Tây Sơn: Đổi mới mô hình sinh hoạt hội viên nông dân theo nghề nghiệp thiết thực, hiệu quả
Hiện nay việc xây dựng tổ chức cơ sở Hội cơ bản thực hiện theo đơn vị hành chính xã, thị trấn; chi hội được xác định là đơn vị hành động, là cầu nối của tổ chức Hội với hội viên, nông dân, hầu hết chi hội được tổ chức theo thôn, làng khối phố (theo địa bàn dân cư). Tuy nhiên, về tổ chức cơ sở, khó khăn lớn nhất và phổ biến hiện nay là số hội viên trong các chi Hội đông nên hội viên không có nơi để sinh hoạt, hội họp, khó khăn trong việc tập hợp, hoạt động; mặt khác trong cùng một thôn, làng, khối phố,… hội viên nông dân lại sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, do vậy tổ chức chi Hội, tổ Hội như hiện nay khó xây dựng được nội dung sinh hoạt phù hợp với tất cả hội viên trong cùng một chi hội, tổ hội.
Vì vậy việc đổi mới mô hình sinh hoạt hội viên theo nghề nghiệp là yêu cầu rất cần thiết từ thực tiễn hiện nay; thông qua đó sẽ góp phần khắc phục những hạn chế, khó khăn trong sinh hoạt Hội ở nông thôn, nâng cao hiệu quả hoạt động của chi hội, tổ hội; tạo tiền đề nâng cao chất lượng hoạt động và xây dựng tổ chức cơ sở Hội vững mạnh.
Toàn huyện hiện có 15 cơ sở Hội, 74 chi Hội, 320 tổ Hội, với 15.984 hội viên, chiếm 95% bình quân so với hộ nông nghiệp. Hầu hết chi hội, tổ Hội được tổ chức theo địa bàn dân cư. Thực hiện Đề án số 24-ĐA/HNDTW, ngày 23/6/2016 của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về “Xây dựng chi Hội nghề nghiệp, tổ Hội nghề nghiệp”, Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện Tây Sơn đã cụ thể hóa việc xây dựng chi Hội nghề nghiệp, tổ Hội nghề nghiệp trong toàn huyện và xem đây là một trong các nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.
Huyện hội đã chỉ đạo Hội cơ sở chọn chi Hội làm điểm, lựa chọn, vận động những hội viên, nông dân cùng sản xuất một loại giống, cây, con… hay cùng kinh doanh, cùng làm dịch vụ một nhóm ngành, nghề, lĩnh vực, có những điểm chung về sử dụng tư liệu sản xuất, công cụ lao động, về phương thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, về thu hoạch, chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản hàng hóa… vào tham gia sinh hoạt trong một tổ hội, gọi chung là “Tổ hội nghề nghiệp”. Nội dung sinh hoạt, hoạt động của tổ hội nghề nghiệp tập trung vào việc trao đổi thông tin về thời tiết nông vụ, về thị trường, giá cả, về thiết bị, vật tư nông nghiệp, phương tiện sản xuất, các loại giống cây con, về phòng trừ dịch bệnh, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, về sáng kiến, sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất, về cách thức lập dự án sản xuất kinh doanh, thủ tục vay vốn, quản lý và sử dụng hiệu quả vốn vay.
Kết quả bước đầu triển khai thực hiện, đến nay đã xây dựng được 11 tổ hội nghề nghiệp, trong đó có 7 tổ chăn nuôi; 01 tổ trồng hồ tiêu; 01 tổ trồng rau an toàn; 01 tổ hội trồng bưởi da xanh và 01 tổ làm bánh tráng với 216 thành viên là hội viên nông dân hoạt động trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. Hỗ trợ cho tổ hội phát triển sản xuất, Hội Nông dân huyện cũng đầu tư xây dựng được 02 dự án từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân với số tiền 400 triệu đồng; tín chấp qua Ngân hàng chính sách xã hội mỗi tổ có dư nợ hơn một tỷ đồng tạo điều kiện cho hội viên nông dân vay vốn để phát triển sản xuất tăng thu nhập kinh tế hộ nên hầu hết thành viên trong các tổ đều đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi các cấp trong đó: đạt cấp tỉnh 18 hộ, cấp huyện 57, cấp cơ sở 141 hộ.
Đánh giá hiệu quả hoạt động từng tổ hội nghề nghiệp cho thấy, tổ hội nghề nghiệp trồng rau an toàn nhờ được chuyển giao KHKT và hội viên trong tổ thường xuyên trao đổi kinh nghiệm thực tế trong sản xuất rau an toàn nên hiệu quả trong sản xuất ngày càng tăng, giảm giá thành trong sản xuất, tăng thu nhập cho hội viên, kinh tế hộ khá hơn; tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi sinh hoạt theo nghề nghiệp thuận lợi cho việc trao đổi kinh nghiệm, hội viên tiếp cận được thị trường, về kỹ thuật chăn nuôi nên hầu hết các hội viên đều chăn nuôi phát triển tốt; tổ hội nghề nghiệp trồng hồ tiêu đã tổ chức đi tham quan học tập kinh nghiệm, hiện nay các hội viên trong tổ đã trồng được 4,5ha cây hồ tiêu đang phát triển tốt, trong đó có hơn 1ha đã và đang thu hoạch năng suất đạt khá cao.
Điểm mạnh của tổ hội nghề nghiệp nữa là thuận lợi trong sinh hoạt hội, nội dung sinh hoạt phù hợp với tình hình sản xuất của hội viên, tạo sự chuyển biến trong công tác vận động, nông dân tự nguyện tham gia ngày càng đông vào tổ chức Hội ở địa phương và tổ Hội nghề nghiệp, từ đó thu hút hội viên tham gia sinh hoạt, gắn bó với Hội. Trong thời gian tới Hội Nông dân huyện Tây Sơn tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng chi, tổ hội theo nghề nghiệp đảm bảo đến cuối năm 2018 mỗi cơ sở Hội có ít nhất một chi, tổ Hội nghề nghiệp.