Hội nông dân Phù Mỹ: Đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi
Nguồn thu nhập chính của nông dân Lê Văn Đức (ở thôn Phước Thọ, xã Mỹ Hòa) là từ việc nuôi bò. Bắt đầu từ năm 2012 ông gầy được 5 bò sinh sản. Cứ mỗi năm lại bán bình quân 5 nghé con, thu hơn một trăm triệu đồng. Nhận thấy nuôi bò cho hiệu quả kinh tế cao, năm 2016, ông Đức đầu tư hàng trăm triệu đồng, san lấp mặt bằng, xây dựng trang trại trên diện tích 1 ha. Tại trang trại này, ông nuôi gần 10 bò lai, trong đó có 6 bò cái sinh sản, 4 nghé con. Nghé đực ông nuôi thúc bán thịt. Ông còn tìm mua bò gầy về nuôi thúc bán thịt. Ông Đức cho biết, chỉ riêng bò, mỗi năm ông thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Còn nông dân Nguyễn Trung Trực, ở thôn Chánh Trực, xã Mỹ Thọ, nhờ 6 sào đất màu, ông Trực mỗi năm trồng 2 vụ hành Đông - Xuân (ĐX) và Hè - Thu (HT) theo phương thức trồng xen canh với các loại cây màu khác như bắp, đậu xanh… cho giá trị thu nhập tăng hơn trên đơn vị diện tích. “Nếu chỉ trồng cây hành 2 vụ ĐX và HT tui đã cầm chắc lãi ròng hơn 100 triệu đồng, chưa kể bắp, hoặc đậu xanh xen canh mỗi vụ thu về chục triệu đồng nữa” - ông Trực chia sẻ.
Đối với nông dân Bùi Văn Viên (thôn Văn Trường - xã Mỹ Phong) thì làm giàu từ cây ăn trái. Ngoài 2,5 ha xoài với trên 460 gốc, bình quân mỗi vụ xoài ông thu lãi 200 - 300 triệu đồng, có vụ đến 400 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, từ năm 2013, ông mạnh dạn đầu tư trồng 1.000 cây quýt đường. Hai năm 2017 và năm 2018, nhờ Quýt to trái, trái sai, ăn ngọt lịm như đường. Với sản lượng tầm 20 tấn quýt/năm, trừ chi phí đầu tư, mỗi năm từ quýt ông thực lãi trên dưới 200 trăm triệu đồng. Thấy Quýt có nhiều triển vọng, ông trồng tiếp 1.000 gốc, cũng giống Long An trên diện tích 1 ha. Hiện quýt đã cho trái bói lứa đầu tiên.
Một trong nhiều ngư dân làm giàu từ khai thác đánh bắt thủy sản xa bờ, có ông Phạm Đình Thích – thôn Xuân Thạnh – xã Mỹ An, nhờ 2 tàu công suất lớn, trang thiết bị hiện đại, ngư trường xa bờ, sau khi trừ các khoản chi phí: Từ năm 2012, đến nay, bình quân mỗi năm thấp nhất lãi 350 triệu, năm cao nhất hơn 550 triệu đồng.
Tuy cách làm giàu có khác nhau, nhưng các ông Đức, ông Trực, ông Viên, ông Thích đều giải quyết nhiều lao động, giúp đỡ người nghèo, tích cực hoạt động nhân đạo từ thiện, cũng như tham gia xây dựng nông thôn mới, họ đều trở thành nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh.
5 năm qua, số hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp ở Phù Mỹ tăng từ 10% đến 15%. Đến cuối năm 2017 số hộ đạt danh hiệu SXKD giỏi các cấp 9.114 hộ (chiếm tỉ lệ 29,03% so với tổng số hộ nông dân), so với năm 2013 tăng 3.201 hộ, trong đó hộ SXKDG đạt cấp Trung ương 15 hộ, cấp tỉnh 200 hộ, cấp huyện 1.073 hộ và cấp xã 7.826 hộ. Các cấp Hội Nông dân trong huyện đã phối hợp với chính quyền và các cơ quan chức năng giúp đỡ cho 6.209 hộ thoát nghèo bền vững.
Để góp phần đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, trong 5 năm qua, Hội Nông dân các cấp trên địa bàn huyện đã phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện thành lập 75 tổ tiết kiệm vay vốn, tạo điều kiện cho 2.576 hộ vay hơn 83 tỷ tỉ đồng, tăng 24 tỉ đồng so với 5 năm trước. Đồng thời, Hội Nông dân huyện nhận ủy thác và quản lý gần 7 tỷ đồng từ nguồn Quỹ HTND cho nhiều hộ vay, tạo điều kiện giải quyết phần lớn nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.
Cùng với việc tạo vốn, 5 năm qua, các cấp Hội Nông dân trong huyện đã phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện, tỉnh tổ chức trên 6.036 lớp tập huấn, hội thảo, trình diễn xung quanh các chuyên đề về chuyển đổi mùa vụ, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, thu hút 362.083 lượt hội viên tham gia. Qua đó, 5 năm qua, nông dân trong huyện đã chuyển trên 2.100 ha từ sản xuất lúa năng suất thấp, và diện tích các cây trồng kém hiệu quả sang sản xuất các loại cây trồng cạn, chủ yếu là đậu phụng, ớt, bắp lai, hành, dưa hấu…Nhờ đó, giá trị thu nhập trên các mô hình chuyển đổi đạt từ 150 đến trên 200 triệu đồng/ha. Đồng thời, nông dân là lực lượng chính tham gia thực hiện 198 cánh đồng mẫu lớn, với tổng diện tích hơn hơn 10.643 ha; gần 32.000 lượt hộ nông dân tham gia sản xuất các loại cây trồng chính là lúa, đậu phụng, mì và bắp. Kết quả, năng suất các loại cây trồng trên các cánh đồng lớn đều tăng khá so với ngoài cánh đồng, lợi nhuận tăng từ 4 đến hơn 20 triệu đồng/ha.Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi ngày càng đẩy mạnh. Sản xuất nông nghiệp phát triển tương đối toàn diện, đa dạng và bước đầu theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần quan trọng nâng giá trị sản xuất của huyện tăng bình quân hàng năm 13,03%. Giá trị sản phẩm/ha canh tác/năm tăng từ 111,64 triệu đồng năm 2013 lên 144,54 triệu đồng năm 2017. Thu nhập bình quân đầu người 31,4 triệu đồng/người/năm (2013) lên 35,98 triệu đồng/người/năm (2017).
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phù Mỹ, ông Nguyễn Việt Cường, nhấn mạnh: Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Hội Nông dân huyện Phù Mỹ tiếp tục đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi ở nông thôn với quy mô lớn, đạt trình độ sản xuất tiên tiến; Vận động các hộ SXKD giỏi giúp các hộ nghèo về kỹ thuật, vốn, vật tư và kinh nghiệm sản xuất có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững…phấn đấu hàng năm có 50% số hộ đăng ký đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.