2 năm qua, huyện Phù Mỹ đã đầu tư ngân sách và huy động các nguồn lực để đầu tư cho phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất với số tiền hơn 5 tỷ đồng; qua đó, đã đem lại những kết quả quan trọng.
Huyện chú trọng thực hiện chương trình cấp 1 hóa giống lúa và phát triển lúa lai - xem đây là bước đột phá về năng suất lúa. Chọn lọc, nhân giống và đưa vào sản xuất đại trà các giống lúa mới có chất lượng tốt, năng suất cao, chống chịu tốt, kháng một số đối tượng sâu bệnh gây hại, có khả năng thích nghi với điều kiện tự nhiên của địa phương. Năm 2017, tổng sản lượng lương thực có hạt 122.270 tấn, đạt 106% kế hoạch (trong đó thóc 122.472 tấn, đạt 118,6% kế hoạch), tăng 13.175 tấn so với năm 2015.
Bên cạnh đó, huyện tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất tập trung theo mô hình “Cánh đồng mẫu lớn”, “Cánh đồng mẫu”, tạo điều kiện áp dụng những kỹ thuật mới, giải quyết đầu ra ổn định và có lợi cho nông dân. Tổng diện tích cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng mẫu cây lúa năm 2017 là 1.388 ha; 01 cánh đồng mẫu lớn cây đậu phụng với diện tích 33,3 ha. Năng suất bình quân các cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng mẫu tăng 5 - 7 tạ/ha so với năng suất bình quân toàn huyện. Kết quả việc xây dựng “Cánh đồng mẫu lớn”, “Cánh đồng mẫu” giúp thực hiện chương trình “3 giảm, 3 tăng” đạt kết quả. Sử dụng vật tư nông nghiệp chính hiệu, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và sản xuất thân thiện với môi trường. Đặc biệt, có một số mô hình nổi bật như: thực hiện chương trình diệt chuột bằng chế phẩm Biorat, mang lại hiệu quả thiết thực được nông dân hưởng ứng tích cực; Triển khai mô hình trồng hành vụ Thu Đông trên đất cát xã Mỹ Thắng; áp dụng cơ giới hóa khâu gieo hạt trong thâm canh cây lạc, cây ngô ở Mỹ Tài, Mỹ Châu; thực hiện mô hình quản lý cây trồng tổng hợp trong sản xuất thâm canh cây lúa, mô hình trồng thâm canh giống cỏ chất lượng cao Mombasa ở Mỹ Hiệp...Các mô hình này đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập đáng kể cho bà con nông dân.
Hiện nay, Trạm Khuyến nông huyện đang thực hiện đề tài cấp tỉnh về nghiên cứu sản xuất và sử dụng vi sinh trùng quế dùng cho các loại cây trồng. Ngoài ra, huyện còn phối hợp với Viện Nghiên cứu Duyên hải Nam Trung bộ thực hiện một số mô hình sản xuất lúa giống mới, giống ngô năng suất cao.
Cùng với trồng trọt, huyện đã ứng dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, như: Ứng dụng sản xuất giống tôm chân trắng và tôm sú có năng suất và chất lượng cao, sạch bệnh; sử dụng các chế phẩm sinh học trong việc kích thích sinh sản trong quá trình sản xuất các giống cá nước ngọt; chú trọng nghiên cứu đặc điểm sinh học của một số giống loài thủy sản có giá trị kinh tế thích nghi và phát triển tốt ở các vùng sinh thái của huyện như tôm, cá chua, hàu,…để đưa vào sản xuất; Bên cạnh đó, lĩnh vực thủy sản đã thực hiện và nhân rộng nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình nuôi tôm trên cát; mô hình nuôi tôm quản canh; mô hình nuôi cá chẽm; mô hình nuôi cua thương phẩm; mô hình nuôi lươn trong bể xi măng...
Đặc biệt, nhằm phát triển kinh tế biển, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đánh bắt và nuôi trồng, năng lực đánh bắt thủy hải sản tăng nhờ các chính sách khuyến khích, hỗ trợ ngư dân của Chính Phủ đã tạo động lực thúc đẩy ngư dân tiếp tục đóng mới tàu có công suất lớn, đặc biệt là đóng tàu bằng vật liệu mới (composite, sắt) thay thế cho tàu võ gỗ và áp dụng máy có công suất lớn vươn ra đánh bắt xa bờ. Tổng số tàu thuyền của huyện hiện có 1.107 tàu, tổng công suất là 282.249 CV , tăng 56.011 CV so với năm 2016; tổng sản lượng khai thác thủy sản năm 2017 đạt 74.200 tấn, tăng 1.385 tấn so với cùng kỳ năm 2016.
Ngoài ra, huyện đã tích cực phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tạo điều kiện cho Tập đoàn nuôi tôm Việt Úc triển khai thực hiện dự án nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao tại xã Mỹ Thành, bước đầu cho năng suất đạt 30 - 40 tấn/ha, cao gấp 10 lần năng suất tôm thẻ chân trắng người dân đầu tư nuôi thâm canh trên cùng diện tích.
Áp dụng khoa học công nghệ vào chăn nuôi: Huyện tiếp tục thực hiện chương trình lai cải tạo đàn bò; Chú trọng sử dụng các loại vaccine tiêm phòng giúp phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; sử dụng các loại chế phẩm sinh học để ủ, chế biến thức ăn chăn nuôi cho gia súc, gia cầm để tận dụng các phế phẩm nông nghiệp, giảm chi phí đầu vào nhưng vẫn đảm bảo chất lượng...
Đồng thời, bằng nguồn vốn mục tiêu Quốc gia giảm nghèo 2016 - 2017, huyện đã xây dựng 13 mô hình chăn nuôi bò thịt, nuôi gà trên nền đệm loát sinh học, mô hình trồng hành. Đồng thời, xây dựng mô hình khuyến nông nuôi bê chất lượng cao và kết hợp trồng cỏ tại xã Mỹ Lộc đạt kết quả rất tích cực về tham quan học tập và mở rộng quy mô sản xuất đại trà.
Về sản xuất muối, từ những kết quả đạt được, huyện tiếp tục chỉ đạo xây dựng mô hình sản xuất muối sạch trên nền bạt, áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất muối sạch, bước đầu đã làm thay đổi tập quán canh tác lâu nay, tạo sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm. Năng suất muối sạch trên nền bạt tăng 20% so với phương pháp sản xuất phơi nước truyền thống, đảm bảo đầu ra ổn định với giá tăng cao.
Bà Lương Thị Thu Hiền – PBT TT Huyện ủy, nhấn mạnh: Huyện Phù Mỹ tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học công nghệ vào trong sản xuất nông, ngư, diêm nghiệp, chú trọng lai tạo và nhân giống cây trồng, vật nuôi có năng suất chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, thích ứng với điều kiện tự nhiên ở địa phương; phát triển các chế phẩm sinh học phòng bệnh cho cây trồng, vật nuôi, ngăn chặn các bệnh dịch lớn; đẩy mạnh phát triển và ứng dụng KH - CN trong chế biến, bảo quản các sản phẩm nông, lâm, thủy, hải sản, sản xuất nước mắm, chế biến thức ăn gia súc, gia cầm và bảo vệ môi trường…Qua đó, góp phần nâng cao năng suất lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.