Bùi Thanh Ninh - tỷ phú nhờ “lộc” biển
Từ một ngư dân nghèo, hơn 10 năm bám biển bằng niềm đam mê và tài chinh phục biển cả, ông Bùi Thanh Ninh, (còn gọi là Sáu Ninh, SN 1957) ở thôn Thiện Chánh 1, xã Tam Quan Bắc, Hoài Nhơn, trở thành ông chủ của một đội tàu đánh bắt xa bờ hùng mạnh, mỗi năm thu về hàng tỉ đồng. Nhiều người khâm phục, gọi ông là ông chủ tập đoàn tàu cá.
|
Ông Sáu Ninh (thứ 2 từ phải sang) giới thiệu xưởng đóng tàu cá của gia đình với lãnh đạo Trung ương Hội và lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Bình Định. |
Khởi nghiệp với nghề đi bạn, sau đó chuyển sang nghề buôn cá chuồn, đến năm 2000, ông Sáu Ninh dành dụm được ít vốn và vay thêm ngân hàng 200 triệu đồng để đóng mới chiếc tàu đánh cá đầu tiên cho riêng mình. Hiện nay, đội tàu đánh bắt xa bờ của ông Sáu Ninh có tổng cộng 16 chiếc (tổng công suất 6.000 CV), trong đó ông đứng tên sở hữu 11 chiếc, 5 chiếc còn lại là ông góp với anh em. Ngoài ra, ông Sáu Ninh còn là ông chủ của xưởng đóng tàu, đến nay đã cho ra đời hàng trăm chiếc tàu ngược xuôi trên biển. Gia đình ông đã tạo việc làm cho 150 lao động tại địa phương, với mức thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài thanh toán các chế độ lương, thưởng, 100% người lao động làm việc cho gia đình ông đều được đóng bảo hiểm thuyền viên nên người lao động rất yên tâm làm việc.
Hàng năm, ông còn dành khoảng 1 tỷ đồng cho anh em thuyền viên mượn để xây dựng nhà ở, giải quyết công việc gia đình lúc khó khăn, dành hàng trăm triệu đồng để tặng quà cho các hộ gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, xây dựng đường giao thông liên xóm, đóng góp các hoạt động của xã hội, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo.
Với những thành tích đạt được, ông Bùi Thanh Ninh đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2014”, tại thủ đô Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 84 năm Ngày thành lập Hội NDVN (14.10).
Lê Văn Mai – làm giàu từ gạch ngói
Ông Lê Văn Mai (SN 1963) ở xóm Trung, thôn 1, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn chuyên sản xuất gạch ngói với thương hiệu “TUYNEN HAI MAI – BÌNH NGHI”, với thu nhập sau khi trừ chi phí trên 500 triệu đồng/năm.
|
Ông Lê Văn Mai bên sản phẩm gạch mới ra lò. |
Khởi nghiệp từ việc đóng gạch sống cung cấp cho làng nghề ở địa phương trong thập niên 80 của thể kỷ trước đến việc đầu tư dịch vụ che ép mía thủ công nhưng đều thất bại. Không nãn chí, năm 2002, ông mạnh dạn làm đơn đăng ký với UBND xã Bình Nghi xin phép xây dựng lò sản xuất gạch ngói trong khi chưa biết gì về kỹ thuật làm nghề này. Nhờ chịu khó, học hỏi kinh nghiệm từ lớp đàn anh đi trước, và đặc biệt hơn nữa là giữ chữ tín với khách hàng nên sản phẩm của ông làm ra tiêu thụ mạnh, được thị trường chấp nhận. Thành công bước đầu, ông Mai phát triển thêm một cơ sở nữa, mở rộng quy mô sản xuất, trang bị xe tải, máy xúc, máy đào đất, máy ép gạch và các trang thiết bị khác.
Ăn nên làm ra được một thời gian thì làng nghề gạch ngói thủ công ở địa phương lại rơi vào cảnh khó khăn, ông Mai đã cất công đi vào các tỉnh miền Nam tìm hiểu mô hình lò nung gạch liên hoàn Hoffman theo công nghệ của Đức.
“Tuy vốn đầu tư có cao, nhưng nghĩ về lâu dài nên tôi mới mạnh dạn bỏ ra hơn 5 tỷ đồng để xây dựng lò, lắp đặt dây chuyền máy nghiền đất sét hút chân không, máy ép gạch thủy lực, băng chuyền nguyên liệu và thành phẩm. Nhờ sự tận tình của bên chuyển giao công nghệ và nổ lực nắm bắt công nghệ đốt lò nên ngay mẻ sản xuất đầu tiên gạch ra lò đảm bảo được các tiêu chuẩn cần thiết, tỷ lệ hao hụt chưa đến 1%” - Ông Lê Văn Mai phấn khởi cho hay.
Hiện cơ sở sản xuất gạch của ông Mai tạo công ăn việc làm cho trên 30 lao động ở địa phương với mức thu nhập ổn định từ 2,5 triệu đến 3,5 triệu đồng/tháng/người. Sau khi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu mang dòng chữ “TUYNEN HAI MAI – BÌNH NGHI” đã được Trung tâm phân tích và kiểm nghiệm Bình Định chứng nhận sản phẩm đạt chuẩn, được bảo hộ và thị trường tin dùng, giá gạch của cơ sở ông Mai có cao hơn từ 100 – 130 đồng/viên so với gạch thủ công, nhưng gạch của ông xuất ra không đủ bán và cung cấp cho các đại lý.
Phạm Anh Thạch- đổi đời nhờ trồng rừng
Năm 1997, rời quân ngũ trở về quê hương, anh Phạm Anh Thạch (SN 1974) ở thôn Vĩnh Long, xã Cát Hanh, huyện Phù Cát bắt tay vào phát triển kinh tế vườn ao chuồng rừng (VACR) và được xem là một trong những người tiên phong trong xây dựng kinh tế mới ở vùng đất cằn cỗi, hoang hóa.
|
Anh Thạch chăm sóc vườn xoài đang ra hoa. |
Anh Thạch đã mạnh dạn xin chính quyền địa phương 2 ha đất ở đồi Vôi (giáp ranh với xã Cát Lâm) để canh tác. Thời điểm đó, nhiều người dân ở địa phương cho rằng anh bị hâm mới nhận vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi” để canh tác. Nhưng với quyết tâm của người lính cụ Hồ là cần cù, chịu khó anh quyết tâm làm cho bằng được. Anh tận dụng vùng đồi cao trồng cây keo lai, bạch đàn, vùng trũng trồng lúa nước, hoa màu; dải đất thung lũng giữa các đồi cây, anh đấp đất, nạo vét thành những ao thả cá và khu vực chuồng trại nuôi gia súc, gia cầm.
Giờ đây trang trại anh Thạch có hơn 20 ha keo lai lớn nhỏ, 5 ha trồng hoa màu, trong đó có hơn 100 gốc xoài cát Hòa Lộc đang thời kỳ ra quả. Đàn gà, vịt hơn 400 con, ước tính trang trại có giá gần 2 tỷ đồng.
Triệu phú trồng hoa ở Bình Lâm
Đó là nông dân Nguyễn Ngọc Tùng (53 tuổi) ở thôn Bình Lâm, xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước), cách đây 20 năm về trước đã “khởi nghiệp” nghề trồng hoa kiểng, nhờ liều có tính toán đã đem hoa xứ lạnh về trồng trên đất nóng khá thành công và thu lãi hàng trăm triệu đồng/ năm.
|
Ông Tùng bên vườn hoa ly của gia đình. |
Tận dụng đất vườn nhà rộng 3.500 m2 nằm bên bờ sông Cây Me, thuận lợi về nguồn nước tưới, ban đầu trồng các loại hoa hồng, hoa cúc, do chưa am hiểu kỹ thuật hoa nở sớm, nở muộn không đúng vào dịp Tết nên bán giá thấp. Không nản lòng ông tìm tòi học hỏi những người đi trước, thường xuyên nghe đài, đọc báo và tham khảo trên mạng Internet và cứ sau một vụ hoa lại lặn lội cất công lên tận Đà Lạt học hỏi rồi mua giống mới về trồng. 2 giống hoa li li, cát tường khi đưa về nhiều người cho rằng hoa không nở nếu nở cũng sớm vì xứ nóng không phù hợp, nhưng anh rất vững tin chăm chút và cho kết quả mỹ mãn hoa li li, cát tường nở đúng thời điểm bán được giá. Chưa hết trong một chuyến vào Bến Tre tham quan, nhìn thấy hoa nhật lệ ông lân la hỏi thăm rồi mua giống về trồng, loại hoa này chỉ nở mùa hè nên khi xuống giống ông lập sổ theo dõi áp dụng kỹ thuật phù hợp nên hoa nhật lệ đã nở đúng dịp tết thu lợi khá.
“Kỹ thuật ủ đất phù sa với phân lân, phân chuồng, trấu, rồi sử dụng đèn điện để điều khiển sự sinh trưởng của cây hoa, khi cây đạt theo ý muốn mình cắt không chong điện vào ban đêm cho hoa tiếp xúc ánh nắng mặt trời. Cách làm trên đã cho những cánh hoa li li, cát tường, nhật lệ, cúc pha lê, nữ hoàng bông to, cứng cáp, màu sắc sặc sỡ” ông Tùng chia sẻ. Ông còn bật mí: Tui đã mày mò tự nhân giống cúc pha lê thành công, hàng năm đều lên Đà Lạt săn tìm giống hoa khác mới lạ có giá trị kinh tế mà ở địa phương mình chưa có để mua về trồng và bán cây giống cho bà con.
Phan Thanh Tĩnh - bám biển làm giàu
Sinh ra trong gia đình nghèo ở làng biển thuộc phường Trần Phú, thành phố Quy Nhơn nên từ nhỏ ông Tĩnh đã theo cha vươn khơi kiếm sống. Năm 2006, thực hiện chủ trương của Nhà nước trong việc quy hoạch đường Xuân Diệu, nhà ông thuộc diện giải tỏa trắng. Gia đình được nhận tiền đền bù và đất tái định cư ở khu quy hoạch dân cư B đảo 1 Bắc Hà Thanh.
|
Sau những ngày lênh đênh trên biển, thành quả mang lại là những ghe đầy ấp cá. |
Về nơi ở mới, ông đầu tư xây nhà, còn dư ít tiền, ông vay thêm ngân hàng đóng riêng chiếc tàu mới với công suất 410 CV. “Nhờ trời, làm ăn thuận lợi, quá trình đánh bắt sản lượng và thu nhập năm sau cao hơn năm trước, tui bàn với anh em trong gia đình góp vốn đóng thêm 3 chiếc tàu mới với tổng công suất 1.230 CV và thành lập luôn một tổ đoàn kết đánh bắt xa bờ nên tiết kiệm được nhiên liệu, thu nhập của anh em bạn ổn định” – Ông Tĩnh bộc bạch.
Cũng theo ông Tĩnh, đội tàu của ông chuyên câu mực và lưới rút tại các vùng biển phía Nam của Tổ quốc. Nhờ chịu thương, chịu khó, bám giữ ngư trường nên tàu của ông luôn đạt sản lượng khá, tạo việc làm thường xuyên với thu nhập ổn định cho 15 ngư dân. Riêng gia đình ông, hàng năm thu nhập trên 1 tỷ đồng. Anh được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2016"
Làm giàu nhờ nuôi heo
Về thôn Thọ Lộc 2, xã Nhơn Thọ, thị xã An Nhơn, chúng tôi được ông chủ trang trại Lê Xuân Quang hồ hởi giới thiệu khu chăn nuôi hiện đại, khép kín với 1.500 con heo chăn nuôi gia công cho Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. 10 năm qua, sự liên kết với doanh nghiệp này đã giúp ông Quang có thể “đứng vững” trước những cơn biến động giá của thị trường.
|
Ông Quang đang chăm sóc đàn heo. |
Ông Quang nhớ lại: Năm 2005, tôi chọn thuê khu đất cằn cỗi nằm cạnh đồi núi, cách xa khu dân cư, rộng gần 1 ha ở thôn Thọ Lộc 2 để làm trang trại chăn nuôi heo thịt, bò sinh sản, vịt đẻ và gà thịt. Sau nhiều phen thất bại, vì chưa có kinh nghiệm, tôi đã được công ty C.P giới thiệu, tư vấn và đặt vấn đề liên kết chăn nuôi gia công. Tôi liều lĩnh vay mượn tiền để xây dựng chuồng trại nuôi heo trên nền diện tích hơn gần 1 ha đúng thiết kế kỹ thuật công ty đưa ra. Theo hợp đồng, mỗi năm tui cung cấp cho công ty này 3.000 con heo thịt và công ty sẽ hỗ trợ cho trang trại thức ăn, kỹ thuật chăm sóc, thuốc phòng, trừ bệnh và đặc biệt là bao tiêu đầu ra sản phẩm.
Thực hiện đúng quy trình chăn nuôi nên suốt thời gian qua trang trại của ông Quang chưa bao giờ xảy ra dịch bệnh lớn. Doanh thu hàng năm sau khi trừ chi phí điện, nước và trả lương cho nhân công, ... lợi nhuận thu được vẫn đạt đến con số tiền tỷ. Ông Quang chia sẻ: “Chăn nuôi gia công là hình thức đầu tư sản xuất chậm mà chắc. Phải mất vài ba năm tôi mới trả hết được số vốn và lãi ban đầu để xây dựng chuồng trại, nhưng đến nay, thu nhập từ chăn nuôi gia công khá ổn định, bản thân tôi cũng không phải suy nghĩ, lo lắng về thị trường nữa”.
Nuôi hươu, nai làm giàu
Mô hình nuôi hươu, nai lấy nhung đang phát triển rộng rãi trên địa bàn huyện Vân Canh, bước đầu mang lại hiệu quả cao, trong số đó có hộ ông Nguyễn Bá Đào ở thôn Bình Long, xã Canh Vinh.
Hiện gia đình ông đang nuôi hơn 20 con hươu và nai để lấy nhung. Bình quân mỗi năm, một con nai đực có thể lấy được khoảng 3 kg nhung. Với giá nhung hươu khoảng 15 triệu đồng một kg, nhung nai khoảng 10 triệu đồng, gia đình ông Đào thu về hơn 100 triệu đồng mỗi năm.
Ông Đào chia sẻ: “Sau khi tìm hiểu bí quyết nuôi hươu, nai tôi đã bỏ tiền mua 2 cặp hươu, nai giống về nuôi. Nuôi hươu không khó, bởi chúng không kén thức ăn, có khả năng ăn tất cả các loại lá cây, rau và cỏ. Hơn nữa chúng vốn là động vật hoang dã nên sức đề kháng cao, ít khi bị bệnh, dễ dàng cho việc chăm sóc. Một con hươu trưởng thành trong một ngày ăn khoảng 4 - 5kg cỏ hoặc lá cây, vào mùa cắt nhung thì cho chúng ăn thêm tinh bột (cám gạo hoặc cám ngô) khoảng 300 - 500g/ngày và những loại lá cây có nhiều nhựa như sung, mít, đu đủ… thì chất lượng nhung sẽ tốt hơn”. Nuôi hươu con sau khi tách mẹ thì mất 2 năm sẽ cho thu nhung. Một năm thường thu một lần chính và một lần phụ. Nhung thu đợt chính từ khi mọc đến khi cắt mất khoảng 40 - 45 ngày (nhung cho chất lượng tốt nhất là khi cao khoảng 22 - 25 cm). Sau khi cắt đợt 1 thì khoảng 20 - 30 ngày được cắt đợt 2 (đợt phụ và gọi là nhung chồi).
Được biết, việc nuôi hươu, nai lấy nhung đối với ông là niềm vui, thu nhập chính của gia đình ông hàng năm cả tỷ đồng từ việc ươm cây giống và trồng rừng. Ông đang sở hữu 50 ha rừng trồng và 4 vườn ươm giống cây để cung cấp thường xuyên cho khách trong và ngoài tỉnh.
Trồng rừng thành tỷ phú
Hơn 20 năm gắn bó với nghề trồng rừng, trải qua không biết bao nhiêu gian nan vất vả, vật lộn với những vùng đất trống, đồi trọc cằn cỗi, đến nay, gia đình ông Phạm Đình Khả ở thôn Lộc Giang, xã Ân Tường Đông, huyện Hoài Ân thu nhập mỗi năm trên 1 tỷ đồng.
|
Ông Khải (thứ 2 phải sang) giới thiệu mô hình trồng keo lai với khách. |
Dẫn chúng tôi đi tham quan, xung quanh là những đồi keo lai ngút ngàn màu xanh, ông Khả chia sẻ: “Năm 1983, khi được nhà nước cấp 20 ha đất với thời hạn 50 năm, tôi loay hoay mãi rồi chọn 4 ha trồng cây điều, số diện tích còn lại tôi trồng mía. Qua nhiều năm chăm sóc, cây điều kém hiệu quả nên tôi quyết định chặt bỏ trồng cây keo lá tràm. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại cũng chưa thật sự như ý. Nhận thấy được việc trồng keo lai mang lại hiệu quả cao, năm 2003, tôi đã chuyển toàn bộ diện tích đất đang có sang trồng cây keo lai. Có được rừng keo xanh tốt như hôm nay, gia đình chúng tôi đã bỏ ra không biết bao nhiêu công sức”.
Thời điểm đó, người dân không ai mặn mà với việc trồng rừng, với suy nghĩ trồng rừng có khi lên đến cả chục năm mới được khai thác thì lấy ra đâu tiền, ra sức mà làm. Trong khi thị trường giá gỗ rừng trồng thấp, không ổn định. Những khó khăn ấy không làm chùn ý chí của ông Phạm Đình Khả, kiên trì với cây lâm nghiệp đến nay, gia đình ông có trên 20 héc ta keo lai. Đầu năm 2017, ông khai thác 12 ha, trừ chi phí công khai thác, ông lãi 1,2 tỷ đồng. Là một trong những hội viên nông dân tiêu biểu, có diện tích trồng keo lai nhiều nhất ở địa phương, ông thường xuyên giúp đỡ, chia sẻ về kinh nghiệm trồng rừng cho hội viên, nông dân trong xã để phát triển kinh tế vườn đồi, góp phần thúc đẩy kinh tế của địa phương phát triển”.
Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2017 Nguyễn Văn Ái: Biển mặn đã cho tôi vị ngọt cuộc đời
Gần 50 năm lênh đênh trên biển, trải qua biết bao sóng gió biển cả, nếm đủ “vị mặn” cuộc đời, giờ đây ngư dân Nguyễn Văn Ái (sinh năm 1950), ở thôn Xuân Bình, xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ có thể bằng lòng với những công sức mà mình bao năm gầy dựng. Ông là 1 trong số 63 nông dân được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2017".
Lớn lên trong gia đình có truyền thống bám biển, là con trai lớn trong gia đình nên ông Ái sớm bỏ học để theo cha mưu sinh. Trên chiếc ghe nhỏ với công suất 12 CV đánh bắt gần bờ chỉ đủ tiền lo cho gia đình và các em sống qua ngày. “Cuộc đời của tôi cũng giống như biển giả, gia đình đang yên bình lại xảy ra cơn “sóng dữ”. Năm 1972, tôi lập gia đình, cứ thế 6 người con lần lượt ra đời. Khi vợ sinh đứa con thứ 3 là lúc gia đình khốn đốn nhất, bao nhiêu tài sản cứ thế đội nón ra đi” – ông Ái chia sẻ.
|
Ông Ái thường xuyên liên lạc với các con đang đánh bắt ơ khởi xa. |
Sau gần 2 năm, nhờ sự trợ giúp của gia đình bố mẹ bên vợ tiền chữa trị, bệnh tình của vợ ông ngày càng thuyên giảm. Với sức trẻ và lòng nhiệt huyết, cộng thêm phần vốn hỗ trợ nguồn vốn từ bố vợ, ông Ái đã mạnh dạn đầu tư sắm lại chiếc ghe với công suất 12 CV. Biển không phụ công người, ghe ông lúc nào cũng đầy ắp cá. Năm 1979, ông bán ghe cũ, vay thêm tiền đóng mới chiếc thuyền với công suất 30 CV và đổi sang làm nghề lưới rút gần bờ, đánh bắt trong ngày, thu nhập tương đối ổn đình.
Nhận thấy muốn làm giàu từ nghề này đòi hỏi phải có tàu lớn vươn khơi mới hy vọng đổi đời. “Nhiều tàu, thuyền đánh bắt cá ngoài khơi xa luôn trúng mánh, tuy thuyền nhỏ nhưng tôi làm liều vài chuyến thử xem sao, ai ngờ lại hiệu quả” ông Ái bộc bạch. Không bỏ qua cơ hội, năm 1997, ông bán thuyền cũ, vay ngân hàng thêm 40 triệu, quyết tâm “thay áo” với chiếc thuyền mới công suất 60 CV.
Trong vòng 2 năm đánh bắt, ông đã trả hết tiền vay ngân hàng và mua lại được chiếc tàu có công suất 190 CV (loại tàu lớn thời đó). Và cứ thế, chỉ 1 năm sau, ông đóng thêm 2 chiếc tàu mới với công suất mỗi chiếc cố công suất 370 CV. Hiện giờ, ông đang sở hữu 5 chiếc tàu (tổng giá trị trên 60 tỷ đồng), trong đó chiếc tàu BĐ 94439 TS, có công suất 900 CV một trong những tàu cá lớn nhất khu vực miền Trung. Với nghề lưới vây rút chì, mỗi chuyến biển, những chiếc tàu của ông Ái giải quyết việc làm cho hơn 75 lao động, mỗi lao động đi tàu cho ông Ái có thu nhập hơn 150 triệu đồng/người/năm.
Với biển đảo quê hương, ông Ái tâm niệm: “Biển Đông là nhà, biển đã cho mình nhiều thứ, mình phải có trách nhiệm giữ gìn lãnh hải quốc gia như giữ ngôi nhà của mình. Ở trên bờ chúng tôi đoàn kết một thì ngoài biển đoàn kết mười. Riêng tổ đội của tôi có 12 tàu cá công suất lớn của 9 hộ gia đình, đã cứu hộ nhiều tàu cá của các tỉnh bạn gặp nạn trên biển".
Hiện tuổi đã cao, không còn “cưỡi sóng” vươn khơi, ông Ái đã bàn giao các tàu cá cho sáu người con trai, nhưng ông vẫn thường xuyên liên lạc, hướng dẫn các con trên mỗi hải trình thông qua hệ thống liên lạc đã được cài đặt sẵn ở nhà để việc đánh bắt đạt hiệu quả cao hơn./.