điện ra tận cánh đồng chủ động nguồn nước tưới để thâm canh, tăng vụ trên diện tích 3 sào đất lúa. Theo đó, ngoài diện tích 0,5ha trồng hoa ổn định 1 vụ/năm; với 3 sào đất sau khi thu hoạch lúa đông xuân, ông còn đầu tư trồng thêm hoa và khổ qua (mướp đắng) để tăng thu nhập, với công thức: lúa đông xuân - 1 sào trồng hoa (2 vụ/năm) + 2 sào trồng khổ qua, không những đáp ứng được gạo ăn cho gia đình mà còn đem lại thu nhập 70 triệu đồng/năm. Ngoài ra, tận dụng diện tích đất bỏ trống sau trồng 1 vụ hoa/năm, ông Luận còn trồng cỏ và đầu tư xây dựng chuồng mua 6 con bò lai sinh sản về nuôi để tạo nguồn phân chuồng bón cho cây trồng và kiếm thêm thu nhập từ 30 – 40 triệu đồng/năm.
Như vậy, tổng thu nhập của gia đình ông Luận từ trồng lúa, hoa, khổ qua, chăn nuôi bò và mua bán hoa ở chợ là trên 300 triệu đồng/năm. Từ đó, ông có điều kiện trả tiền vay mượn, xây dựng lại nhà cữa khang trang, mua sắm các vật dụng đắt tiền và lo cho các con đầy đủ. Hiện ông Luận không những đã thoát nghèo mà còn vươn lên trở thành hộ khá ở địa phương, các con của ông đều đã lập gia đình, có nhà cửa khang trang và được ông hỗ trợ vốn làm ăn nên có điều kiện phát triển kinh tế ổn định.
Ông Trần Văn Luận cho biết: “ban đầu khi mới bắt đầu trồng hoa, tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vốn và điều kiện nước tưới nhưng cũng nhờ Hội Nông dân xã giúp đỡ, hỗ trợ và anh em, bạn bè động viên cùng quyết tâm của bản thân mới có được thành quả như ngày hôm nay. Theo tôi, nếu mình chịu khó lao động, bỏ công sức thì chắc chắn sẽ thu được thành quả tốt”
Không những làm kinh tế giỏi mà ông Trần Văn Luận còn rất nhiệt tình giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm đối với những người xung quanh. Đã có rất nhiều người đến mô hình trồng hoa và cây trồng cạn của ông để tham quan, học hỏi. Với vốn hiểu biết và kinh nghiệm của mình, ông luôn sẵn sàng chia sẻ để mọi người học tập áp dụng vào sản xuất, nâng cao hiệu quả và thu nhập cho gia đình.
Ông Nguyễn Thế Truyền – chủ tịch Hội Nông dân xã Cát Hưng cho biết: “ngoài việc hăng say lao động, phát triển kinh tế gia đình thì ông Trần Văn Luận còn là một trong những hội viên nông dân nòng cốt ở địa phương. Mỗi khi hội nông dân xã phát động các phong trào thi đua, vận động đóng góp các quỹ… thì ông đều hăng hái đi đầu, góp phần đưa phong trào của Hội ngày càng đi lên; đồng thời, mô hình phát triển kinh tế bằng trồng hoa cúc của ông còn được nhiều người đến học tập để nhân rộng”.
Để có được thành quả như ngày hôm nay là nhờ ông Luận đã phát huy được bản tính cần cù, siêng năng, không khuất phục trước khó khăn của bản thân khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế đất đai của địa phương để làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương mình./.