Chân đất làm “máy bào xảm tre” đạt giải Nhất năm 2013
Là một người gắn bó với nghề bào xảm tre để tạo sản phẩm sợi tre, phục vụ cho việc trám kẽ hở trong đóng tàu thuyền. Tuy nhiên, việc làm nghề này chủ yếu là thủ công, năng suất và chất lượng sản phẩm đạt thấp, khó tiêu thụ, nên hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao. Ông Nguyễn Văn Nhanh ở thôn Mỹ Trung, xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ luôn trăn trở làm thế nào để có thể sáng tạo ra một loại máy thay thế cho lao động thủ công. Từ thực tế đó, trong quá trình lao động sản xuất, ông Nhanh đã có ý tưởng và nghiên cứu sáng tạo thành công chiếc “máy bào xảm tre”.
|
Ông Nhanh đang vận hành “máy bào xảm tre” do chính ông sáng chế. |
Với kết cấu máy rất đơn giản bằng những vật liệu dễ mua tại địa phương và có giá rẻ. Mỗi chiếc máy được lắp ráp chỉ với 1 cái khung bằng sắt chiều dài 1,5 mét, bên trong có hệ thống bánh răng, bu ly và 1 mô tơ điện có công suất 1,5 sức ngựa để làm quay dao bào tre; đế máy có gắn bánh cao su rất thuận lợi cho việc di chuyển hoạt động.
Theo ông Nhanh, chi phí sản xuất cho mỗi máy bào tre của ông khoảng 20 triệu đồng, nếu so với mua nhiều loại máy công cụ sản xuất hiện nay thì máy này có giá thành rất thấp, nhưng hiệu quả kinh tế mang lại cao. Công suất của máy mỗi giờ sản xuất được 1,5 kg xảm tre, tăng gấp 3 lần so với làm thủ công.
Với sáng chế này ông Nguyễn Văn Nhanh đã giành giải Nhất tại Hội thi “Sáng tạo nhà nông” tỉnh Bình Định lần thứ 3 – năm 2013 do Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức, và được UBND tỉnh tặng Bằng khen.
Sáng tạo máy ép bún số 8 điều khiển hoạt động bằng mắt quang học đạt giải Nhất năm 2014
Xuất thân từ thợ cơ khí, anh nông dân trẻ Huỳnh Nguyễn Ngọc Thanh (sinh năm 1978), ở thôn Cửu Lợi Tây, xã Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn đã mày mò sáng tạo thành công chiếc máy ép bún số 8 điều khiển hoạt động bằng mắt quang học. Sản phẩm của anh đã đạt giải Nhất hội thi “Sáng tạo nhà nông” tỉnh Bình Định lần thứ 4- năm 2014 do Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức.
|
Anh Thanh đang kiểm tra máy ép bún tự động trước khi giao cho khách. |
Trong một lần tiếp xúc với máy cắt keo làm nhựa, anh lóe lên ý tưởng “độ chế” từ chiếc máy cắt keo này thành máy ép bún để phục vụ bà con ở địa phương. Vỗn dĩ, ở quê anh có nghề truyền thống làm bún số 8 lên đến hàng trăm hộ. Nghĩ là làm, năm 2012, sau một năm mày mò chế tạo, anh đã cho “ra lò” 2 máy ép bún số 8. Tuy nhiên, sản phẩm ban đầu còn nhiều nhược điểm như máy phải điều khiển bằng tay, phải có thêm một nhân công khi thay vỉ mới.
Để khắc phục nhược điểm này, anh đã “vắt óc” cải tiến cho máy gọn gàng hơn và gắn thêm mắt quang học vào phía dưới bộ phận vỉ phơi đi qua. Khi vỉ phơi đi qua, mắt quang học sẽ cảm nhận và điều khiển máy ép hoạt động, ép ra sợi bún xuống vỉ phơi. Khi vỉ phơi được rút ra hoặc chưa kịp đưa vào, bộ phận cảm biến bằng mắt quang học sẽ tự động nhận biết và ngắt bơm dầu qua ty thủy lực, lúc đó máy ngừng ép, nhưng động cơ vẫn hoạt động trong khi chờ vỉ phơi khác đưa vào mà không cần phải ngắt công tắc như trước. Nhờ những ưu điểm trên, sản phầm làm ra được người làm bún ưa chuộng.
Theo anh Thanh, tương tự máy ép bún bằng cối ép gỗ truyền thống, điểm khác biệt của chiếc máy này nằm ở cơ chế hoạt động bằng bơm thủy lực và được điều khiển bằng mắt quang học tự động. Người làm bún chỉ cần cho bột vào khuôn, rồi khởi động máy, sau đó dùng vỉ kéo qua con mắt quang học, máy tự động điều khiển bơm thủy lực ép bột chảy xuống, khi vỉ kéo ra, con mắt tự động điều chỉnh bơm ngừng hoạt động. Các bộ phận cấu thành máy bao gồm mô tơ công suất 1,5 mã lực, bơm thủy lực, ty đẩy thủy lực, khuôn chứa bột chín, trụ ép, khung đỡ bằng sắt cao 1,2m, dài 2m. Với chiếc máy này, mỗi gia đình chỉ mất một ngày là có thể làm đến 3 tạ bột với 2 người làm, trong khi với cách làm trước đây phải mất gần hai ngày. Giảm được chi phí nhân công, giảm thời gian lao động và tăng năng suất.
Đạt giải Nhất năm 2015 từ sáng chế “thiết bị nâng nhiệt khử trùng nấm”
Trước khi sáng chế được “thiết bị nâng nhiệt khử trùng nấm”, ông Đỗ Đình Hòa (52 tuổi) chủ cơ sở sản xuất meo giống nấm và bịch phôi nấm các loại ở thôn Thượng Sơn, xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn rất khổ sở trong việc khử trùng cho nấm. Vì dùng chảo gang có vỏ bọc bằng sắt dạng hình khối hộp (nồi áp suất) để nấu nước tạo nhiệt ẩm, nên nhiệt độ thường không cao, chỉ đạt 90 – 95 độ C. Với mức nhiệt độ này, thời gian hấp khử trùng phải kéo dài 5 – 6 giờ, tốn kém nhiên liệu mà chất lượng thanh trùng không cao.
|
Ông Đỗ Đình Hòa giới thiệu vị trí đặt thiết bị nâng nhiệt để tiệt trùng trong sản xuất giống nấm. |
Nhiều đêm suy nghĩ và thử nghiệm với nhiều phương pháp, và trong số lần thử đó, ông đã thành công. Ông Hòa cho biết: Tui chế tạo thiết bị này bằng cách hàn một hộp sắt kín xung quanh có kích thước 45cm x 20cm x 10cm, bên trong hộp sắt đặt một ống sắt, một đầu thông từ “nồi áp suất”, một đầu dẫn nhiệt vào nơi khử trùng bịch phôi. Thiết bị được gắn bên cạnh đáy “nồi áp suất” để tận dụng lửa đốt “nồi áp suất” để nung nóng. Nhờ có thiết bị này, nhiệt độ nơi khử trùng bịch phôi tăng rất cao, đạt khoảng 160 độ C, đảm bảo khử trùng các bịch phôi nấm, từ đó tỷ lệ thành phẩm bịch phôi đạt chuẩn ở mức 75 – 80% trước đây đã tăng lên 98% mà không tốn thêm nhiên liệu.
Ông Hòa cho biết thêm, chi phí làm thiết bị này chỉ khoảng 1 triệu đồng, nhưng đã làm lợi cho gia đình có thêm thu nhập vài chục triệu đồng/vụ nấm. Hiện thiết bị của ông được nhiều người trồng nấm ở các địa phương lân cận tìm đến mua về áp dụng cho gia đình mình.
Nông dân sáng tạo máy cày lên luống đạt giải Nhất năm 2016
Chưa một ngày làm khoa học, không qua một lớp đào tạo nào nhưng nông dân Huỳnh Tiển ở thôn Tân Thanh, xã Cát Hải, huyện Phù Cát với ước muốn người nông dân quê anh bớt đi chi phí trong việc lên luống mỗi khi trồng các loại cây họ đậu. Anh Tiển cho biết: “đất ở đây chủ yếu trồng hành và đậu nên cần phải lên luống. Mỗi lần như thế cần rất nhiều công lao động, đặc thù quê tôi còn có nghề đi biển nên tìm nhân công rất khó. Với lại, sử dụng các máy cày lớn cồng kềnh không phù hợp với sản xuất nhỏ lẻ, tốn nhiều chi phí. Từ thực tế đó, tôi quyết tâm phải làm cho được máy lên luống trước giúp cho gia đình mình, sau hỗ trợ cho bà con trong vùng”.
|
Ông Tiển đang vận hành máy cày lên luống do chính mình sáng chế. |
Các linh kiện để hình thành máy bao gồm, máy xới Honda cũ của Nhật (công suất 9,5CV), với các linh kiện có sẵn hoặc mua rất dễ ngoài thị trường, ông Tiển kết nối các bộ phận gồm lưỡi lên luống bằng sắt, bánh lồng để di chuyển trên đất vườn và chảo cày hình chóp nón để gạt đất. Mỗi đường cày sẽ tạo thành một luống (kích thước của luống tùy loại cây trồng), độ sâu, cạn tùy thuộc vào loại đất, có thể tùy chỉnh kích thước, độ rộng của đáy rãnh khoảng 13cm, độ rộng mép trên của luống khoảng 33 đến 35cm. Khi sử dụng máy lên luống, với mỗi lít xăng có thể làm được hơn 3 sào đất trong 1,5 giờ, tiết kiệm rất nhiều thời gian và công sức. Ngoài ra, máy còn áp dụng cày làm đất, xới đất, làm tơi đất,…Mỗi chiếc máy lên luống ông Tiển bán với giá 9,5 triệu đồng.
Anh Đỗ Văn Cường, thôn Tân Thanh, xã Cát Hải, huyện Phù Cát là một trong những khách hàng mua máy lên luống của ông Tiển cho biết: “Tôi sử dụng máy này để cày thuê rất hiệu quả, tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc. Hơn nữa, dùng máy lên luống tạo luống thẳng hơn, dễ thoát nước hơn và tạo được rãnh nhỏ hơn so với cày bằng trâu, bò. Máy cũng dễ sử dụng, ông Tiển hướng dẫn tôi một lần là sử dụng thành thạo”.
Sáng chế máy tuốt hạt tiêu đạt giải Nhất năm 2017
Đó là nhà “sáng chế” Trương Văn Cọt ở thôn Đệ Đức, xã Hoài Tân, huyện Hoài Nhơn.
Chiếc máy tuốt hạt tiêu của ông Cọt có kích thước dài 145 cm, rộng 30 cm, cao 105 cm với 3 phần: giá đỡ gồm khung máy, bánh xe, ray đẩy; phần động cơ gồm mô-tơ điện, bánh đà, dây cu-roa và cuối cùng là bộ phận tuốt có trục xoắn, máng chứa tiêu, máng sàng lọc tiêu.
|
Ông Cọt đang vận hành máy tuốt hạt tiêu. |
Ông Cọt cho biết: Máy hoạt động theo nguyên tắc: khi có dòng điện 1 pha đi qua, mô- tơ điện có công suất 1,5 kW làm quay bánh đà nhờ hệ thống dây cu-roa, bánh đà quay làm trục xoắn quay theo. Trong cùng một thời gian, máy tuốt tiêu cho công suất nhanh gấp 20 lần (1 tấn hạt tiêu/giờ) so với làm thủ công. Tiêu tươi vừa hái xong đưa vào suốt, đạt tỷ lệ sạch cuống 95% và không phải phơi héo như máy quay tay.
Máy tuốt hạt tiêu của ông Cọt giờ đã trở thành thương hiệu được rất nhiều nông dân không chỉ trong vùng mà nhiều địa phương khác trong tỉnh mua dùng với giá rẻ và hiệu quả. Ông Nguyễn Văn Tình, một hộ dân trồng tiêu có tiếng trong vùng đang xử dụng máy tuốt hạt tiêu của ông Cọt cho biết: Mỗi vụ tiêu, gia đình tui thu hoạch hàng chục tấn, nhờ chiếc máy của tuốt hạt tiêu này mà gia đình tui đỡ vất vả hơn. Ưu điểm của máy là tiêu bỏ vào suốt không bị tróc vỏ, tróc hạt, đồng thời cũng giúp giảm thời gian cũng như chi phí thuê nhân công.
Thiết nghĩ, với những sáng chế trên cần nhân ra diện rộng, qua đó giúp nông dân áp dụng vào mô hình phát triển kinh tế của gia đình, góp phần xây dựng nông thôn mới.