Người trồng hoa bán tết, chủ yếu là hoa cúc, hàng chục năm qua, với số lượng nhiều, chất lượng tốt ở Phù Mỹ, có thể kể đến gia đình ông Lê Văn Phận. Tận dụng đất vườn nhà khá rộng, nên bình quân mỗi năm ông trồng ít nhất từ 500 – 600 chậu cúc Đại Đóa và Pha Lê Đà Lạt loại lớn, trung và loại nhỏ. Một vài năm đầu thất bại, nhất là chưa khắc phục được thời tiết khắc nghiệt khi mưa nhiều…đã giúp cho ông đúc rút nhiều kinh nghiệm quý từ khâu làm đất, lót phân bò oai mục với vỏ đậu phụng đã đốt, giăng lưới che cúc khi nắng dữ, mưa to, điều chỉnh bằng hệ thống đèn điện khi thời tiết trở lạnh, nhất là khi hoa sắp nở…khiến hoa cúc nhà ông sinh trưởng, phát triển tốt, ít sinh bệnh, nở hoa rơi đúng vào giáp tết…do đó, nhiều tết qua, có năm thời tiết khắc nghiệt, nhiều vườn hoa hư hỏng, nhưng cúc chậu nhà ông vẫn xinh đẹp, óng vàng, bán sỷ rất nhanh, trừ chi phí thu lãi nhiều chục triệu đồng. Như tết năm 2018 là một ví dụ, với 500 chậu cúc các loại, ông thu nhập trên 80 triệu đồng, trừ chi phí, thực lãi hơn 50 triệu đồng.
Ông Phận tâm sự: “Để giảm bớt chi phí, thu nhập cao như vậy, tui tận dụng vỏ đậu phụng từ máy ép dầu với phân bò có trong chuồng ủ oai mục bón lót trước khi trồng. Đồng thời, chậu khỏi phải mua, tui tự đúc, rẻ, lại chắc. Đồng thời mua tre, tui tự chẻ, vót nang, cùng với vợ tự cắm chái cho từng chậu cúc, khỏi phải thuê mướn tốn tiền”. Hiện gia đình ông Phận vừa kết thúc khâu xuống giống trồng 620 chậu cúc Đại Đóa và Pha Lê, cũng lấy giống từ Đà Lạt, bán tết năm 2019. Trong đó, có 20 chậu lớn, đường kính 0,6 m, 350 chậu trung, đường kính 0,5 m và 250 chậu nhỏ, đường kính 0,4 m, tương đương năm ngoái, chỉ tăng 20 chậu lớn, nhằm đáp ứng cho một số gia đình khá giả và một số cơ quan, đơn vị có nhu cầu trưng bày ngày tết.
Chị Lê Thị Thanh – vợ ông Phận cho biết: Ngoài mua hơn 30 thiên cúc giống để trồng, gia đình chị còn làm đại lý bán hơn 60 thiên cúc giống, tương đương năm ngoái, cho một số chủ vườn hoa trên địa bàn huyện. Ngoài ra, gia đình chị còn nhận đăng ký mua, bán với số lượng lớn các giống hoa khác như Li Li, Cẩm Chướng, Cát Tường…cho nhiều chủ vườn hoa khác để trồng bán tết năm nay.
Ngoài làm 3 sào ruộng đủ ăn, lấy rơm nuôi vài con bò, chủ yếu lấy phân trồng hoa, bán tết, từ năm 2014, nhờ có đồng vốn tích lũy, ông Phận đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng nhà xưởng, mua trang thiết bị máy móc về bóc vỏ đậu phụng và ép dầu gia công cho khách hàng. “Vì mình ép thuê, lấy công làm lời, lại được vỏ đậu đốt làm phân, nên ít nhiều đều nhận làm hết, mà làm uy tín cả về thời gian giao dầu và giá cả phù hợp, nên từ khi cơ sở ép dầu hoạt động đến nay, lượng khách hàng mỗi năm một đông hơn, đồng lời cũng từ đó mà nhiều hơn…” chị Thanh chia sẻ. Lượng dầu ép nhiều nhất là vụ Đông xuân, mỗi vụ ép bình quân vài chục tấn đậu vỏ, như vụ Đông xuân vừa rồi, đã tăng lên gần 50 tấn, cao nhất từ trước tới nay. Không những ép gia công, mà khi ngớt hàng, chị còn tranh thủ thu mua gom đậu vỏ, về ép, lấy dầu bán sỷ, lẻ cho nhiều mối hàng quen, nên từ ép dầu, mỗi năm thu lãi hàng chục triệu đồng.
Trồng hoa, ép dầu, là hai nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình ông Phận. Tuy nhiên, với bản chất người nông dân chắc làm, chắc ăn, tận dụng đất vườn khá rộng, 3 năm trở lại đây, ông Phận đã mạnh dạn đầu tư vốn nâng đất, đúc trụ, mua giống…trồng 300 trụ tiêu, hiện một nửa gốc 150 trụ lứa đầu đã bắt đầu ra hạt, cho dù giá tiêu đang rớt thấp nhưng ông Phận vẫn tin ở một lúc nào đó, khi giá tiêu phục hồi, thì cây tiêu sẽ tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình ông.